01/05/2018 09:15 GMT+7

Đấu thầu đường cao tốc Bắc - Nam: Lời ăn, lỗ chịu

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TTO - Cùng với nghị quyết 52 của Quốc hội, nghị quyết 20 mà Chính phủ ban hành ngày 28-3 vừa qua về việc xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đã tháo gỡ nhiều cơ chế quan trọng.

Đấu thầu đường cao tốc Bắc - Nam: Lời ăn, lỗ chịu - Ảnh 1.

Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: THUẬN THẮNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Danh Huy - vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ Gaio thông Vận tải - cho rằng còn nhiều bất cập trong hành lang pháp lý khi triển khai các dự án BOT thời gian qua. Vì thế cần phải nhanh chóng tháo gỡ bất cập trên bằng những cơ chế cụ thể.

* Vì sao trước đây quy định vốn sở hữu trong tổng đầu tư dự án của nhà đầu tư chỉ 15%, nhưng nghị quyết 20 mới đây đã điều chỉnh lên 20%?

Về nguyên tắc, mức vốn chủ sở hữu cao hơn thì tổ chức tín dụng sẽ dễ cho dự án vay vốn hơn. Nhưng khi đưa vốn chủ sở hữu lên càng cao thì cũng dẫn tới tăng chi phí vốn đầu tư dự án do tỉ suất lợi nhuận với phần vốn chủ sở hữu thường cao hơn lãi vay ngân hàng. 

Trong thuật ngữ tài chính gọi tỉ lệ vốn chủ sở hữu là tỉ lệ đòn bẩy tài chính. Việc đưa ra tỉ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% cũng đã cân nhắc khả năng huy động tín dụng, chi phí vốn của dự án.

Có nhiều chuyên gia cho rằng nên đưa vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên 50-60%, nhưng trên thế giới không ai làm thế mà chỉ đưa ra mức hợp lý. Vì vốn chủ sở hữu càng cao thì lợi nhuận cho phần vốn này càng nhiều, làm tăng vốn đầu tư dự án.

Đường cao tốc làm mới hoàn toàn, phí sẽ trả theo kilômet lăn bánh, làm đường nào thu phí đường đó nên tôi nghĩ người dân sẽ ủng hộ.

* Nghị quyết 20 quy định lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng mức lợi nhuận trung bình của các dự án BOT đường bộ đã triển khai thời gian qua. Mức lợi nhuận chính thức được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh, theo ông, liệu có hấp dẫn nhà đầu tư?

Với chỉ định thầu, thông tư của Bộ Tài chính trước đây hướng dẫn lợi nhuận của nhà đầu tư là lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng. Nhưng trung bình là bao nhiêu thì rất khó. 

Bộ GTVT đã tham vấn Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á... và họ đưa ra mức lợi nhuận 17 - 19%. Có người nói cao, nơi bảo thấp, nên cuối cùng xác định mức lợi nhuận qua đấu thầu. 

Nhưng để đưa vào tính toán phương án tài chính thì không vượt hành lang pháp lý nên đề nghị lấy mức trung bình của các dự án BOT đã triển khai. Trên thực tế, với 67 dự án BOT mà Bộ GTVT triển khai trong thời gian qua, mức lợi nhuận trung bình là 11,77%.

Nhà đầu tư nào cũng muốn lợi nhuận cao nhưng lợi nhuận được đưa ra là mức phù hợp với quy định pháp luật hiện nay. Nếu lợi nhuận thấp quá thì nhà đầu tư không tham gia, nhưng không loại trừ việc nhà đầu tư bỏ thầu với mức lợi nhuận thấp hơn dự tính. Hiện chúng ta chưa đấu thầu nên chưa có sự đánh giá cao hay thấp được.

* Như vậy dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ chọn nhà đầu tư qua đấu thầu và nhà đầu tư phải chấp nhận cuộc chơi?

Đúng, giá đấu thầu dựa vào tổng mức đầu tư theo thiết kế kỹ thuật và dự toán, nhà đầu tư nào đấu thầu với giá thấp hơn giá trần đó thì thắng. Giá trị trúng thầu là giá trị thanh quyết toán và nhà đầu tư chấp nhận lời ăn, lỗ chịu. 

Nếu nhà đầu tư ứng dụng công nghệ, vật liệu mới, dẫn đến kinh phí dự án tăng hay giảm thì họ tự chịu hoặc được hưởng. Bộ GTVT chỉ giám sát nội dung thay đổi giải pháp kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.

Lần này với đầu tư PPP, Nhà nước chỉ quản lý chất lượng đầu ra. Nghĩa là "ông" làm ra con đường phải đạt từng ấy tiêu chí. Còn thay đổi giải pháp thi công, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí thì "ông" được hưởng. Như vậy sẽ phát huy được sáng tạo của nhà đầu tư. Khác với hiện nay, chỉ định thầu nên nhà đầu tư chẳng có gì để phải sáng tạo.

Đấu thầu đường cao tốc Bắc - Nam: Lời ăn, lỗ chịu - Ảnh 3.

Tổng mức đầu tư đường cao tốc - Đơn vị tính: tỉ đồng VN

* Như vậy việc lập thiết kế kỹ thuật, dự toán phải rất sát?

Bộ GTVT có trách nhiệm lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán sát, đúng theo các quy định đã có và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Ngoài ra, do dự án đấu thầu quốc tế nên Chính phủ cũng thành lập tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ: Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên - môi trường, địa phương nơi dự án đi qua và chuyên gia với mục đích đảm bảo sự minh bạch, đưa ra sản phẩm tốt chứ không phải chỉ có Bộ GTVT "múa tay trong bị".

* Số tiền 55.000 tỉ đồng mà Nhà nước hỗ trợ được dùng vào mục đích gì?

Số tiền này sẽ chi cho công tác tư vấn trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, tư vấn kiểm định chất lượng trong quá trình thi công, rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, tái định cư...

* Đã có nhà đầu tư nào tìm đến các dự án mà bộ vừa công bố?

Theo tiến độ thì cuối tháng 9-2018 sẽ thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi, để cuối năm nay phát hành hồ sơ sơ tuyển. Sau khi sơ tuyển, tháng 5-2019 sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư. Lúc này chúng ta mới có thể biết được sự quan tâm của họ về dự án nào. Hiện nay các nhà đầu tư mới dừng lại ở mức tìm hiểu.

Đấu thầu đường cao tốc Bắc - Nam: Lời ăn, lỗ chịu - Ảnh 4.

Các đoạn cao tốc đã khai thác và đang xây dựng - Đồ họa: N.KH.

* Sau một loạt phản ứng của người dân, có lo ngại rằng nhà đầu tư không mặn mà với BOT, liệu có ảnh hưởng đến tiến độ hoàn tất các tuyến cao tốc?

Chính phủ đã lường trước và trình Quốc hội cơ chế chính sách để đảm bảo nhà đầu tư yên tâm không bị những tác động như thế. Ví dụ mức giá sử dụng đường bộ và lộ trình tăng giá được ấn định từ đầu, Nhà nước cân đối ngân sách để hỗ trợ dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng... 

Bên cạnh đó, đường cao tốc làm mới hoàn toàn và trả theo kilômet lăn bánh, làm đường nào thu phí đường đó nên người dân sẽ ủng hộ.

Trường hợp không có nhà đầu tư tham gia sẽ báo cáo để Quốc hội quyết định. Quan điểm của tôi là chúng ta không nên can thiệp quá sâu mà hãy để thị trường quyết định. Nếu đấu thầu không thành công thì xem lại mức hỗ trợ, các giải pháp chia sẻ rủi ro của Nhà nước đã xứng đáng chưa, nếu chưa thì phải tăng lên. 

Đây là thị trường, là sự mặc cả của hai bên để đạt được sự thống nhất nên phải tăng tính hấp dẫn của dự án lên để nhà đầu tư tiếp tục tham gia đấu thầu chứ bộ không đề xuất chỉ định thầu.

Các điểm mới về đầu tư BOT cao tốc Bắc - Nam

- Đường đầu tư mới 100%

- Thu phí kín (đi bao nhiêu trả bấy nhiêu)

- Nhà đầu tư phải có 20% vốn chủ sở hữu

- Toàn bộ dự án phải đấu thầu

- Sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, nếu nhà đầu tư không thu xếp được vốn thì thu hồi dự án.

* Ông Phạm Văn Khôi (chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - nhà đầu tư đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ): 3 lý do khiến nhà đầu tư e ngại

Nhà đầu tư e ngại nhất khi làm cao tốc Bắc - Nam là vốn chủ sở hữu bị nâng lên 20%. Việc này đảm bảo an toàn cho ngân hàng nhưng bất lợi cho nhà đầu tư vì họ ít vốn. Nếu trên 3 nhà đầu tư cùng liên doanh tham gia một dự án, thì các ngân hàng sẽ không tài trợ vốn do lo ngại sự không đồng lòng.

Thứ hai, dù địa phương luôn cam kết nhưng chưa có dự án nào giải phóng mặt bằng đúng thời hạn. Dự án càng chậm đưa vào khai thác, nhà đầu tư càng phải trả thêm lãi vay trong khi nguồn thu không có.

Thứ ba, nghị quyết 20 quy định đấu thầu chọn nhà đầu tư dựa trên dự toán, thiết kế kỹ thuật. Nhưng với tiến độ lập dự toán đồng loạt nhiều dự án trong thời gian ngắn thì khó lường hết được khó khăn, vướng mắc về vấn đề kỹ thuật của các hạng mục công trình như cầu cống, mái dốc, xử lý nền đất.

Đặc biệt hầm chui, đường gom dân sinh trong quá trình làm đường phát sinh rất nhiều.

* Ông Trần Quốc Việt (nguyên chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam): Cần thống nhất quy định pháp lý

Nhiều nhà đầu tư tâm tư với quy định đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án dựa trên dự toán, thiết kế kỹ thuật. Về nguyên tắc, nhà đầu tư đưa ra giá thấp nhất, thời gian thu phí ngắn nhất thì trúng thầu.

Nếu Nhà nước xác định dự án giá 10.000 tỉ đồng, thu phí 20 năm, nhà đầu tư trúng thầu với 9.000 tỉ, thu phí 19 năm. Nhưng sợ sau này thanh tra, kiểm toán vào lại bảo giá trị dự án đó không phải 9.000 tỉ đồng mà chỉ 8.000 tỉ đồng thôi nên bắt giảm thời gian thu phí.

Dễ xảy ra chuyện này bởi khi Nhà nước đứng ra lập dự toán để đấu thầu thì thanh tra, kiểm toán chưa tham gia. Vì vậy cần thống nhất các quy định pháp lý từ đầu, khi nhà đầu tư ký hợp đồng thì không nên ép họ về giá, Nhà nước chỉ kiểm soát chất lượng dự án.

Chống tham nhũng trong đấu thầu dự án đường cao tốc Bắc - Nam Chống tham nhũng trong đấu thầu dự án đường cao tốc Bắc - Nam

TTO - Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất cần xây dựng và triển khai kế hoạch hành động chống gian lận và tham nhũng hiệu quả trong đấu thầu chọn nhà đầu tự dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên