Một đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1). Tuyến cao tốc dài 50km từ Hà Nội đến Nam Định là một trong những đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía đông được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đầu tư, đưa vào khai thác năm 2012 với tổng mức đầu tư 8.974 tỉ đồng - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Cụ thể, căn cứ vào đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ngân hàng Nhà nước và các bộ liên quan, Chính phủ quy định tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong tổng vốn đầu tư các dự án của đường cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công - tư (PPP) 20%.
Đây là mức cao hơn so với quy định tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án BOT của nghị định số 15/2015/NĐ-CP hiện hành về đầu tư theo hình thức PPP.
Việc nâng vốn chủ sở hữu lên cao được lý giải nhằm đảm bảo dự án khả thi về vay vốn khi gần đây các ngân hàng có yêu cầu tỉ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án BOT.
Tuy nhiên, việc nâng vốn chủ sở hữu lên cao cũng được nhận định sẽ dẫn đến tăng chi phí vốn đầu tư dự án do tỉ suất lợi nhuận đối với vốn chủ sở hữu thường cao hơn lãi vay ngân hàng.
Về mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi tính toán phương án tài chính của dự án để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu, nghị quyết quy định bằng mức lợi nhuận trung bình trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ở các dự án BOT đường bộ đã triển khai trong thời gian qua.
Mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư sẽ được xác định chính xác thông qua đấu thầu cạnh tranh.
Thực tế, với các dự án BOT đường bộ đã triển khai trong thời gian qua, mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dao động ở con số 11,5 - 14%.
Tính trung bình ở 67 dự án BOT đường bộ đã triển khai do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 11,77%.
Để có cơ sở xử lý những trường hợp nhà đầu tư đã ký hợp đồng BOT chính thức nhưng chậm hoặc không huy động được phần vốn vay làm ảnh hưởng tiến độ dự án, dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý như đã từng xảy ra ở một số dự án BOT giao thông vừa qua, nghị quyết quy định nhà đầu tư bị coi là vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mà không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng và đề xuất giải pháp xử lý.
Nghị quyết của Chính phủ cũng quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua đấu thầu. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
Đồng thời thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và địa phương nơi có dự án đi qua, mời thêm một số chuyên gia (nếu cần thiết).
Theo nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, trong giai đoạn này sẽ triển khai đầu tư 654km đường cao tốc ở theo các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) với tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng.
Trong đó, vốn nhà nước 55.000 tỉ đồng, vốn đầu tư 63.716 tỉ đồng.
Đến nay Bộ GTVT đã công bố danh mục các dự án để kêu gọi nhà đầu tư. Theo đó, 8 dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỉ đồng (trong đó, phần vốn đầu tư của nhà nước 40.362 tỉ đồng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận