Ngày 19-10, UBND TP Cần Thơ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 6 tỉnh vùng Nam sông Hậu gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang và Kiên Giang để bàn về liên kết, hợp tác trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Tại cuộc họp, ông Lâm Minh Thành - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - đề xuất các địa phương cần thực hiện nghiêm túc nghị quyết 128 của Chính phủ "bởi lẽ nghị quyết này đã lấy ý kiến rất nhiều lần các bộ, ngành, địa phương. Thậm chí cuộc họp gần nhất, Thủ tướng cũng lấy ý kiến chúng ta, ban hành rồi vẫn còn tiếp tục lấy ý kiến nhưng chúng ta không có ý kiến thì phải chấp hành".
Ông Thành nói thêm: "Kinh nghiệm là chúng ta không nên cát cứ nữa. Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, nếu mỗi nơi, mỗi chỗ tự ban hành quy định thì chắc chắn là chúng ta tự làm khó chúng ta và làm khó cho cái chung. Chúng ta nên tiếp tục thực hiện tốt nghị quyết 128 và các hướng dẫn của bộ ngành trung ương, tôi nghĩ sẽ tốt hơn".
Ông Thành đề xuất cụ thể hơn một số giải pháp. Trên lĩnh vực y tế, các địa phương cần chia sẻ thông tin về cấp độ dịch giữa các tỉnh, các huyện, thậm chí là xã giáp ranh trong khu vực. Nếu 7 tỉnh, thành không thống nhất việc đánh giá cấp độ này thì chắc chắn việc qua lại, giao thương hàng hóa của người dân sẽ rất khó.
Ở lĩnh vực giao thông vận tải, đề nghị trên cơ sở chia sẻ thông tin về cấp độ dịch, các tỉnh thành nên chỉ đạo các địa phương, nhất là sở giao thông vận tải phối hợp hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải, vì để mỗi nơi, mỗi địa phương đặt ra quy định thì rất khó.
"Để đảm bảo thích ứng linh hoạt kiểm soát dịch, tôi cho rằng việc chúng ta thành lập các chốt kiểm soát liên tỉnh chỉ kiểm soát dịch thôi, chứ không phải kiểm soát đi lại, lưu thông. Nếu lập chốt đầu ngõ các tỉnh nữa thì việc qua lại rất phiền. Do đó làm sao tổ chức kiểm soát được dịch, còn nếu duy trì các chốt thì cuộc họp hôm nay bàn không ra được, chắc chắn không ra được", ông Thành nói.
Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho rằng những năm qua, khu vực 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu hầu như tỉnh nào có kế hoạch của tỉnh đó. Về phát triển kinh tế hay hạ tầng giao thông và các lĩnh vực khác thì mỗi tỉnh "tự bơi", tỉnh nào "bơi" giỏi thì đến trước, tỉnh nào "bơi" dở thì ở lại sau, nên việc phát triển bền vững của khu vực là không vững chắc, trong đó có lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Về phòng chống dịch, ông Lâu cũng nhận định thời gian qua hầu như mỗi tỉnh có giải pháp riêng, không kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau, trong khi quy định, chủ trương từng tỉnh chưa đồng bộ, thống nhất. "Mong muốn 7 tỉnh thành một khối thống nhất, như vậy mới có sự đồng thuận, có chủ trương đồng bộ ở cả khu vực", ông Lâu chia sẻ.
Tương tự, đại diện lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang cũng đề nghị các tỉnh trong tiểu vùng sớm công bố cấp độ dịch của từng địa phương để các tỉnh có cơ sở cách ly hoặc hướng dẫn người đến địa phương mình, có sự thống nhất giữa các tỉnh để tránh gây thắc mắc cho người dân.
Là đơn vị chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề xuất để việc hợp tác đi vào thực chất, sẽ thành lập tổ giúp việc gồm văn phòng UBND các tỉnh và các sở có liên quan, tham mưu cho thường trực UBND các tỉnh. Định kỳ hằng quý họp sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, thành lập group Zalo để giải quyết câu chuyện giữa 7 tỉnh; luân phiên chủ trì phiên họp sơ kết trực tuyến và lần tới ông Trường đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng đăng cai chủ trì.
Ông Trường cũng đề nghị trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, 7 địa phương sẽ đánh giá kết quả phối hợp, điều chỉnh kịp thời, đồng thời nghiên cứu liên kết với các địa phương còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
7 địa phương cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, bộ ngành trung ương các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong việc thực hiện các hướng dẫn tạm thời của các bộ.
Doanh nghiệp trở lại sản xuất chưa quá 50%
Ông Nguyễn Phương Lam cho biết đã có từ 30-50% doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long quay lại sản xuất sau 2 tuần các tỉnh, thành trong vùng gỡ bỏ giãn cách xã hội - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ - cho biết sau hơn 2 tuần gỡ bỏ giãn cách xã hội, số doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long trở lại sản xuất đã đều hơn, nhưng tỉ lệ mới đạt được chừng 30-50%, chưa có tỉnh nào có số doanh nghiệp trở lại sản xuất hơn 50%.
Về khó khăn, hiện nay việc di chuyển, vận chuyển và kết nối giữa các tỉnh chưa được thông suốt. "Chúng tôi cũng băn khoăn và suy nghĩ tại sao 1 công dân, 1 doanh nghiệp ở địa phương đã được tiêm vắc xin, ở vùng xanh, đã xác định không bệnh thì tại sao không dùng tiêu chí đó đi qua lại giữa các tỉnh? Các địa phương cần thống nhất nhau", ông Lam đề xuất.
Ngoài ra, còn nhiều địa phương vẫn yêu cầu xét nghiệm định kỳ, đặc biệt một số địa phương yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần, vì vậy đề nghị các địa phương nếu đánh giá dịch ổn thì nên giãn việc xét nghiệm này hoặc bãi bỏ.
Ông Lam cho biết, qua làm việc với các doanh nghiệp, với các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội tỉnh, các doanh nghiệp có một số kiến nghị như mong muốn được trao quyền nhiều hơn; được giãn tiến độ đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tới 6 tháng vì đa phần doanh nghiệp chưa có nguồn thu trở lại; kiến nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin cho các địa phương trong vùng nhiều hơn để đẩy nhanh tỉ lệ bao phủ vắc xin cho địa phương, trong đó có các công nhân làm việc tại các doanh nghiệp…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận