Sau khi hưởng niềm vui gặt hái doanh thu kỷ lục vào năm ngoái, sang năm 2023 các doanh nghiệp ngành phân bón đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Sếp lớn của công ty phân bón lớn bậc nhất cả nước đồng loạt rời "ghế nóng"
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo hay thường được gọi là Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) vừa công bố biến động nhân sự cấp cao.
Theo đó, ông Hoàng Trọng Dũng chính thức không còn đảm nhận chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông này vẫn tiếp tục giữ chức thành viên hội đồng quản trị cho đến khi có quyết định khác của đại hội đồng cổ đông.
Cả ông Lê Cự Tân cũng thôi chức tổng giám đốc và không còn là người đại diện pháp luật của tổng công ty.
Hai vị cựu lãnh đạo doanh nghiệp phân bón lớn bậc nhất sàn chứng khoán được điều động đến đơn vị khác để công tác.
Trong khi đó, doanh nghiệp bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Anh và ông Đào Văn Ngọc vào vị trí mới, lần lượt giữ chức thành viên hội đồng quản trị và phó tổng giám đốc.
PVFCCo là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), đến nay đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển, trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành phân bón Việt Nam.
Doanh nghiệp có tám đơn vị thành viên trải dài ba miền Tổ quốc, trong đó sản xuất và kinh doanh hai sản phẩm nổi bật gồm phân bón Phú Mỹ và hóa chất Phú Mỹ. Riêng nhà máy Đạm Phú Mỹ có công suất 800.000 tấn urê/năm, 540.000 tấn amoniac/năm, dùng công nghệ đến từ Đan Mạch và Ý để sản xuất.
Lợi nhuận ngành phân bón lao xuống đáy
Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón tràn ngập màu sắc ảm đạm. Theo báo cáo tài chính vừa công bố, lũy kế ba quý đầu năm 2023, PVFCCo ghi nhận doanh thu xấp xỉ 10.190 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 436 tỉ đồng, giảm lần lượt 31% và 90% so với cùng kỳ năm trước, cách xa kế hoạch đề ra cho cả năm.
Một "đại gia" khác cùng ngành cũng không thoát khỏi cảnh làm ăn thất bát. Từ đầu năm đến cuối quý vừa qua, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) bị giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 9.040 tỉ đồng. Trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp còn lại hơn 610 tỉ đồng lãi sau thuế (-81%).
Phó tổng giám đốc Lê Ngọc Minh Trí giải thích, mặc dù sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm trong quý vừa qua tăng, nhưng giá phân bón giảm mạnh khiến doanh thu bán hàng giảm, trong khi giá vốn tăng. Chưa kể chi phí bán hàng cũng tăng do công ty đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường và hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Trong lĩnh vực phân bón và hóa chất, tình hình làm ăn của nhiều doanh nghiệp khác cũng suy giảm mạnh tính từ đầu năm đến cuối quý 2-2023, gồm: Đạm Hà Bắc (DHB, lỗ ròng sau thuế gần 790 tỉ đồng), Phân bón Bình Điền (BFC, lãi sau thuế bị giảm 39%, xuống còn 129 tỉ đồng), Hóa chất Đức Giang (DGC, lợi nhuận sau thuế bị giảm 49%, về mốc hơn 2.500 tỉ đồng)...
Theo Chứng khoán BSC, dù ngành phân bón vừa phải đối mặt nhiều thách thức, nhưng dự báo vào những tháng cuối năm nay tình hình có thể khởi sắc hơn, giá phân bón trong nước tăng lên để bắt kịp đà tăng trên thế giới. Điểm thu hút nhà đầu tư là hầu hết doanh nghiệp phân bón đều chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ cao, thường dao động từ 30-70%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận