23/04/2025 10:35 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: Đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của đại biểu Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần nâng cao chất lượng thảo luận của Quốc hội và quy định thời gian, tránh lan man và mỗi ý kiến phải trọng tâm vào vấn đề.

Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 23-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều nghị quyết 71/2022 của Quốc hội ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội.

Tài liệu gửi đại biểu Quốc hội chậm nhất là 48 giờ trước phiên biểu quyết thông qua

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, ban soạn thảo đề xuất quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong nội quy, và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Một số vấn đề quan trọng khác cũng được bổ sung, chỉnh lý, như không quy định cứng về thời gian được phép kéo dài của phiên họp (nội quy hiện hành chỉ cho phép kéo dài không quá 30 phút của phiên họp buổi sáng và 60 phút của phiên họp buổi chiều).

Tài liệu cũng được yêu cầu gửi sớm hơn đến đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, dự luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự luật, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm nhất là 48 giờ trước phiên biểu quyết thông qua (quy định hiện hành là 24 giờ).

Ông Tùng nêu, có ý kiến đề nghị rút gọn các quy trình tại kỳ họp liên quan đến việc bầu, phê chuẩn các chức danh của nhà nước; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội… để tránh hình thức.

Ban soạn thảo nhận thấy việc xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự là thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, cần phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng.

Do đó xin được giữ các nội dung liên quan đến quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp như nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành.

Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải tiếp tục đề nghị nên giao nhiệm vụ này cho Ủy ban Công tác đại biểu khi thảo luận ở đoàn về công tác nhân sự.

Theo bà Hải, việc giao một đầu mối, vừa tổng hợp phiếu, vừa tổng hợp ý kiến khi thảo luận ở đoàn về công tác nhân sự, sẽ giảm thiểu đầu mối, đảm bảo công tác chuyên môn và đảm bảo tính bảo mật, giảm thiểu đầu mối.

Nêu ý kiến về công tác nhân sự tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí giữ nguyên việc bầu, phê chuẩn, bãi nhiệm các chức danh nhà nước.

Theo ông Mẫn việc này thực hiện theo quy trình, hướng dẫn của Đảng, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Đảm bảo tính kỷ luật kỷ cương của đại biểu Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ cần nâng cao chất lượng thảo luận và quy định thời gian, tránh lan man và mỗi ý kiến phải trọng tâm vào vấn đề.

Ông dẫn chứng có những buổi thảo luận một buổi nhưng có mấy vấn đề, tới cơ quan soạn thảo lên giải trình là xong.

Do vậy trong điều hành, ông cho rằng cần vận dụng linh hoạt để chuyển sang mục khác, đỡ mất thời gian, tránh một buổi có mấy vấn đề nói đi nói lại.

Ông cũng lưu ý việc làm sao để tránh tình trạng bài viết sẵn rồi phải đọc ở hội trường.

"Mình giảm bớt cái đó và làm sao cái này tính toán. Vừa qua khuyến khích đại biểu phát biểu nhưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Thậm chí bài có thể gửi cho ban thư ký trước để có điều kiện tổng hợp...", ông Mẫn nói.

Một vấn đề khác, ông đề nghị vấn đề quan trọng là tới đây Quốc hội cần tăng cường tương tác với cử tri, chứ không phải mỗi kỳ họp Quốc hội đợi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

Đồng thời, phải đảm bảo tính kỷ luật kỷ cương của đại biểu Quốc hội. Trong đó quy định rõ hành vi vào hội trường không được ngủ gật, sử dụng điện thoại phải để chế độ rung...

Ông nhắc lại Quốc hội khóa XV tiến bộ hơn khóa XIII - XIV. Ở các khóa đó, không bao giờ sử dụng được điện thoại, iPad.

"Bây giờ cho sử dụng nhưng phải quy định nghiêm ngặt làm thế nào để đảm bảo không gây ồn, mất trật tự.

Rồi áp dụng biện pháp xử lý trong vấn đề nghỉ họp thường xuyên. Ví dụ nghỉ 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày phải xin phép thế nào, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách", ông Mẫn nêu.

Chủ tịch Quốc hội: Cần tránh tình trạng bài viết sẵn rồi phải đọc ở hội trường - Ảnh 3.Chủ tịch Quốc hội thông tin mới về sửa Hiến pháp, sẽ bầu cử sớm, dự kiến có 500 đại biểu Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp sẽ diễn ra sớm (dự kiến 15-3-2026). Quốc hội dự kiến có 500 đại biểu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên