Chiều 6-9, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 40 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Người vay tín dụng chính sách xã hội phải vượt khó trả nợ
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá cao sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là tại cơ sở, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Ông Mãi cũng biểu dương vai trò tham mưu phối hợp của Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM.
Trong thời gian tới, chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tín dụng chính sách xã hội.
"Vẫn có nhận thức vay của Ngân hàng Chính sách xã hội giống như cho, có điều kiện thì trả, không thì không sao. Cái này không có. Đó là nguyên nhân của việc sử dụng đồng vốn dễ dãi không hiệu quả.
Đã nói là tín dụng, vay thì phải trả. Người đi vay phải có nhận thức này. Nếu không đủ điều kiện thì tiếp cận nguồn hỗ trợ khác, chúng ta có cách khác để giúp", ông Mãi nói.
Ông Mãi cho rằng cần nâng cao quyết tâm của người vay, bằng nguồn lực đã vay, người dân phải cố gắng vượt khó. TP.HCM là thành phố nghĩa tình, sẵn sàng san sẻ giúp đỡ lẫn nhau nhưng TP.HCM cũng là TP năng động, sáng tạo, vươn lên vượt khó.
Những người khó khăn phải tự thân, tự lực, tự cường, không nên có tâm lý chờ đợi vào sự giúp đỡ.
TP.HCM sẽ phân loại các hộ nghèo, những hộ nào có khả năng thoát nghèo cần sự hỗ trợ thì tập trung các nguồn lực để hỗ trợ. Những hộ không còn khả năng thoát nghèo thì vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo.
Đẩy nhanh đề án tín dụng sinh viên
Bên cạnh đó, cần tập trung các giải pháp tạo sinh kế, đào tạo nghề cho người vay vốn. Một người nhận chính sách tín dụng xã hội 1-2 kỳ mà chưa thoát nghèo thì phải đánh giá, đổi phương pháp hỗ trợ.
Đáng chú ý, chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM phối hợp các đơn vị liên quan triển khai chương trình tín dụng sinh viên.
Hiện TP.HCM cũng có các chương trình tín dụng sinh viên nhưng phải mở rộng quy mô, làm sao sinh viên từ mọi miền đất nước về TP.HCM học tập có nhu cầu vay vốn tín dụng thì được vay vốn học tập.
Không chỉ Ngân hàng Chính sách xã hội mà các ngân hàng thương mại cũng có thể đề ra các chính sách hỗ trợ tín dụng sinh viên.
"Chính sách của các ngân hàng thương mại có thể giảm hết sức có thể. Phần chênh lệch lãi suất giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại có thể dùng một nguồn quỹ để hỗ trợ. Quỹ này cũng dùng để bảo lãnh cho trường hợp rủi ro.
Quỹ này có thể vận động một phần xã hội hóa và TP cũng dành khoản ngân sách nhất định đưa vào quỹ bảo lãnh tín dụng sinh viên và hỗ trợ lãi suất phần chênh lệch", ông Mãi nói.
Ông Mãi cho rằng nếu làm được chính sách này sẽ động viên tinh thần nhân dân TP.HCM và nhân dân cả nước, mà trực tiếp là sinh viên cả nước về TP.HCM học tập.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục vận động các loại quỹ xã hội để cộng hưởng cùng chương trình tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ người dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị Trung ương sớm ban hành chỉ thị mới về tín dụng chính sách xã hội. Ông cũng đề nghị cho phép TP.HCM và một số địa phương có điều kiện đặc thù thí điểm mở rộng chính sách, làm sao sát sao với tình hình của TP.HCM. Ông Mãi cũng cam kết TP.HCM sẽ tập trung lãnh đạo, triển khai chính sách tín dụng xã hội đạt kết quả.
Tín dụng chính sách xã hội đã giúp 20.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Tiên - giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM - cho biết 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 120.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo các giai đoạn.
Đồng thời thu hút, tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm cho gần 379.000 lượt lao động, giúp gần 500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Giúp hơn 23.380 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; cải tạo hơn 212.700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn 5 huyện của TP. Hỗ trợ cho vay để sửa chữa, cải tạo 1.232 căn nhà cho người nghèo, hỗ trợ cho 322 người có công và người có thu nhập thấp xây mới, sửa chữa nhà, mua nhà ở xã hội.
72 hộ gia đình vay vốn tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, giúp 197 lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 67.200 lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Đến ngày 30-6, nợ quá hạn và nợ khoanh của các chương trình là 90,6 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 0,8% tổng dư nợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận