Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm "rất đau xót" khi có những sinh viên nghèo, không đủ tiền đi học và gợi mở chính quyền TP.HCM tính toán về chính sách cho vay vốn hỗ trợ sinh viên đi học.
Mong mỏi của sinh viên khó khăn
Gợi mở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chính là mong mỏi của hàng ngàn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM, trong đó có gia đình em Huỳnh Bảo Anh (quê An Giang).
Kỳ thi đại học vừa qua, Bảo Anh đạt 21 điểm khối D1, có nguyện vọng học ngành khoa học hàng hải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, câu chuyện học phí cho bốn năm đại học trở thành nỗi trăn trở lớn của Bảo Anh.
Tranh thủ khoảng thời gian chưa nhập học, Bảo Anh xin làm thêm ở một cửa hàng tại quận Tân Phú (TP.HCM) nhưng số tiền lương theo giờ ít ỏi chắc chỉ đủ cho em trang trải tiền sinh hoạt.
Vừa rồi Bảo Anh cũng làm hồ sơ xin học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cha mẹ Bảo Anh phải tính đến chuyện vay vốn cho con đi học. Gia đình Bảo Anh vẫn đang chờ đợi các chính sách cho vay ưu đãi từ Nhà nước.
Hay câu chuyện của bạn Mẫn Nhi, sinh viên năm 2 của một trường cao đẳng y khoa tại quận Tân Bình (TP.HCM). Vì trường tự chủ tài chính nên học phí ba năm học khá cao so với kinh tế gia đình (9-10 triệu đồng/học kỳ) chưa kể các chi phí sách vở, giáo trình, những lần mua dụng cụ y khoa thực hành… Mẫn Nhi nhớ lại thời điểm nhập học, em phải chạy vạy khắp nơi để vay số tiền 15 triệu đồng đóng học phí và thuê trọ, mua sách vở ban đầu.
"Lúc đó học phí chính là rào cản lớn nhất của tôi trên con đường theo đuổi ước mơ. Những năm sau ở xã có chương trình vay vốn cho sinh viên nghèo, tôi mới có thể an tâm theo học đến hiện nay. Những chương trình cho vay học phí thật sự rất cần thiết, để sinh viên khó khăn như tôi có thêm niềm tin vào lựa chọn của mình, bởi khi sinh ra trong những gia đình chỉ có thể đủ ăn qua ngày, việc học đại học vẫn còn là ước mong xa xỉ ", Nhi tâm tình.
Động lực cho sinh viên học tập
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Nam - trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết lâu nay đều có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên khó khăn nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Thực tế có rất nhiều sinh viên không thể đi học vì lý do tài chính dù thành tích học tập rất tốt, có định hướng tương lai rất rõ ràng.
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện nay có một số ngành dù đã được ngân sách hỗ trợ học phí một phần nhưng nhiều sinh viên vẫn không thể thanh toán đúng hạn. Nhiều gia đình hiện nay không có tài sản để thế chấp vay ngân hàng cho con đi học.
Theo chị Trần Thu Hà - phó bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM - Chính phủ hiện nay cũng có những chính sách tín dụng, miễn giảm học phí cho sinh viên như quyết định 157 của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và gần đây nhất là quyết định 05 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 157 hay nghị định 81 của Thủ tướng quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tại TP.HCM, các trường cũng xây dựng chính sách tín dụng cho vay tín chấp với lãi suất 0%. Tuy nhiên, nhìn chung, đối tượng được tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ này có giới hạn và mức hỗ trợ còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của sinh viên, thời gian vay, lãi suất hỗ trợ cũng như điều kiện, thủ tục cho vay còn khá phức tạp.
Thời gian qua, ĐH Quốc gia TP.HCM có chương trình cho sinh viên khó khăn các trường trong hệ thống vay tín chấp với lãi suất 0% đã tạo nguồn lực và động lực cho các em học tập. Tuy nhiên, đối tượng tiếp cận chương trình này có giới hạn, mức hỗ trợ còn thấp.
"Nếu TP.HCM xây dựng được chương trình cụ thể, có nguồn lực rõ ràng và có tính bền vững thì rất hay. TP cũng có thể tính đến việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội để tăng nguồn lực cho chương trình" - ông Nam nói.
Hiện TP.HCM có khoảng 600.000 sinh viên đang học tại các trường đại học, học viện, cao đẳng. Trong đó, hơn 50% sinh viên đến từ các tỉnh thành khác. Các sinh viên này ngoài học phí còn phải chi trả chi phí ăn uống, đi lại, sinh hoạt… gây nhiều áp lực, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, việc hỗ trợ sinh viên khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay, tín dụng luôn được lãnh đạo TP quan tâm.
Thời gian qua, TP đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, Thành Đoàn và các sở ngành có liên quan tham mưu đề án hỗ trợ sinh viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu học tập tại TP.HCM giai đoạn 2024 - 2028.
Chị Trần Thu Hà, phó bí thư Thành Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM, cho biết mục tiêu của đề án này là tạo điều kiện cho sinh viên có nhu cầu được vay vốn ngân hàng và hỗ trợ cấp bù lãi suất trong thời gian sinh viên học tại TP.HCM.
TP cũng sẽ trang bị kiến thức, giới thiệu việc làm bán thời gian để hạn chế sinh viên vướng vào tín dụng đen. Bên cạnh đó là xây dựng tinh thần chủ động trong sinh viên đối với việc vay tín dụng phục vụ học tập và ý thức hoàn trả sau khi có việc làm, tiếp tục đồng hành cùng chương trình để hỗ trợ cho các sinh viên lớp theo sau.
Theo chị Trần Thu Hà, đề án này không chỉ hướng đến việc cụ thể là hỗ trợ cho sinh viên vay vốn phục vụ học tập mà còn hướng đến việc đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của TP.HCM và cả nước.
Gần 50% sinh viên có nhu cầu vay vốn
Thời gian qua, Thành Đoàn TP.HCM đã khảo sát nhanh 18.988 sinh viên và có 8.735 sinh viên đồng ý sẵn sàng vay nếu có hình thức hỗ trợ vay tín chấp, chiếm 46%. Chị Trần Thu Hà cho rằng việc xây dựng một chính sách tín dụng riêng, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, được hỗ trợ để đảm bảo duy trì việc học như đề án hỗ trợ sinh viên tiếp cận các nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu học tập tại TP.HCM là rất cần thiết.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Thành Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM đang tiến hành các bước để thành lập thí điểm Quỹ xã hội theo nghị định số 93 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện để tiếp nhận các nguồn lực, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho sinh viên vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, làm việc với một số đơn vị để xây dựng các phương án thí điểm, các gói tín dụng, chương trình vay vốn cụ thể.
1.000 suất vay không lãi suất cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa
Đầu năm 2024, Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA) công bố sẽ cho sinh viên của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vay 1.000 suất/học kỳ lãi suất 0%, với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng.
Ông Trần Bá Dương, chủ tịch Ban đại diện BKA nhiệm kỳ 2024 - 2028, cho biết kế hoạch hoạt động của BKA trong nhiệm kỳ tới với nhiều chính sách hỗ trợ lớn cho sinh viên và nhà trường. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 1 (2021 - 2023) Ban đại diện BKA thành lập "Quỹ học bổng và hỗ trợ phát triển Bách khoa". Quỹ đã huy động tổng cộng 22,7 tỉ đồng, trong đó tại các khoa/trung tâm là 7,4 tỉ đồng.
"Đặc biệt, quỹ hỗ trợ sinh viên vay lãi suất 0% với quan điểm là xây dựng cho sinh viên tinh thần tự lập và không để việc học bị ảnh hưởng vì lý do học phí. Trong 5 học kỳ thí điểm vừa qua, quỹ đã hỗ trợ 344 sinh viên với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng. Trong nhiệm kỳ 2, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng đối tượng cho vay với mục tiêu là 1.000 suất vay/học kỳ, tổng số tiền trên 15 tỉ đồng", ông Dương cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận