30/09/2023 13:26 GMT+7

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Đất nước đang cần tiếng nói trung thực, quả cảm

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định các nhà văn lão thành đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.ĐIỂU

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.ĐIỂU

Sáng 30-9, tại Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam và TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại hội nghị. 

Cần tiếng nói trung thực, quả cảm của các nhà văn

Chủ tịch nước khẳng định các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành, đã không phụ sự ủy thác của nhân dân, của đất nước và của Đảng.

Họ đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian.

Đó là những trang viết góp phần khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có tình thương yêu con người vô hạn, với khát vọng hòa bình lớn lao và ý chí không gì có thể khuất phục, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nền độc lập của dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch nước nhắc nhớ, tri ân các nhà văn đã mất, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vĩ đại cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước như: Nam Cao, Thâm Tâm, Trần Đăng, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, Trần Quang Long, Dương Thị Xuân Quý…

Gần 50 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, các nhà văn tiếp tục góp phần quan trọng trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước, hòa hợp dân tộc, giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam với thế giới…

Hơn nữa, các nhà văn lão thành tiếp tục là chỗ dựa tinh thần bền vững và tin cậy, truyền cảm hứng, kinh nghiệm sống và sáng tác, khích lệ cá tính sáng tạo và ủng hộ cái mới cho các nhà văn trẻ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Trọng Nghĩa trao phần thưởng cho nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là hai trong ba tác giả được tôn vinh tại hội nghị này - Ảnh: T.ĐIỂU

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Trọng Nghĩa trao phần thưởng cho nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là hai trong ba tác giả được tôn vinh tại hội nghị này - Ảnh: T.ĐIỂU

Chủ tịch nước mong có một sự gắn kết đặc biệt hơn nữa giữa các nhà văn lão thành và các nhà văn trẻ, vì một sứ mệnh lớn lao chung là sáng tạo ra tác phẩm hay.

Về sứ mệnh của văn chương hôm nay đặt lên vai các nhà văn đương thời, Chủ tịch nước nói những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại… đang đặt ra trách nhiệm lớn lao với các nhà văn.

Ông khẳng định nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh với những "kẻ thù" trên.

Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị.

Vinh danh 3 nhà văn có đóng góp quan trọng

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị các nhà văn lão thành Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị các nhà văn lão thành Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

Tại hội nghị, Hội Nhà văn Việt Nam đã tôn vinh 3 nhà văn có đóng góp quan trọng cho nền văn học cách mạng và thúc đẩy sự phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam gồm: nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ Hữu Thỉnh.

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đánh giá ba tác giả này xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho tinh thần các nhà văn lão thành trong cống hiến, tận hiến vì sự nghiệp phát triển văn học.

"Bằng cuộc đời và tác phẩm của mình, các ông đã cho thấy bài học thấm thía rằng: Chỉ khi chọn thế đứng một cách có ích nhất ở giữa lòng dân tộc mình, để phụng sự dân tộc mình, người nghệ sĩ mới đủ vững chãi để chống lại được sự trôi chảy vô tăm tích của thời gian", nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định.

Trong khuôn khổ hội nghị, tối nay, 30-9, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức đêm thơ, nhạc Âm vang mùa thu.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa còn là dân tộc cònTổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa còn là dân tộc còn

TTO - Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24-11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: ‘Văn hóa còn là dân tộc còn’.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên