30/06/2015 07:36 GMT+7

Chủ tịch nước: "Phải nói sự thật những suy nghĩ của dân"

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và 3 (TP.HCM) ngày 29-6.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với cử tri sáng 29-6- Ảnh: Quang Định
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với cử tri sáng 29-6- Ảnh: Quang Định

Cử tri Nguyễn Hữu Vạn (P.Bến Thành, Q.1) cho rằng các cuộc tiếp xúc cử tri sẽ giúp đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn thực tiễn cuộc sống và thấy được những khúc mắc trong cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Vạn, muốn thật sự hiểu biết nguyện vọng của dân như thế nào, tâm tư của dân ra sao, thực tiễn đời sống của dân..., cử tri mong mỏi các đại biểu Quốc hội hãy đóng vai thường dân đến các quán cà phê, ra đường, ra chợ một cách vô tư để nghe ý kiến của dân.

Đã là sự thật thì phải nói ra

Trao đổi với cử tri quận 1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết ông thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, thăm hỏi nhiều người dân, trong đó có cộng đồng cư dân xung quanh nơi ông sinh sống.

Theo Chủ tịch nước, ông biết rõ những người tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri hầu hết là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố... nên ông đề nghị mỗi lần tham dự tiếp xúc cử tri nên nắm ý kiến của dân và mang đến các cuộc tiếp xúc với đại biểu.

“Tại sao những tâm tư đúng của dân mà cô bác, anh chị cử tri không mang ra đây nói với chúng tôi? Điều đó có trách nhiệm của cô bác, anh chị” - Chủ tịch nước nói và cho biết ông hiểu rõ ai đến dự các cuộc tiếp xúc cử tri và phát biểu đều chọn lọc những nội dung, cũng đã lựa lời, uốn lưỡi trước khi nói.

Tuy nhiên, ông nói đừng chọn lọc đến mức là sự thật mà không nói ra. Ông nói đã là sự thật thì phải nói ra, nếu những sự thật trong cuộc sống của người dân không được phản ảnh, không kịp thời giải quyết thì rất không ổn trong mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tâm tình thêm với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói trong chiến tranh giành độc lập dân tộc, nhiều người không sợ chết, bị tra tấn liên tục trong tù nhưng vẫn giữ được khí tiết. Còn bây giờ đụng tới chuyện nội bộ, chuyện của dân thì không dám nói, thật không hiểu nổi.

Nhiều câu hỏi được Chủ tịch nước nêu ra: Có lẽ sợ mất ghế? Sợ bị trù? Địch không sợ nhưng ta với ta lại sợ, vô lý. Hay chăng anh với anh đó có cùng lợi ích, nếu nói ra sự thật thì mình không được cho lợi ích?

Theo ông, nói cho cùng những cái sợ mất đó là không cao cả gì. Chủ tịch nước khuyến khích cử tri đừng e ngại, việc lựa lời, chọn lọc nội dung khi nêu ý kiến là cần thiết nhưng phải nói sự thật những suy nghĩ của dân.

Tự nguyện mà cưỡng bức thì đâu có được

Nhiều cử tri TP.HCM bày tỏ bức xúc về quy định mua bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình chỉ cần một trong số những người trong sổ hộ khẩu không mua thì những người còn lại cũng không được mua dù rất muốn mua.

Phản ảnh thêm, cử tri Phạm Thị Tiến (P.Cầu Kho, Q.1) cho biết có tình huống là trong những hộ gia đình khó khăn, các mạnh thường quân muốn hỗ trợ BHYT cho người già yếu, bệnh tật nhưng đành chịu vì không mua được thẻ BHYT do quy định nói trên.

Các mạnh thường quân không thể mua BHYT cho cả nhà, trong đó có những người còn trẻ, khỏe, có thể tự lao động sinh sống...

Theo đại biểu Trần Du Lịch - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bức xúc của cử tri về BHYT như vừa nêu đã được chuyển đến bộ trưởng Bộ Y tế.

Ông giải thích BHYT toàn dân với nguyên tắc là người khỏe mua bảo hiểm để nuôi người bệnh, nếu chỉ những người già yếu hay khi đã có bệnh tật mới mua BHYT thì lấy tiền đâu mà nuôi (nguồn quỹ).

Tuy nhiên, quy định bắt cả hộ gia đình phải mua mới bán thì cũng không hợp lý, tự nguyện mà cưỡng bức như thế thì đâu có được. Do vậy, cần bàn tính làm sao cho phù hợp nhưng đừng làm theo kiểu hành chính như hiện nay.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh BHYT là chuyện đại sự. Hiện nay không thể dùng ngân sách để bù đắp, đã chi thường xuyên đến 72% trong tổng thu ngân sách hằng năm, cực kỳ cao và quá sức chịu đựng rồi.

“Tôi xin nói thật, hiện phải vay một khoản tiền để bổ sung chi thường xuyên, cần báo động để cử tri góp sức và kể cả phê phán chúng tôi cũng đành phải chịu” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước nhìn nhận vấn đề BHYT đúng là còn nhùng nhằng, cả gia đình chỉ vài người muốn mua, còn lại bị bắt ép, rõ ràng là không hợp lý, nghe rất kỳ cục. Nhưng thực tế có vấn đề như đại biểu Trần Du Lịch giải thích, vậy làm sao đây?

Theo Chủ tịch nước, cần có thời gian nhất định để Chính phủ nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội sửa quy định này (phải mua bảo hiểm cả nhà thì mới bán) như thế nào cho hợp lý.

Ông khẳng định với cử tri sẽ đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tìm kiếm các hướng giải quyết, ít nhất là giải pháp trung gian để xử lý tình thế này; còn nếu để tiến không được, thoái cũng không được là không ổn.

Tại cuộc tiếp xúc chiều 29-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và trao đổi với nhiều ý kiến của cử tri quận 3, trong đó có những bức xúc của cử tri trước việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam với mức độ quyết liệt, dồn dập, đe dọa rất nghiêm trọng đến an nguy của dân tộc.

Đại biểu xin lỗi cử tri

Trước phàn nàn của một cử tri quận 1 (TP.HCM) về sự chậm trễ hồi âm đơn thư được gửi đến đại biểu Quốc hội, tiếp thu và thể hiện sự cầu thị, ông Trần Du Lịch đã xin lỗi cử tri và mong cử tri thông cảm.

Ông Lịch cho biết thêm ở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có hai đại biểu chuyên trách, số chuyên viên giúp việc rất hạn chế nhưng có năm nhận và giải quyết đến 2.400 vụ việc. “Lực bất tòng tâm” - ông Lịch nói.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên