28/05/2015 16:00 GMT+7

Đừng ép cử tri đi bầu hộ khi trưng cầu ý dân

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Đó là cảnh báo rất thực tế mà chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày trong báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân sáng 28-5.

Tại phiên họp ngày 28-5 của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, ông Phan Trung Lý đã trình bày các quan điểm khác nhau về tỷ lệ cử tri đi bầu và tỷ lệ tán thành vấn đề để có cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ, được công nhận.

Không thể đòi hỏi tỷ lệ quá cao

Có hai phương án đưa ra (để cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ và vấn đề trưng cầu được công nhận) là tỷ lệ đi bầu và tỷ lệ chọn vấn đề đạt “quá bán” hoặc “quá 2/3”.

Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã tán thành phương án “quá bán”. Giải thích việc chọn tỷ lệ “quá bán” thay vì “quá 2/3”, ông Lý cho rằng vấn đề trưng cầu ý dân dù được ghi trong hiến pháp từ 69 năm trước (Hiến pháp năm 1946) nhưng đây là việc còn rất mới mẻ với cử tri cả nước.

Quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá cao thì không khả thi, thậm chí nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay.

“Như thế sẽ làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân với tư cách là một hình thức để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình” -  Ông Phan Trung Lý nói.

Dân quyết, nhà nước phải nghe theo

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Trung Lý cho biết trong quá trình xây dựng dự luật, có ý kiến cho rằng để bảo đảm tính pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân, đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu do Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố.

Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng Hiến pháp đã giao thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân cho Ủy ban thường vụ Quốc hội nên khi Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu tức là đã bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của hoạt động này.

“Mặt khác, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định theo ý chí của họ nên cơ quan nhà nước phải tôn trọng và thực hiện. Do vậy, Quốc hội không cần thiết phải ra nghị quyết xác nhận kết quả” - Ông Lý khẳng định.

Về phạm vi vấn đề trưng cầu, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đánh giá nội dung đưa ra trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước.

Tuy nhiên khó có thể quy định cụ thể trong luật vấn đề nào sẽ đưa ra trưng cầu vì các vấn đề sẽ phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của đất nước theo từng thời điểm.

“Theo đó, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội tôn trọng dân quyết định” - Ông Phan Trung Lý cho biết.

Tham khảo Luật của 11 nước

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam - tổ chức được giao soạn thảo dự án luật trưng cầu ý dân cho biết quá trình soạn thảo đã tham khảo kết quả nghiên cứu luật Trưng cầu ý dân giai đoạn 2004-2006;

Biên dịch luật Trưng cầu ý dân của 11 quốc gia trên thế giới gồm: Canada, Nga, Estonia, Slovakia, Ireland, Latvia, Bangladesh, Myanmar, Philippine, Úc, Thái Lan, Montenegro, Acmenia; các tài liệu tham khảo về trưng cầu ý dân của Nhật Bản, Hàn quốc và Thái Lan.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên