Ngày 23-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động thủ đô năm 2024 tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói về “món nợ” với công nhân
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết thành phố có 58 dự án phát triển nhà xã hội, sở đã trình 4/5 khu nhà tập trung.
Dự kiến, số căn hộ khoảng 60.000.
Về thuận lợi, công nhân lao động được ưu đãi vay vốn qua ngân hàng chính sách xã hội theo Luật Nhà ở. Tuy nhiên, quá trình triển khai vướng mắc trong đấu thầu, thủ tục thuê mua nhà ở xã hội…
Theo ông Phong, thành phố đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng tiếp thu, tháo gỡ khó khăn. Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cũng đề xuất giảm thủ tục, bố trí nguồn vốn xây dựng…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định dù công nhân lao động đóng góp rất lớn tới GDP, GRDP của thủ đô, song việc triển khai nhà ở cho các đối tượng này còn chậm.
Ông thẳng thắn nhận lỗi một phần từ lãnh đạo thành phố, UBND thành phố, sở ngành, quận huyện có đất cần giải phóng mặt bằng, chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động và đề nghị các bên liên quan nhanh chóng, quyết liệt xử lý vấn đề nhà ở.
"Chúng ta đã chậm rồi, nhưng phải cố gắng. Tôi nghĩ là làm được. Đây là món nợ, cần phải xác định đây là món nợ với người lao động, người công nhân trên địa bàn thành phố", ông Thanh nói về vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, thủ đô có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động, song trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, song trường hợp không may, về già không có lương hưu sẽ tạo gánh nặng cho con cháu, rời khỏi lưới an sinh.
Ông đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông để người lao động hiểu rõ lợi ích, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Tăng cảnh báo lừa đảo trên Facebook, Zalo hoặc TikTok
Về tình trạng lừa đảo trên mạng và tín dụng đen, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết Công an thành phố Hà Nội cùng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn tín dụng đen trên các kênh truyền thông, báo chí hoặc kênh Zalo riêng kết nối khoảng 4,5 triệu lượt người đọc.
Ông Hùng cảnh báo người dân trang bị kiến thức để phòng ngừa lừa đảo qua mạng, tuyệt đối không cung cấp căn cước công dân cho người khác, cảnh giác trước những kẻ lừa đảo giả mạo cán bộ phụ trách cổng dịch vụ công của Bộ Công an để yêu cầu cung cấp căn cước công dân, mật khẩu để đăng ký dịch vụ...
“Chúng tôi đề nghị người dân, công nhân, lao động phối hợp với cơ quan chức năng, công an, sở ngành, nêu cao cảnh giác. Có nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào sự tò mò, tâm lý, lòng tham…”, ông nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định tín dụng đen và lừa đảo qua mạng là các vấn đề nóng trong xã hội.
Ông đề nghị những cơ quan liên quan tạo cơ chế thuận lợi để người dân vay tín dụng hợp pháp, tránh tìm đến các đối tượng xấu, đồng thời tăng cường tuyên truyền, cảnh báo vì người dân chủ yếu dùng Facebook, Zalo hoặc TikTok.
Người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội lập các trang mang tính chất cảnh báo, phòng ngừa, gần gũi với người dân để nâng cao nhận thức.
Kết luận hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh lưu ý trách nhiệm của các sở ban ngành, địa phương trong khởi công các dự án nhà ở, thiết chế văn hóa, nhà trẻ, trường học, cho công nhân, lao động song đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, đúng đối tượng.
Tổ chức công đoàn cần xác định cụ thể số lao động có nhu cầu thuê mua nhà để thống kê, đáp ứng nhu cầu, tránh lãng phí và tham mưu HĐND có quyết sách tốt hơn về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận