30/10/2017 09:18 GMT+7

Chủ động mua hàng giả là tiếp tay cho lừa dối?

TRỌNG THỨC
TRỌNG THỨC

TTO - Chẳng gì xấu hổ hơn khi để người nước ngoài bóc mẽ chuyện mình dùng hàng nhái. Vì vậy, chủ động mua hàng nhái, cũng là tiếp tay cho lừa dối.

Chủ động mua hàng giả là tiếp tay cho lừa dối? - Ảnh 1.

Tranh lấy đồ trong một buổi tiêu hủy hàng giả - Ảnh: Clip VTC

Trên đây là ý kiến của bạn đọc Trọng Thức xung quanh việc ông Hoàng Khải - chủ thương hiệu Khaisilk, thừa nhận 50% khăn lụa của thương hiệu này đang bán tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.

"Nhiều người Việt chúng ta cũng đang là những khách hàng dễ tính, đơn giản khi sẵn sàng sử dụng đồ nhái để nâng đẳng cấp. Nhưng đồ nhái thì sao có thể nâng đẳng cấp cho chúng ta được? Rõ ràng người tiêu dùng cũng đang tự lừa dối chính mình đấy thôi".

Trọng Thức

"Những ngày gần đây, đâu đâu cũng thấy người ta bàn chuyện khăn lụa Trung Quốc nhưng dán mác "made in Vietnam".

Nhiều người giận dữ với vị doanh nhân chủ thương hiệu khăn lụa Việt tiếng tăm kia vì mấy chục năm nay đã lừa dối họ, đẩy họ vào thế "bỏ tiền thật mua của giả"...

Đây đúng là câu chuyện đáng quan tâm. Nhưng thị trường còn có câu chuyện cũng đáng quan tâm không kém là có không ít hàng giả bán đầy rẫy lại được người tiêu dùng chủ động mua và vô tư sử dụng. 

Đó là những hàng hóa được gọi là hàng "fake" (hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng) với nhiều cấp độ "fake 1", "fake 2", thậm chí là "fake 3".

Vì sao nhiều người sử dụng hàng "fake" này biết mình đã mua hàng giả nhưng họ không hề phản ứng? Vì họ chủ động dùng hàng "fake" chứ không phải bị lừa dùng hàng "fake" như chuyện lụa giả lụa thật kia? Hay vì theo quan điểm "fake" theo nước ngoài yên tâm hơn hàng Trung Quốc? 

Dù là gì thì nhiều người Việt chúng ta cũng đang là những khách hàng dễ tính, đơn giản khi sẵn sàng sử dụng đồ nhái để nâng đẳng cấp. Nhưng đồ nhái thì sao có thể nâng đẳng cấp cho chúng ta được? Rõ ràng người tiêu dùng cũng đang tự lừa dối chính mình đấy thôi.

Và còn một điều tai hại khác: những người sử dụng hàng "fake" không biết mình đang tiếp tay cho việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, bởi có "cầu" mới có "cung". 

Nhớ năm ngoái, khi một cơ quan nhà nước tổ chức tiêu hủy đồ giả, đồ nhái đã có câu chuyện nhiều người lao vào để tranh cướp. Họ lấy những hàng giả ấy về sử dụng dù biết đó là hàng giả phải tiêu hủy, phải chăng vì họ thấy những hàng giả đó là hàng "fake" - vẫn được nhiều người sử dụng, nên mình lấy dùng cũng chẳng vấn đề gì?

Nhưng liệu những người đang lừa dối chính mình, đang "vào vai" những người xài đồ hiệu mong muốn thể hiện đẳng cấp có nghĩ rằng dùng những đồ ấy sẽ "qua mặt" được những người không am hiểu?

Một người bạn của tôi kể vì rất thích chiếc điện thoại thương hiệu nổi tiếng nhưng do không có tiền nên mua hàng "fake" về để sử dụng. 

Cho đến một lần gặp một đối tác nước ngoài, bạn tôi hồn nhiên để chiếc điện thoại "fake" ấy trên bàn. Khi ánh mắt của đối tác nhìn chăm chú vào chiếc điện thoại, không hiểu sao bạn tôi cảm thấy đỏ mặt xấu hổ. 

Bạn nói: "Chẳng gì xấu hổ hơn khi để người nước ngoài bóc mẽ chuyện mình dùng hàng nhái. "Fake" tức là không trung thực và có khi nào họ sẽ đánh giá tư cách của mình qua đồ mình đang sử dụng? Hợp đồng đó không ký được, tôi không biết có phải vì chiếc điện thoại nhái kia không nữa".

Nhiều người sử dụng đồ "fake" một cách rất bình thường mà không có cảm giác xấu hổ hay e ngại. Nhưng có nên không, khi sử dụng hàng nhái sẽ thành thói quen và trong tư duy, lối sống cũng dễ bị nhiễm những thứ mang tên "fake"?"

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Bạn có đồng ý: chủ động xài hàng nhái cũng là tiếp tai cho lừa dối? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

TRỌNG THỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên