19/02/2025 09:28 GMT+7

Quốc hội chốt cơ chế đặc thù điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủ tướng được quyết chủ đầu tư

Sáng 19-2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chốt cơ chế đặc thù điện hạt nhân Ninh Thuận, chủ đầu tư phải báo cáo kiểm toán - Ảnh 1.

Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh: Quochoi.vn

Nghị quyết được thông qua với 459 đại biểu tán thành (bằng 96,03%), đồng ý việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. 

Thực hiện song song thủ tục, Thủ tướng được quyết chủ đầu tư

Dự án được triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ sẽ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án, được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế; các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án; thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra.

Dự án phải được áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện, bảo đảm nội dung áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tiêu chuẩn này không thấp hơn quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn về an toàn và hướng dẫn về an ninh của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Nghị quyết được thông qua cũng cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép áp dụng các định mức, đơn giá trên cơ sở đàm phán đối tác. 

Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua, phê duyệt nội dung liên quan đến dự án đầu tư, phương án huy động vốn, thế chấp tài sản để vay vốn...

Đối với phương án tài chính và thu xếp vốn sẽ thực hiện đàm phán với đối tác theo cam kết của nhà tài trợ; được áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài nếu pháp luật chưa có quy định hoặc quy định khác. 

Chủ đầu tư được vay lại mà không chịu rủi ro tín dụng, không phải thực hiện thủ tục lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Ngoài ra là các nguồn vốn khác như nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, thu xếp vốn đối ứng từ vốn vay, trái phiếu, vay ngân hàng thương mại trong nước. 

Nhiều chính sách hỗ trợ Ninh Thuận

Với Ninh Thuận, Quốc hội đồng ý hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án. Tỉnh được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phân bổ thêm 40% số chi...

Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tỉnh Ninh Thuận được áp dụng chỉ định thầu tư vấn, thi công các gói thầu dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân. Một số cơ chế đặc thù được áp dụng trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. 

Ngoài ra tỉnh Ninh Thuận được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng dự án ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) 1,5 lần. Triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dân, tái định cư của dự án.

Quốc hội lưu ý điện hạt nhân là dự án quy mô lớn, lần đầu Việt Nam thực hiện nên Quốc hội yêu cầu cần có cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Theo đó, Thủ tướng phải thành lập tổ công tác gồm đại diện các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành liên quan để theo dõi, giám sát thường xuyên quá trình thực hiện các gói thầu.

Chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 có trách nhiệm gửi dự thảo hợp đồng chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán, làm cơ sở ký hợp đồng. 

Tổng thầu, nhà thầu ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước có thể sản xuất, cung cấp đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Với gói thầu quốc tế phải có yêu cầu tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ công tác quản lý, vận hành; từng bước làm chủ công nghệ.

Chốt cơ chế đặc thù điện hạt nhân Ninh Thuận, chủ đầu tư phải báo cáo kiểm toán - Ảnh 3.Cơ quan thẩm tra của Quốc hội: Cần thêm giải pháp để điện hạt nhân Ninh Thuận vận hành vào năm 2030

Sáng 14-2, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên