Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung chia sẻ như vậy khi nói về cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam cũng như sự chủ động của ngành trong sản xuất để bảo đảm sản lượng ở mức cao nhất có thể.
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gạo
Theo ông Trung, thời gian qua nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, UAE đã ban hành các chính sách nhằm điều chỉnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.
Nguyên nhân chủ yếu mang tính chất nội tại của nước đó là bảo đảm giá cả trong nước, hoặc bị giảm sản lượng do tác động bởi El Nino… Chính vì vậy, việc điều chỉnh chính sách của các nước là bình thường.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nhận định và theo dõi sát tình hình tổ chức sản xuất lúa gạo.
Đến nay, tổng diện tích sản xuất lúa gạo hằng năm là 7,1 triệu ha, với sản lượng sẽ đạt từ 43-43,5 triệu tấn. Kế hoạch đặt ra này hoàn toàn có thể đạt được.
Khi cân đối tổng thể với tiêu dùng trong nước, tiêu thụ trong nước khoảng 30 triệu tấn. Trong đó khoảng 15 triệu tấn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, hơn 9 triệu tấn phục vụ cho chế biến, 1 triệu tấn phục vụ làm giống, gần 3 triệu tấn phục vụ công tác dự trữ quốc gia. Như vậy vẫn còn 14 - 15 triệu tấn lúa, tức 7 - 7,5 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.
"Trước tình hình sản xuất và cân đối như vậy thì chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Với tình hình mới hiện nay, các doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế về giá đang lên, lại có sự chủ động, lợi thế trong ký kết hợp đồng để có giá lợi hơn. Khi doanh nghiệp có giá lợi hơn thì lợi nhuận người dân sẽ cao hơn. Có thông tin mấy ngày gần đây các đối tác khi đàm phán ký hợp đồng, giá gạo đều tăng thêm 30 - 40 USD/tấn.
Nhưng quan trọng là nếu Việt Nam 'chớp' được thời cơ này thì còn có thể mở rộng được thị phần xuất khẩu gạo trên thị trường truyền thống và mở thêm thị trường mới" - ông Trung nói.
Thu thêm 100 triệu USD nếu tăng thêm 50.000ha lúa
Theo ông Trung, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất tốt, nhằm đảm bảo cung ứng sản lượng bởi đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu, giúp doanh nghiệp có lợi trên bàn đàm phán.
Để làm tốt, bộ tham mưu trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
"Bộ cũng đã giao Cục Trồng trọt, Thủy lợi, Bảo vệ thực vật xem xét tình hình hạn mặn, xem có khả năng tăng diện tích vụ thu đông, tăng bao nhiêu là hợp lý. Nếu tăng thêm 50.000ha lúa thu đông thì Việt Nam có thể thu thêm 100 triệu USD, vừa góp phần cung ứng lương thực cho thế giới và mang lại thu nhập cho nông dân" - ông Trung nói.
Đối với vụ đông xuân, ông Trung cho biết bộ rất quan tâm, ngay sau vụ thu đông kết thúc đã chỉ đạo rõ về kỹ thuật, bám sát hạn mặn, khung thời vụ xuống giống từ tháng 10, thu hoạch càng sớm càng tốt, kết thúc khung thời vụ là 31-12, né mặn, hạn, còn có thêm gạo phục vụ xuất khẩu.
Bộ cũng yêu cầu các cơ quan chuyên ngành của bộ như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý, Chế biến và phát triển thị trường xử lý các rào cản kỹ thuật trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu càng sớm càng tốt để mở rộng các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường.
Gạo Việt xuất khẩu sát ngưỡng 600 USD/tấn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 3-8, trên thị trường gạo thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo từ ngày 20-7.
Cụ thể, ngày 3-8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 598 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với ngày 2-8. Hiện giá gạo cùng loại của Thái Lan đang ở mức 625 USD/tấn. Đối với gạo 25% tấm Việt Nam bán ra ở mức 578 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với một ngày trước đó và cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn.
Đối với gạo thơm Jasmine từ ngày 20-7 đến 2-8, giá tăng một mạch từ 623 USD lên 733 USD/tấn, ngày 3-8 giao dịch ở mức 723 USD/tấn.
Như vậy sau hai tuần kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đều tăng 65 USD/tấn, còn Thái Lan tăng lần lượt 81 USD/tấn và 63 USD/tấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận