27/08/2012 08:15 GMT+7

Chống thâu tóm ngân hàng

VÕ VĂN THÀNH ghi
VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc mua bán, sáp nhập, thâu tóm các định chế tài chính, ngân hàng lớn nhỏ khác nhau, có thể diễn ra bên trong một nước hoặc xuyên quốc gia.

Gần đây, chúng ta chứng kiến thương vụ liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), hay việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, hợp nhất ba ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa.

Nếu mua bán, sáp nhập ngân hàng đúng pháp luật thì không có vấn đề gì, thậm chí trong một số trường hợp cần khuyến khích. Nhưng nếu việc thâu tóm được một nhóm chủ ngân hàng liên minh với nhau tiến hành thì với quy mô chi phối thị trường có được nhờ các ngân hàng đã có cộng thêm ngân hàng mới, họ có thể tạo ra các hiện tượng để thao túng việc kinh doanh tiền tệ, lãi suất, tỉ giá. Chẳng hạn như yêu cầu các ngân hàng của mình găm ngoại tệ để tạo khan hiếm đẩy giá lên.

Nếu nhóm chủ ngân hàng liên minh này lại đứng đằng sau các tập đoàn kinh doanh khác thì rất dễ dẫn đến hiện tượng ưu tiên tín dụng và cho vay dưới chuẩn cho nhóm các tập đoàn đó. Khi điều đó xảy ra có thể dẫn đến nhiều loại rủi ro khác nhau cho nền kinh tế.

Để hạn chế sự thâu tóm được hiểu tương tự như đề phòng một cá nhân, tổ chức giữ quyền chi phối ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng hiện hành có quy định về giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần: một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ một số trường hợp đặc biệt; cổ đông và những người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng diễn ra khi có cá nhân, tổ chức nào đó “vượt rào” quy định về giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần.

Hiện nay tình trạng sở hữu chéo ngân hàng đang rất chằng chịt với các mối quan hệ như một ông chủ cùng lúc sở hữu cả ngân hàng và một số doanh nghiệp, các doanh nghiệp này lại góp vốn vào ngân hàng; một nhóm cổ đông sở hữu nhiều ngân hàng; các ngân hàng sở hữu lẫn nhau... Một hoặc một nhóm cá nhân, tổ chức có thể vừa trực tiếp vừa gián tiếp thông qua “sân sau” để nắm giữ vốn điều lệ ở ngân hàng nào đó, vì vậy việc “vượt rào” thường ẩn sau mối quan hệ sở hữu chéo nhiều tầng nấc.

Cần đẩy mạnh các hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng theo đúng quy định pháp luật cũng như chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Phần sở hữu chéo nên được nhượng lại cho các trung gian độc lập, ưu tiên kêu gọi đầu tư của các định chế tài chính, ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh các giải pháp cho vấn đề sở hữu chéo, nên hoàn thiện hơn nữa các quy định hiện nay liên quan đến mua bán, sáp nhập, thâu tóm ngân hàng, trong đó có quy định về giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần theo hướng hạn chế, loại trừ các hành vi sử dụng “sân sau” để nắm giữ số cổ phần quá giới hạn cho phép. Tất nhiên, rất khó để quy định pháp luật “quét” hết thực tiễn, vì vậy cần tăng cường hơn nữa kỷ luật thị trường, thông qua kỷ luật thị trường về công bố thông tin, tăng cường giám sát cổ đông lớn và tăng cường chế tài đi kèm.

VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên