28/07/2014 07:00 GMT+7

Chống nghe lén điện thoại di động ra sao?

P.K.D
P.K.D

Việc hàng nghìn người bị nghe lén điện thoại suốt một thời gian dài cùng sự tràn lan của thiết bị theo dõi khiến nhiều thuê bao lo lắng. Dưới đây là băn khoăn của đại bộ phận người dùng di động cùng tư vấn giải pháp khắc phục từ các chuyên gia công nghệ.

Đọc thông tin hơn 14.000 người bị một công ty ở Thanh Xuân, Hà Nội nghe lén điện thoại suốt thời gian dài mà không hay biết gì, tôi hoảng quá. Không biết mình có là nạn nhân trong đó không, xin hỏi làm thế nào để phát hiện di động của mình đang bị nghe lén, xâm nhập dữ liệu? (Thu Trang, Cầu Giấy, Hà Nội)

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng Athena: Bạn có thể nhận biết thiết bị của mình có chứa phần mềm nghe lén, theo dõi hay nhiễm mã độc qua một số dấu hiệu sau:

- Máy hao pin nhanh hơn mức bình thường (do phần mềm nghe lén hoạt động ngầm, tiêu tốn nhiều năng lượng).

- 3G hoặc wifi tự bật kết nối, cước dữ liệu tăng bất thường (do phần mềm cần Internet để gửi data về máy chủ).

- Tốc độ xử lý của thiết bị chậm (do phần mềm sử dụng khá nhiều tài nguyên RAM, CPU của điện thoại).

- Chất lượng âm thanh, cuộc gọi giảm (do đang bị can thiệp đường truyền để nghe lén, lấy dữ liệu).

- Ngoài ra, người dùng di động có thể rà soát các phần mềm đang chạy trên máy bằng cách vào Setting, chọn Running service. Nếu hiển thị ứng dụng lạ thì cần kiểm tra kỹ xem máy có nhiễm mã độc hay bị theo dõi không.

Tôi nghe nói phần mềm nghe lén Ptracker, PtrackerERP đã ngấm ngầm theo dõi hàng nghìn người thời gian qua là do “được” cài vào máy chứ không phải dạng virus. Xin hỏi tại sao không phải là virus lây lan xâm nhập mà những ứng dụng như vậy lại có thể lọt vào máy người dùng? Những ai có nguy cơ bị theo dõi, nghe lén? (Đức Anh, Gò Vấp, Hà Nội)

Chuyên viên kỹ thuật của VinaPhone: Đúng là các phần mềm gián điệp (APT) trong đó có nghe lén, theo dõi, hoạt động bí mật trên thiết bị di động do được cài vào máy, dưới dạng ứng dụng nào đó, chứ không phải virus xâm nhập. Đó cũng chính là lý do mà “tường lửa” của những giải pháp mạng không thể ngăn cản chúng.

Ai cũng có nguy cơ bị cài hoặc vô tình cài phải những phần mềm đó rồi trở thành nạn nhân bị nghe lén. Ví dụ như khi bạn vừa mua máy từ cửa hàng, nó đã có trong danh sách ứng dụng cài sẵn. Với những người có thói quen download, sử dụng ứng dụng miễn phí, không rõ nguồn gốc, mua lại máy đã qua sử dụng mà không format, thường cho mượn máy trong quá trình dùng thì nguy cơ bị nhiễm mã độc, bị cài phần mềm theo dõi càng cao.

SJWZOYj7.jpg

Phần mềm nghe lén hoạt động chủ yếu trên điện thoại di động. Vậy các hãng viễn thông có giải pháp gì để hỗ trợ thuê bao ngăn chặn việc bị nghe lén, theo dõi? (Phúc An, Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Ông Đoàn Xuân Hợp, người phát ngôn báo chí của VinaPhone: Hiện nay, hãng đã triển khai liên tiếp các đợt nhắn tin, cập nhật thông tin lên website để khuyến cáo khách hàng thận trọng khi cài đặt ứng dụng, tránh phần mềm không rõ nguồn gốc, nguy hiểm can thiệp vào máy. Đồng thời, trong quá trình sử dụng, nếu nhận được tin nhắn dạng lạ về khuyến mãi, trúng thưởng, yêu cầu gọi lại… thì thuê bao không nên làm theo hướng dẫn trong SMS ngay mà liên hệ với tổng đài hotline 9191 hoặc 0943 2222 88 (số hotline giải đáp các chương trình khuyến mại dịch vụ của VinaPhone) để xác thực lại, tránh mã độc xâm nhập máy hoặc bị lừa đảo. Đồng thời, trong thời gian tới, VinaPhone sẽ hợp tác với một số hãng bảo mật để cung cấp ứng dụng bảo vệ dành riêng cho thuê bao của hãng, bảo vệ khách hàng khỏi những phần mềm nghe lén, theo dõi nói riêng, có tính chất nguy hiểm nói chung.

Xin hỏi làm thế nào để ngăn chặn tình trạng thiết bị cá nhân bị nghe lén, theo dõi, xâm nhập dữ liệu? (Hồng Anh, Nguyễn Công Hoan, Hà Nội)

Chuyên viên kỹ thuật của VinaPhone: Thông tin từ các hãng giải pháp mạng hàng đầu như F5, Juniper, Bit Defender… đều là khó có giải pháp tổng thể ngăn chặn điều đó. Bởi nhiều lý do như: phần mềm nghe lén, theo dõi được người dùng vô tình cài hoặc bị cài vào máy dưới dạng ứng dụng chứ không phải virus nên “tường lửa” không chặn được; thói quen sử dụng ứng dụng miễn phí, không rõ nguồn gốc của nhiều người… Theo đó, chỉ bằng cách chủ động, cảnh giác, chủ thiết bị mới có thể tự bảo vệ mình.

Một giải pháp hữu hiệu là người dùng có thể sử dụng ứng dụng Fire Eyes, một công cụ giúp phát hiện hiệu quả các phần mềm gián điệp APT.

Ông Đoàn Xuân Hợp, người phát ngôn báo chí của VinaPhone: Để chặn việc vô tình bị mã độc, cài phần mềm nghe lén, ngay khi mua máy, thuê bao có thể gỡ triệt để các cài đặt, khôi phục điện thoại về trạng thái gốc khi xuất xưởng bằng tính năng “reset factory”. Trong quá trình dùng, thuê bao nên “bất ly thân” với thiết bị di động, không nên cho mượn máy, đồng thời theo dõi kỹ để phát hiện hiện tượng lạ để kịp thời ngăn chặn.

P.K.D
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên