24/03/2021 10:17 GMT+7

Chống lao như chống COVID-19

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Điều đáng báo động hiện nay là việc phát hiện bệnh nhân mắc lao đang có xu hướng giảm mạnh do những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Chống lao như chống COVID-19 - Ảnh 1.

Người bệnh lao nhận thuốc miễn phí tại một trạm y tế - Ảnh: XUÂN MAI

Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao 24-3 năm nay là "Việt Nam chiến thắng COVID - chấm dứt bệnh lao" với ý nghĩa từ cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng chống bệnh lao.

Đối với dịch COVID-19, số bệnh nhân cả nước tính từ đầu mùa dịch là 2.572 bệnh nhân (tính đến sáng 22-3), với 35 ca tử vong. 

Còn với bệnh lao, Bệnh viện Phổi trung ương cho biết riêng năm 2020, tổng số người bệnh lao nhạy cảm các thể phát hiện được 101.256 người, tổng số người bệnh lao nhạy cảm các thể tử vong lên đến 2.571 ca.

"Chính tôi cũng cảm thấy sợ bệnh này"

Theo chân nhân viên y tế thuộc tổ lao của Trung tâm Y tế Thủ Đức và trạm y tế phường Trường Thọ (TP Thủ Đức), chúng tôi có mặt tại nhà các bệnh nhân lao trên địa bàn đang điều trị theo chương trình chống lao quốc gia.

Gặp tôi, ông D.H.M. (54 tuổi, ngụ phường Trường Thọ) đang mắc lao phổi kháng thuốc, niềm nở chia sẻ nhưng ánh mắt còn ngần ngại. "Tôi đeo khẩu trang rồi đó nhưng vẫn sợ lây bệnh" - ông M. bộc bạch rồi chỉ lên gác lửng: "Vợ tôi ngủ trên đó, còn tôi ngủ ở tầng trệt".

Hiện ông M. bước sang tháng thứ 5 trong 9 tháng điều trị lao kháng thuốc tại trạm y tế phường Trường Thọ. Trong suốt 4 tháng qua, đều đặn mỗi sáng ông M. lại đến trạm y tế để tiêm và uống thuốc. Những ngày đầu ông hay nhức đầu, chóng mặt, sụt cân, sạm da... Đến nay ông được ngừng tiêm, chỉ còn uống thuốc, sức khỏe tiến triển tốt.

Ông M. nhớ lại khoảng 5 tháng trước, sau tai nạn lao động, ông đến bệnh viện thăm khám. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi của ông có các đám mờ. Bác sĩ chẩn đoán ông bị lao phổi kháng thuốc - thể nặng nhất, thời gian điều trị dài nhất (9 tháng).

Nhận kết quả, ông M. bình tĩnh nhưng không biết chính xác nguồn lây từ đâu, vào thời gian nào, chỉ là ông có thói quen hút thuốc lá và thường xuyên thức khuya. Ông được chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM điều trị 1 tháng. Ai muốn đến thăm, kể cả vợ, ông đều từ chối vì sợ lây bệnh cho mọi người.

Cũng từ lúc ông M. mắc bệnh, căn nhà rộng 10m2 của hai vợ chồng ông lúc nào cũng đóng cửa để "cách ly" hàng xóm. "Gặp mặt thì phải chào hỏi, nói chuyện mà mình lại bệnh thế, tốt nhất đóng cửa dù rất tù túng, căng thẳng" - ông M. thổ lộ.

Để không lây nhiễm cho người thân, ông M. chủ động ăn riêng, uống riêng, ngủ riêng, giao tiếp qua điện thoại, luôn đeo khẩu trang, đến ngủ cũng đeo. 

Theo ông M., nếu không có sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của nhân viên y tế địa phương, sự cảm thông của người thân, ông khó lòng tuân thủ điều trị trong thời gian dài. 

"Chính tôi cũng cảm thấy sợ bệnh này, mình không kiên trì uống thuốc, tiêm thuốc đều đặn thì không bớt, rồi lây cho mọi người sao được" - ông M. nói.

Sợ bị kỳ thị

Những ngày tháng 9-2020, bà L.T.C.V. (54 tuổi) bắt đầu ho nhiều, khạc đàm có mùi. Sau khi chụp X-quang phổi, nội soi dạ dày tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, bác sĩ thông báo bà bị lao phổi, nhập viện gấp.

Từ đó, bà V. thường xuyên mệt, toát nhiều mồ hôi, sốt, chân tay bủn rủn. Sợ bệnh không thể điều trị dứt điểm, sẽ bị nhiều người kỳ thị, bà V. từ 56kg giảm còn khoảng 46kg trong vòng 1 tháng. 

"Ở lớp tuổi của tôi nghe đến lao sợ lắm. Nó là căn bệnh nguy hiểm, không điều trị được, người sẽ chết dần chết mòn. Tôi sụt ký nhanh rồi tâm lý không vững nên ho nhiều hơn" - bà V. nói.

Cũng như ông M., bà V. về nhà tiếp tục điều trị tại trạm y tế địa phương trong thời gian 6 tháng nhưng chỉ uống thuốc, không cần tiêm (lao phổi nhẹ hơn lao kháng thuốc). 

Những ngày đầu bà V. ho nhiều hơn, kèm ra máu, người mệt mỏi, sợ tiếng ồn. Hai mẹ con bà V. cũng chuyển sang ăn cơm hộp, tránh ăn uống chung đụng.

Thế nhưng, khi bà V. bước sang tháng điều trị thứ 3 thì kết quả tầm soát đứa con gái 24 tuổi duy nhất của bà cũng bị lao phổi. Nỗi sợ tăng dần nhưng được sự động viên của nhân viên y tế địa phương, bà V. và con gái âm thầm kiên trì điều trị. Đến nay, hai mẹ con bà V. đã âm tính với vi khuẩn lao, riêng bà V. đã kết thúc phác đồ điều trị.

Bà V. tâm sự đến nay hai mẹ con vẫn giấu bệnh vì sợ mọi người xung quanh kỳ thị. "Tôi là người mạnh mẽ mà cũng sợ bệnh lao. Tâm lý người bệnh ai cũng vậy thôi. 

Giả sử nếu có ai bị mắc bệnh này mà không điều trị, không thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm, bản thân tôi cũng không dám tiếp xúc họ" - bà V. nói.

Chị Lê Bảo Ngọc (tổ lao Trung tâm Y tế Thủ Đức) cho biết năm 2020, địa bàn TP Thủ Đức có 754 ca bệnh lao được thu dung, điều trị theo chương trình chống lao quốc gia, trong đó số ca bỏ điều trị dưới 5%. 

Để tiếp cận và tư vấn người bệnh lao tuân thủ điều trị, nhân viên y tế các trạm y tế rất vất vả. Họ như người nhà, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc, tiêm thuốc, động viên, trò chuyện khéo léo để tìm hiểu những người tiếp xúc gần.

Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19

Các bác sĩ cho biết bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng không phải tất cả mọi người nhiễm vi khuẩn lao đều phát bệnh. 

Trong điều trị lao, bệnh nhân lao tuyệt đối không được bỏ thuốc ngắt quãng dù chỉ một ngày - đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại. Thuốc điều trị lao hoàn toàn được Nhà nước cấp miễn phí.

Những người mắc bệnh lao có nhiều khả năng lây lan vi khuẩn cho những người mà họ tiếp xúc mỗi ngày, ví dụ như các thành viên trong gia đình hoặc đồng nghiệp. Bất kỳ ai có tiếp xúc với người mắc bệnh lao, người đó nên đến bác sĩ để kiểm tra.

So với dịch bệnh COVID-19, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước dưới 5 micromet, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Điều đáng lo ngại nhất là việc phát hiện bệnh nhân mắc lao đang có xu hướng giảm mạnh.Theo số liệu từ Chương trình chống lao quốc gia, tỉ lệ phát hiện lao đã giảm tới 11%, còn tỉ lệ bỏ điều trị tiếp tục ở mức cao (15,3%) và luôn ở mức cao trong các năm gần đây.

Vì vậy việc phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Người bệnh hay giấu bệnh

Dù tuân thủ các biện pháp lây nhiễm, người mắc bệnh lao vẫn mặc cảm, sợ bị kỳ thị nên thường giấu bệnh. Họ âm thầm kiên trì điều trị trong thời gian dài, gặp nhiều tác dụng phụ khi uống, tiêm thuốc.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 170.000 ca mắc mới với hơn 12.000 người đã tử vong vì căn bệnh này.

​Vất vả phòng chống lao ​Vất vả phòng chống lao

TT - Theo TS.BS Nguyễn Huy Dũng - giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - năm 2014 vừa qua là năm đầy thử thách và khó khăn nhất trong công tác phòng chống bệnh lao tại TP.HCM do nguồn kinh phí bị cắt giảm 50%.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên