17/03/2004 06:01 GMT+7

Làm gì để phòng chống lao?

TienGiang
TienGiang

TT - Bệnh lao đang có chiều hướng gia tăng, - Tổng số bệnh nhân (BN) lao các thể được thu dung điều trị trong năm 2003 tại TP.HCM là 12.475 người, hơn 10% số BN được thu dung của cả nước. Làm sao để phòng chống căn bệnh này?

VYhoulhw.jpgPhóng to
BS Hoàng Thị Quý
TT - Bệnh lao đang có chiều hướng gia tăng, - Tổng số bệnh nhân (BN) lao các thể được thu dung điều trị trong năm 2003 tại TP.HCM là 12.475 người, hơn 10% số BN được thu dung của cả nước. Làm sao để phòng chống căn bệnh này?

BS Hoàng Thị Quý - giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - cho biết:

-Tỉ lệ BN lao kèm nhiễm HIV tăng từ 2% năm 1998 lên 14,3% năm 2003, tử vong trên 30%, tức cao gấp gần 15 lần BN lao không kèm HIV và chiếm 70% số tử vong chung tại bệnh viện. Số BN lao phát hiện hằng năm tăng trung bình 6-7%, hơn 90% thuộc lứa tuổi 25-54.

* Người dân nên đi khám phát hiện lao khi nào?

- Khi có các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, chán ăn, gầy ốm, sụt cân từ từ. Kế tiếp là ho, có thể ho khan hay có khạc đàm, dấu hiệu đáng chú ý nhất là khạc đàm có lẫn ít máu. Thường sốt âm ỉ về chiều tối làm cho người cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn buổi sáng, khả năng lao động giảm sút, mất tập trung.

Nếu có ho khạc kéo dài trên một tuần, phải đến các tổ lao quận huyện hoặc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thử đàm và chụp X-quang phổi để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

* Để phòng bệnh, khi ra đường, đến các nơi đông người bệnh tập trung có cần mang khẩu trang?

- Một người bệnh chỉ lây khi nào lao phổi có vi trùng lao trong đàm. Nếu không được chữa thì trong vòng một năm người đó sẽ lây cho 15-20 người. Thời gian ủ bệnh tùy từng cơ thể, người có sức đề kháng thấp thì vi trùng phát triển nhanh; còn người cơ thể có sức đề kháng tốt sẽ vượt qua, không mắc bệnh.

Không phải tất cả ai nhiễm lao cũng đều mắc bệnh lao, có những người có tổn thương lao trên phim X-quang nhưng không cần phải chữa trị vì cơ thể tự điều tiết để chống lại vi khuẩn lao.Vì vậy chúng ta cần giữ gìn sức khỏe.

Khi tiếp xúc với những người bệnh lao phổi có nguồn lây thì người bệnh phải đeo khẩu trang là chính. Khi ho khạc đàm không được khạc nhổ bừa bãi mà phải nhổ vào lon giấy có nắp đậy và xử lý đàm đúng qui định: đốt. Cần lưu ý là trong 1ml đàm có vài chục ngàn con vi khuẩn lao.

Dưới ánh nắng mặt trời vi khuẩn sẽ bị giết chết, nhưng trong môi trường ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vi khuẩn sẽ tồn tại rất lâu; khi gặp gió cuốn bốc lên, người hít vào có thể bị lây lao, người bị suy giảm miễn dịch có thể bị mắc bệnh rất nhanh trong vòng 3-6 tháng.

* Những thành viên trong gia đình có người mắc bệnh lao có cần chủng ngừa BCG hay uống thuốc dự phòng không?

- Tất cả trẻ sơ sinh đều phải chích ngừa BCG, nếu chưa chích phải đưa trẻ đi chích. Người lớn không cần chích ngừa BCG và cũng không cần uống thuốc dự phòng vì không có tác dụng, chỉ nên chụp kiểm tra phổi để phát hiện sớm.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

WHO cảnh báo lây lan dòng khuẩn lao kháng thuốc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang báo động toàn cầu về sự lây lan của các dòng khuẩn lao kháng thuốc. Nếu không hành động kịp thời, những dòng “siêu khuẩn” này sẽ làm tê liệt toàn bộ các liệu pháp trị bệnh hiện nay.

Theo một báo cáo mới đây từ Dự án giám sát toàn cầu về mức độ kháng thuốc của khuẩn lao của WHO, các quốc gia Đông Âu và vùng trung tâm châu Á là những điểm dịch lao lớn nhất trên thế giới. Khoảng 14% số ca bệnh mới ở những khu vực này có liên quan đến những dòng khuẩn lao kháng đa thuốc (MDR).

Nhóm khoa học tham gia dự án đã tiến hành điều tra 67.000 ca bệnh lao phổi mới ở 77 quốc gia trên thế giới. Kết quả cho thấy sáu trong số 10 điểm nóng hàng đầu về MDR hiện nay đều tập trung ở Liên bang Xô viết cũ. "Đây được xem là thủ phủ của MDR trên thế giới" - ông Paul Nunn, thành viên của nhóm, nhận định.

Các chuyên gia cũng rất lo lắng về sức lây lan tiềm tàng của các dòng khuẩn lao kháng thuốc tại Trung Quốc - nơi trú ngụ của gần 500.000 ca bệnh mới mỗi năm. “Nếu MDR lan khắp lãnh thổ Trung Quốc, thế giới sẽ phải đối mặt với một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng” - Nunn cảnh báo.

Bệnh lao phổi mỗi năm cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người trên thế giới. Hiện nay vẫn chưa có văcxin phòng bệnh triệt để.

Theo ước tính, liệu pháp điều trị cho một bệnh nhân nhiễm khuẩn lao không kháng thuốc kéo dài sáu tháng và tiêu tốn khoảng 10 USD. Trong khi đó, đối với những bệnh nhân nhiễm khuẩn lao MDR không có phản ứng với hai loại thuốc chống lao chính hiện nay là isoniazid và rifampicin, liệu trình có thể kéo dài ít nhất hai năm và chi phí dao động từ 500 - 6.000 USD.

Theo nhóm chuyên gia, nguy cơ kháng thuốc tăng lên là do người bệnh đã không nghiêm chỉnh tuân theo liệu trình dùng thuốc hoặc không được chăm sóc hợp lý. “Đối với bệnh nhân lao phổi, chỉ cho uống thuốc không chưa đủ, họ còn cần một hệ thống chăm sóc đúng qui cách” - Nunn cho biết.

(Theo Nature)

KIM SƠN
TienGiang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên