29/12/2015 09:05 GMT+7

Chống khủng bố kiểu Trung Quốc gây quan ngại

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)

TT - Từ ngày 1-1-2016, luật chống khủng bố đầu tiên của Trung Quốc sẽ đi vào thực thi. Tuy nhiên nhiều nước đã lên tiếng lo sợ những ảnh hưởng “quá đà” của đạo luật này.

 

Lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc ở Tân Cương - Ảnh: Reuters
Lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc ở Tân Cương - Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, đạo luật mới cho phép Bắc Kinh mở rộng các công cụ chống khủng bố của mình ở trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp công nghệ cao nội địa và nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ phải chia sẻ các mã nguồn và cài đặt “cổng sau” trong các sản phẩm công nghệ nhằm cấp quyền tiếp cận thông tin cho các cơ quan an ninh của Trung Quốc.

Luật cũng cho phép Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia các hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố ở nước ngoài. PLA làm nhiệm vụ gì sẽ do Ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc và các nước liên quan thông qua.

Bắc Kinh sẽ nhanh chóng cho thành lập nhóm chỉ huy chống khủng bố cấp quốc gia, còn chính quyền các địa phương cấp thành phố trở lên cũng sẽ cần thành lập các đơn vị chống khủng bố con.

Đừng ảnh hưởng chủ quyền nước khác

Tuy nhiên, đã xuất hiện những ý kiến trái chiều khi luật này được Quốc hội Trung Quốc thông qua hôm 27-12. Có những ý kiến tán thành nhưng cũng có những ý kiến quan ngại, nhất là về những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và một số vấn đề khác.

Giới chuyên gia cho rằng với đạo luật này, các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc từ nay có thể xác định một cách rõ ràng họ có thể thực thi quyền lực của họ ở đâu trong quá trình chống khủng bố, đặc biệt ở khu vực Tân Cương nơi có những người Hồi giáo được cho là chống lại chính quyền trung ương.

Ông Lý Vĩ - nhà phân tích tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc - nhận định có khung pháp lý rõ ràng thì việc phối hợp và tổ chức chống khủng bố ở Trung Quốc sẽ được cải thiện.

“Đặc biệt là trong bối cảnh những lo lắng về tình trạng bạo lực leo thang ở Tân Cương và thông tin ngày càng nhiều về việc một lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ sang Syria gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)” - ông Lý dẫn giải.

Tuy nhiên, tướng quân đội về hưu Duyệt Cương cho rằng khi luật chống khủng bố có hiệu lực, đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc có thể sẽ ra nước ngoài tham gia các chiến dịch chống khủng bố, nếu xuất hiện các mối đe dọa từ bên ngoài có thể gây ảnh hưởng đến Trung Quốc.

“Có điều chúng ta phải làm điều này như thế nào mà không để ảnh hưởng đến chủ quyền của các nước khác” - báo Tân Lãng dẫn lời cảnh báo từ ông Duyệt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư An Định Hồng từ Thượng Hải cho biết ông tán thành việc Chính phủ Trung Quốc thông qua luật chống khủng bố, nhằm trao quyền chính xác cho các đơn vị thực thi luật pháp hoạt động đúng quyền hạn của họ trong công cuộc chống khủng bố vì Trung Quốc đang trở thành mục tiêu tấn công lớn của các thành phần cực đoan cả trong lẫn ngoài nước.

“Đây là quyết định kịp thời của chính phủ. Tôi chỉ có ý kiến là khi thực thi luật này, các cơ quan chức năng cần hết sức thận trọng không gây nghi ngờ hay đố kỵ cho các nước khi triển khai quân sự ra nước ngoài” - luật sư An giải thích.

Lo rò rỉ bí mật

Đài CNN của Mỹ cho biết yêu cầu mở cửa “cổng sau” nêu trong luật đang gây quan ngại cho các quốc gia có doanh nghiệp công nghệ hoạt động ở Trung Quốc. Họ lo lắng sẽ rò rỉ bí mật công nghệ khi các cơ quan an ninh của Bắc Kinh được tự do tiếp cận.

Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ những quan ngại liên quan đến vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, một khi luật chống khủng bố được thông qua.

Nhưng giới chức Trung Quốc vẫn khẳng định luật chống khủng bố này là yêu cầu cần thiết, các nhà lập pháp Trung Quốc cũng đã thực hiện những thao tác cần thiết để bảo vệ lợi ích cũng như đảm bảo bí mật của các doanh nghiệp có liên quan.

Phó chủ nhiệm bộ phận luật hình sự của Ủy ban thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Thọ Vĩ bảo Trung Quốc đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết với các nước khác, trước khi đưa luật này vào thực thi.

“Điều luật phù hợp với nhu cầu cần thiết của cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Quốc và ở các nước lớn khác trên thế giới” - Nhật báo Trung Quốc dẫn lời ông Lý.

Ông Rohan Gunaratna - chuyên gia thuộc Trường đại học kỹ thuật Nanyang của Singapore - cũng nói Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố rất lớn. Ông nói Trung Quốc có thể tham gia các hoạt động quân sự chống IS, cải thiện khả năng chống khủng bố trong nước và thiết lập mối quan hệ tốt hơn với cộng đồng Hồi giáo ở Trung Quốc.

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên