02/04/2020 11:06 GMT+7

Chống dịch từ mô hình dự đoán

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Dựa vào đâu để các nước đưa ra dự đoán về số ca nhiễm virus corona chủng mới, tìm ra đỉnh dịch, và từ đó ra các quyết sách chống dịch phù hợp? Câu trả lời là các mô hình dự đoán khoa học.

Chống dịch từ mô hình dự đoán - Ảnh 1.

Tổng thống Trump đứng bên cạnh mô hình dự đoán số người chết và đỉnh dịch COVID-19 tại Mỹ - Ảnh: Reuters

Trong mùa dịch COVID-19, các chuyên gia phân tích - dự đoán được cả chính quyền và người dân quan tâm.

Mô hình dự báo kiểu Mỹ

Những người xem y tế là ưu tiên duy nhất hẳn cảm thấy hài lòng với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-3. Ông nói sẽ gia hạn khuyến nghị người dân trên toàn quốc hạn chế tiếp xúc xã hội thêm 30 ngày nữa, tức hết tháng 4. Đó là thay đổi trong cách tiếp cận của ông Trump.

Đầu tiên, ông Trump nói người dân Mỹ hạn chế tiếp xúc xã hội trong 15 ngày, và sẽ khẳng định "mở cửa nền kinh tế" vào ngày 12-4 dù giới chuyên môn lo ngại.

Và nay ông đã đổi ý, nhưng lần này không phải ông tùy hứng mà là kết quả của mô hình dự báo về COVID-19 được Chính phủ Mỹ lần đầu giới thiệu trong cuộc họp báo ngày 31-3.

Cố vấn, điều phối viên nhóm công tác chống virus corona của Nhà Trắng, TS Deborah Birx và giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci đã bàn về mô hình thống kê được dùng để dự báo dịch bệnh.

Trên lý thuyết, các nhà dịch tễ học đang dựa vào dữ liệu thu thập về dịch bệnh kết hợp với phân tích thống kê để tạo ra một mô hình dự đoán về các kết quả khác nhau, rồi tìm phương án tốt nhất để đối phó dịch.

Ngày 17-3, một mô hình khác do các nhà nghiên cứu tại ĐH Hoàng gia London (Anh) phát triển cho thấy nếu không có biện pháp nào được triển khai, COVID-19 có thể giết chết 2,2 triệu người Mỹ. Đó được xem là dự báo mang tính bước ngoặt dẫn tới thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề của chính quyền Tổng thống Trump.

Nhưng theo bà Birx, số liệu gần nhất của Nhà Trắng được tổng hợp từ mô hình của nhóm nghiên cứu Anh nêu trên với nửa tá mô hình khác từ các nhà dịch tễ học trên khắp thế giới. Và theo bà Birx ngày 31-3, COVID-19 có thể làm chết 100.000 tới 240.000 người Mỹ tính tới giữa tháng 6, bất chấp có siết chặt các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội ở Mỹ trong 30 ngày nữa.

Tính tới sáng 31-3, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) tại ĐH Washington ở Seattle dự báo khoảng 84.000 người Mỹ sẽ chết vì virus vào đầu tháng 8, và số liệu tử vong cao nhất sẽ xuất hiện ngày 15-4, tức đỉnh dịch.

Mô hình của IHME được gọi là "mô hình kế hoạch", tức giúp chính quyền địa phương và bệnh viện nắm để lên kế hoạch ứng phó, ví dụ tính toán số giường bệnh cần thiết cho mỗi tuần. Việc ông Trump chọn mốc 12-4 cũng rất có thể trùng với dự báo của IHME, vốn có mô hình gần với dự báo của chính phủ nhất và được bà Birx dẫn ra tại cuộc họp báo nêu trên.

Sai một li, đi một dặm

Ông Fauci nhận xét rằng mô hình dự báo máy tính thường thổi phồng con số sau cùng. Đây có thể là khác biệt khi Nhà Trắng dùng mô hình thống kê, tức sẽ xét tới rất nhiều yếu tố liên quan và cụ thể đối với từng khu vực.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump cho biết các luồng dữ liệu khác được phân tích bao gồm năng lực của bệnh viện địa phương, khả năng của các cơ sở y tế trong việc theo dõi tương tác của người bị xét nghiệm dương tính, loại hình doanh nghiệp của một cộng đồng và liệu họ có thể đảm bảo an toàn cho người lao động nếu mở cửa nền kinh tế trở lại hay không. Trong bất kỳ tình huống nào đi nữa, mô hình thống kê cũng lấy "dữ liệu đầu vào" làm trọng tâm.

Dữ liệu đầu vào trên thực tế cũng đóng vai trò quan trọng đối với mô hình máy tính. Nhưng khác biệt nằm ở chỗ mô hình máy tính quá... máy móc, từ đó có thể dự báo sai chỉ vì một trục trặc nhỏ. 

Lấy ví dụ khi tính số ca COVID-19, mô hình máy tính có thể tiếp nhận dữ liệu đầu vào là một số trường hợp lây nhiễm đầu tiên, sau đó tính hệ số lây nhiễm (R0). Cách tính toán này dựa nhiều vào độ chính xác thực sự của R0 (có sai số) và những giả định không chắc chắn, ví dụ lịch trình di chuyển và tương tác của một người nhiễm virus.

Ông Jacco Wallinga - nhà toán học và chuyên gia lập mô hình về dịch bệnh tại Viện Sức khỏe và môi trường quốc gia (RIVM), đang tư vấn cho Chính phủ Hà Lan về các biện pháp như đóng cửa trường học và doanh nghiệp - nhận xét: "Rõ ràng việc ứng phó với dịch bệnh dựa nhiều vào mô hình".

Dù vậy, một số ý kiến cũng cho rằng giới làm chính sách không nên "leo lên lưng hổ" khi quá lệ thuộc vào các mô hình dự báo COVID-19 hiện nay. Bằng chứng là, theo tạp chí khoa học Science, toàn bộ các thành phố và quốc gia ban hành lệnh phong tỏa hay "cách ly toàn quốc" đều chỉ dựa trên những dự báo được thực hiện vội vàng và không hề có đánh giá chéo.

Nhà dịch tễ học William Hanage của ĐH Harvard sợ rằng sẽ quá nguy hiểm khi chính trị gia tin vào mô hình ứng phó với một loại virus quá mới như vậy. "Điều này giống như bạn đã quyết định "leo lên lưng hổ" vậy... ngoại trừ bạn không biết con hổ ở đâu, nó lớn thế nào và có bao nhiêu con hổ thực sự ở đó" - ông nói.

Khoa học giúp ích

Sau một thời gian chần chừ, tới ngày 16-3, Chính phủ Anh đã tiến hành các biện pháp cứng rắn như bán phong tỏa toàn quốc. Việc thay đổi cách tiếp cận của Chính phủ Anh đến từ việc tham khảo mô hình dự báo của ĐH Hoàng gia London.

Theo đó, đại học này khẳng định thậm chí có "làm phẳng đường cong" thì đỉnh của đường cong đã được làm phẳng ấy cũng khiến nhu cầu giường bệnh cao gấp đôi so với dự báo ban đầu, tức quá sức chứa.

Ông Trump kêu gọi dân Mỹ chuẩn bị cho Ông Trump kêu gọi dân Mỹ chuẩn bị cho 'hai tuần rất đau đớn'

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn y tế hàng đầu của ông tiếp tục kêu gọi người Mỹ tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trước 'hai tuần đau đớn' có thể chứng kiến thêm nhiều ca tử vong vì corona ở Mỹ.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên