22/09/2021 12:05 GMT+7

Chống dịch: cần thêm 3 chữ T

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 virus lây lan mạnh, giãn cách xã hội kéo dài hơn. Và cuộc sống càng mệt mỏi hơn khi không ít người từ góc nhìn và lợi ích cá nhân mình mà đang làm tổn thương đời sống tinh thần người khác.

Chống dịch: cần thêm 3 chữ T - Ảnh 1.

Bí thư Đoàn Phạm Thanh Chương (thứ hai từ phải sang) cùng bộ đội và các tình nguyện viên trao thực phẩm cho người dân tại phường Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Với góc nhìn một người dân, tôi nghĩ ngoài chuyện tuân thủ 5K, có 5T (tiêm chủng tại phường xã, test COVID tất cả, tuân thủ 5K, thực phẩm đủ tại nhà và thầy thuốc tận gia), chúng ta cần thêm 3 chữ T nữa.

1 Thông hiểu

Thứ nhất, người dân cần thông cảm cho chính quyền và ngược lại chính quyền cũng cần thông cảm cho dân. Đợt dịch lần này do tình hình căng thẳng, biện pháp phong tỏa, giãn cách áp dụng quyết liệt hơn vì mục tiêu không gì cao hơn sức khỏe, tính mạng của người dân. 

Nhiều người dân hiểu rõ điều này, trong thâm tâm họ luôn ủng hộ cũng như chấp hành mặc dù khó khăn lẫn ức chế khi áp dụng là có thật. Điều cần nhất là sự mềm dẻo, linh hoạt của những người thực hiện quy định.

Thứ hai, cần có cả sự thông hiểu hơn trên mạng xã hội. Đợt dịch lần thứ 4 này tôi quan sát và thấy ở môi trường online này dường như người ta dễ bức xúc với nhau hơn. 

Theo dòng thời sự phòng chống dịch, vin vào lý do "bàn chuyện chống dịch", trên mạng có đủ kiểu nói xấu cá nhân, tập thể, phê phán nặng lời từ việc chống dịch cũng như không tiếc lời chê bai những người vất vả đi chợ giúp mình. Lắm khi do chính mình chưa thấy, chưa hiểu hết câu chuyện mà mình đang góp lời mạnh bạo trên mạng.

2 Tin tưởng

Chị gái tôi là lao động tự do kẹt lại ở quận 12 (TP.HCM), lúc đầu phường thông báo không thuộc diện nhận hỗ trợ. Nhiều người bức xúc gọi điện lên tổng đài, sau đó phường mới xuống phát hỗ trợ từng nhà. Ai thuộc diện được hỗ trợ từng đợt ở TP.HCM đều có quy định rõ. 

Nhưng thực tế cho thấy nhiều người nghèo không có thông tin chính thống và chính xác, từ đó phát sinh những tâm tư về một chính sách hỗ trợ rất quý mấy tháng qua.

Những thông tin liên quan phong tỏa, cung cấp hàng hóa, chính quyền cần thông báo cụ thể, rõ ràng với những giải pháp khả thi làm người dân tin tưởng. 

Các cơ quan truyền thông, các trang mạng xã hội cần cùng chính quyền thực hiện để thông tin chính xác, kịp thời đến được với người dân. Mục đích chung của việc làm này là giúp người dân có thêm niềm tin ủng hộ chính quyền.

Ở chiều ngược lại người dân cũng cần tin tưởng vào những kế hoạch chống dịch ở địa phương mình. Chính quyền từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực rất nhiều, đợt dịch kéo dài này đang bào mòn sức lực và nguồn lực. 

Điều chúng ta cần làm lúc này là chấp hành những hướng dẫn từ chính quyền, cùng "chịu khổ" để tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng, nguy hiểm lâu dài hơn. Sống trong mùa dịch, bớt nhu cầu cá nhân, bớt than vãn, bớt phê bình lẫn nhau. 

Thay vào đó hãy đặt niềm tin vào những quyết sách từ chính quyền, đặt niềm tin vào lẫn nhau như chúng ta từng làm để chiến thắng 3 đợt dịch trước đây.

3 Tha thứ

Hai tháng trước, ở quê tôi (Hà Tĩnh) hễ nghe tin có ai về từ Bình Dương, Sài Gòn là họ rất kỳ thị. Lý do trước đó có vợ chồng từ Bình Dương về làm dịch lây lan cho rất nhiều người. 

Trên một tờ báo sau đó có thuật lại lời tâm sự của người chồng là họ rất hối hận và mong mọi người tha thứ đừng gọi điện, nhắn tin, chế ảnh lên mạng xã hội để chửi bới.

Khi đọc bài báo này tôi thấy rất thương những F0 như họ. Họ đã vi phạm quy định phòng dịch nhưng họ xứng đáng được tha thứ, tôn trọng để trở về cuộc sống bình thường. 

Hay trong một câu chuyện gần đây ở Nghệ An cưỡng chế một F1 đi cách ly. Những bình luận bên dưới các clip trên mạng xã hội, đa số đều chửi bới cô gái bằng những từ ngữ rất đau lòng.

Dịch bệnh chắc chắn sẽ đi qua, cuộc sống bình thường dù sớm hay muộn cũng sẽ trở lại. Ngay ở thời điểm này, nguồn năng lượng mà cả xã hội đang cần chính là sự tin tưởng, thông hiểu và tha thứ lẫn nhau.

Phải chăng càng hoạn nạn chúng ta càng thu mình với góc nhìn cá nhân của mình và dễ dàng buông ra những lời nói làm đau người khác? Những lời nói đó không mất đi, được lưu mãi mãi trên mạng xã hội. Và một vài năm sau, khi trở lại cuộc sống bình thường chúng ta đọc lại sẽ nghĩ những gì?

Sao lại Sao lại 'bung xõa' với 5K?

TTO - Chưa chính thức 'mở cửa' nhưng đây đó đã xuất hiện nhiều chuyện phải giật mình. F0 vẫn tìm cách ào ra đường, bắt đầu sinh chuyện tụ tập uống bia, đánh bài... và các kiểu chủ quan, khinh suất trước nguy cơ dịch bệnh.

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên