07/11/2018 17:21 GMT+7

'Chó sủa, ngựa hí làm sao đáp ứng được quy chuẩn tiếng ồn?'

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) phản ứng trước một trong những quy định thiếu tính khả thi của dự thảo Luật chăn nuôi khi thảo luận tại Quốc hội chiều nay 7-11.

Chó sủa, ngựa hí làm sao đáp ứng được quy chuẩn tiếng ồn? - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) - Ảnh: Quochoi.vn

Đề nghị bỏ quy định vô lý

Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) băn khoăn, khoản 2 điều 60 dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải xử lý tiếng ồn phát ra từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn quốc gia. 

"Tôi không hiểu tiếng chó sủa, ngựa hí xử lý thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn", ông Diến nhấn mạnh.

Đại biểu Thanh Hóa khẳng định điều khoản này là không có tính khả thi, thậm chí nếu có quy định này thì tiếng chim hót líu lo, tiếng gà gáy buổi sáng ban mai có từ ngàn đời nay cũng bị xử lý. Ông đề nghị ban soạn thảo bỏ điều 60 trong dự thảo luật.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) nhận định: "Có những vật nuôi như chim trời không kiểm soát được tiếng ồn của chúng, chẳng hạn như việc nuôi chim yến, nên xem lại tính khả thi".

Đại biểu Tiền Giang cũng đề nghị bổ sung quy định về cấm nhập khẩu vật nuôi gây hại, lấy ví dụ việc nhập khẩu ốc bươu vàng gây hại cho cây trồng vật nuôi trong nước.

Cấm trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bắc Giang) thì nhấn mạnh đã đến lúc cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, chứ không chỉ quy định được phép sử dụng trong một số trường hợp.

"Hướng đến một nền nông nghiệp sạch thì phải cấm trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi, để phân biệt giữa thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, chứ không đợi đến khi châu Âu rút thẻ vàng cảnh cáo mới làm", đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) chia sẻ quan điểm: "Về thức ăn chăn nuôi, cần tăng cường công tác hậu kiểm. Ban soạn thảo cần bổ sung thêm quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, buôn bán thức ăn chăn nuôi". 

Đại biểu Bạc Liêu cũng cho rằng dự thảo luật chưa bao quát hết hoạt động chăn nuôi, thiếu chính sách cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi hộ gia đình chăn nuôi đang chiếm tỉ trọng lớn. 

"Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có chính sách cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bảo đảm sinh kế của họ, giảm tình trạng chăn nuôi tự phát, tiến tới hình thành thương hiệu chăn nuôi vùng", bà Trần Thị Hoa Ry nói.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật chăn nuôi, ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (Quốc hội) - cho biết tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo luật đã bổ sung 1 chương mới về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi. Sau khi chỉnh sửa, dự thảo luật mới gồm 8 chương 82 điều, tăng 17 điều so với dự thảo cũ.

Luật hóa quyền và việc đối xử nhân đạo với vật nuôi Luật hóa quyền và việc đối xử nhân đạo với vật nuôi

TTO - Dự thảo Luật Chăn nuôi thiết kế riêng các mục về quyền vật nuôi với các quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên