Buổi tổng kết đã có gần 100 tiểu thương, bạn đọc và doanh nghiệp trong nước tham dự.
Phóng to |
Nghệ sĩ Quyền Linh, đại sứ hàng Việt, trao giải cho bạn đọc trúng giải trong cuộc thi viết “Đời chợ và tôi” - Ảnh: Quang Định |
Không chỉ có những niềm vui, nhiều giọt nước mắt hạnh phúc cũng đã rơi xuống khi chia sẻ về tuổi ấu thơ gắn liền với ngôi chợ thân thương trong lễ trao giải.
Trong ký ức mỗi người
Vượt qua hơn 700 bài dự thi đến từ khắp nơi trong cả nước, tác giả Phan Hãn Hữu (TP.HCM) đã xuất sắc đoạt giải nhất với tác phẩm “Bà và cháu và chợ” trong cuộc thi viết “Đời chợ và tôi”. Đây là một phần trong chuỗi hoạt động “Tiếp sức hàng Việt” được tổ chức lần thứ 4, do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao và Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) thực hiện.
"Mỗi bài viết trong cuộc thi “Đời chợ và tôi” không chỉ mang theo những tâm tình, cảm xúc rất thật, không chỉ đem đến nhiều cảm xúc nơi người đọc mà còn được rất nhiều bạn đọc chú tâm theo dõi" Ông Đỗ Văn Dũng (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) |
Không có dáng vẻ sôi nổi như Hữu, ngồi lặng lẽ trong khán phòng suốt buổi trao giải, ít ai biết rằng người đoạt giải nhì cuộc thi, chị Nguyễn Đắc Khả Doanh (Bà Rịa - Vũng Tàu), lại có một tuổi thơ đầy những cơ cực, nhưng chất chứa biết bao ký ức ngọt ngào. Chị Doanh cho biết suốt tuổi thơ chị đã gắn liền với đôi quang gánh nhọc nhằn của mẹ, ngày ngày theo mẹ đi chợ. “Viết về mẹ lúc nào cũng khiến tôi yên bình, nhẹ lòng nhất”, chị Doanh chia sẻ.
Tâm sự của độc giả Nguyễn Thị Tiếp, phó ban quản lý chợ Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM), đã làm mọi người trong hội trường thổn thức: “Hơn 50 tuổi đầu, tôi chưa bao giờ viết, cũng như tham gia bất kỳ cuộc thi nào. Nhưng cảm xúc về mẹ dâng trào đã khiến tôi viết vội bài dự thi cho quý báo”. Ngày bài được chọn đăng, cầm tờ báo trên tay bà không sao ngăn được những giọt nước mắt tuôn trào. “Lặng lẽ về nhà, thắp lên bàn thờ cho mẹ một nén hương như tạ ơn tấm lòng trời biển của mẹ. Tôi đã photo bài báo đi khoe bạn bè, gửi về quê để người thân đọc. Dù không được giải, nhưng có lẽ giải lớn nhất cuộc đời tôi là được viết về mẹ, về chợ mà mình gắn bó” - bà chia sẻ trong nước mắt.
Phát biểu tại buổi trao giải, ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, thành viên ban giám khảo - cho biết đã rất “vất vả” khi làm công việc lựa chọn tác phẩm để trao giải bởi có quá nhiều tác phẩm xứng đáng đoạt giải. Trong đó, nhiều tác giả dự thi chỉ để bày tỏ cảm xúc, nhớ về những kỷ niệm với chợ mà ở đó là hình ảnh của bà, của mẹ. “Xét trên phương diện như vậy cuộc thi đã thành công rồi. Cuộc thi chuyên chở đầy ắp cảm xúc đến cho chúng ta. Mỗi người hẳn đã cùng chia sẻ, thu nhận những kỷ niệm dù vui hay buồn nhưng đều rất tràn đầy hạnh phúc!” - ông Dũng nói.
Tiếp cận hàng Việt dễ hơn
Có mặt tại buổi trao giải, nhiều doanh nghiệp trong nước đã khẳng định qua ba năm gắn bó với cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”, đặc biệt là chương trình “Tiếp sức hàng Việt”, doanh nghiệp của họ đã nhận được nhiều sự ưu ái của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc sản xuất Vinamilk, cho rằng khó có thể thuyết phục người Việt dùng hàng Việt nếu sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu về mặt chất lượng với giá bán phù hợp. Muốn vậy, doanh nghiệp phải tự nỗ lực đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm mới. “Đến nay Vinamilk đã phát triển được 180.000 điểm bán lẻ, bao gồm cả kênh truyền thống và chợ truyền thống trên khắp mọi miền đất nước. Thông qua chương trình này, độ phủ hàng hóa của Vinamilk cũng tăng lên, thương hiệu được mọi người nhận diện nhiều hơn và uy tín ngày càng được củng cố” - ông Khánh nói.
Còn bà Ngô Thị Hoàng Mai, phó giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành, cho biết dù là sản phẩm truyền thống, nhưng lâu nay nước mắm cũng không dễ gì lọt vào chợ so với kênh tiêu thụ hiện đại là siêu thị. “Chương trình đã giúp Liên Thành tiếp cận được với người tiêu dùng dễ dàng hơn thông qua các chương trình giới thiệu sản phẩm, đưa hàng về nông thôn và tất nhiên, sản lượng tiêu thụ cũng đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước”.
Với nhiều năm đi cùng chương trình “Tiếp sức hàng Việt”, ông Lưu Song Hùng, giám đốc kinh doanh Công ty nhựa Chí Thành, cho rằng cái được lớn nhất chính là việc chương trình đã đưa doanh nghiệp đến gần với người dân và tiểu thương hơn. Chính vì vậy, cho đến nay hệ thống phân phối của Chí Thành đã phát triển mạnh mẽ hơn trước, đồng thời nâng cao hơn nữa giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. “Trong bối cảnh hàng nhái, hàng giả tràn lan như hiện nay, chương trình này đã giúp chúng tôi cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng hiểu về việc sử dụng hàng Việt có chất lượng. Từ đó, sức lan tỏa của thương hiệu, độ phủ sóng sản phẩm dày hơn và được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm hơn” - ông Hùng tự tin nói.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, sức ép của việc cạnh tranh giữa các mặt hàng trong khối ASEAN+1 hiện nay là rất nóng. Do đó sắp tới, để đẩy sức cạnh tranh của hàng Việt trong chợ truyền thống và trên các kênh phân phối khác, bà Hạnh cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ tiểu thương, doanh nghiệp để đưa hàng Việt phủ rộng trên khắp mọi miền đất nước.
Điểm nhấn quan trọng của cuộc vận động Ông Trần Tấn Ngời, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, không chỉ đánh giá cao hiệu quả các chương trình do Tuổi Trẻ, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao và Vinamilk cùng thực hiện, mà còn thấy các chương trình “Tiếp sức hàng Việt” là điểm nhấn rất tốt trong cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” của cả nước, góp phần giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng rất cao, “bằng chứng là tỉ lệ sử dụng hàng Việt hiện đã trên 95% tại hệ thống các siêu thị”, ông Ngời cho biết. Nghệ sĩ Quyền Linh, chủ nhiệm CLB Đại sứ hàng Việt, cũng khẳng định qua chương trình “Tiếp sức hàng Việt” được tổ chức xuyên suốt từ năm 2010 đến nay “đã đánh thức ý thức trách nhiệm của người Việt sử dụng hàng Việt một cách sâu sắc”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận