25/12/2019 07:28 GMT+7

Chợ hàng rong bủa vây bệnh viện

CHÂU TUẤN - THU HIẾN - THẢO LÊ
CHÂU TUẤN - THU HIẾN - THẢO LÊ

TTO - Nước uống, thức ăn, quần áo cùng nhiều vật dụng cá nhân được bày bán ngay trên vỉa hè trước cổng các bệnh viện lớn ở TP.HCM. Từ đó biến nơi đây thành 'khu chợ' mua bán tấp nập bất chấp gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường...

Chợ hàng rong bủa vây bệnh viện - Ảnh 1.

Hàng quán bát nháo trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều năm nay biết bao người ta thán, cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp, tuyên truyền có, vận động có, thậm chí cưỡng chế nhưng đâu vẫn vào đó. Giải pháp nào để giải quyết việc này?

Không thể đi bộ trên vỉa hè

Trước cổng chính Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (đường Nơ Trang Long, P.7, Q.Bình Thạnh), các hàng quán quần áo, nước uống, thức ăn bày bán rất nhiều trên vỉa hè. Cạnh đó là những đống rác thải ngổn ngang, các bao bì chứa thức ăn dư thừa không được thu gom kịp thời, chảy nước, bốc mùi hôi.

Người đi bộ phải luồn lách trong giữa các hàng quán này, hoặc có lúc phải đi dưới lòng đường. Chưa kể nhiều xe hàng rong đậu dưới lòng đường gây cản trở giao thông.

Cùng với đó là rất nhiều thân nhân lẫn người bệnh đứng ngay tại cổng bệnh viện để mua bán khiến giao thông ở đây luôn náo loạn, nhất là vào giờ cao điểm.

"Mua ở các hàng quán phía trước bệnh viện rất tiện và đầy đủ nhiều mặt hàng, không phải đi xa" - bà N.T.Q., người thân đi chăm bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, chia sẻ.

Trần Thị Mĩ Linh (23 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết mỗi lần đi qua đoạn đường này rất khó khăn vì nhiều người buôn bán đứng tràn ra làn đường xe chạy, đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm các hàng quán tụ tập đông người khiến các phương tiện kẹt cứng.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại các bệnh viện khác.

Trưa 20-12, chúng tôi đứng trước cổng số 1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (P.12, Q.5), nhiều xe ôm, người bán nước, bánh mì... liên tục mời đi xe và mua hàng. Xung quanh đó là rác thải vứt tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, bao gồm bao tải đựng nước đá, ống hút, ly nhựa, bao bì nilông, hộp xốp... từ các hàng quán vây quanh cổng bệnh viện.

Vỉa hè dành cho người đi bộ gần như bị lấn chiếm hoàn toàn. Không riêng cổng số 1, các cổng số 2 và 3 tình trạng buôn bán cũng tấp nập, tạo nên khung cảnh nhếch nhác không kém. Ngay cả các khu vực có biển "lối đi dành cho người đi bộ" cũng bị một quán nước che khuất.

Còn tại cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cũng có nhiều hàng quán bán nước, trái cây, dụng cụ sinh hoạt..., thậm chí tại cổng số 1 hàng bán nước lấn sát tới cửa bảo vệ nhưng vẫn không ai nói gì.

Chúng tôi hỏi một bà cụ bán quán nước việc buôn bán tại đây có cấm hay không, bà cụ cười vô tư trả lời: "Có người đuổi thì chạy thôi, nhiều hôm bị lấy hết đồ bán nhưng vẫn tiếp tục bán. Tôi bán trước cổng bệnh viện từ lâu rồi, giờ mà không bán ở đây thì biết đi đâu".

Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường còn diễn biến phức tạp ở một số bệnh viện khác như Bệnh viện Từ Dũ (Q.1), Bệnh viện ĐH Y dược (đường Hồng Bàng), Bệnh viện Hùng Vương (đường Phạm Hữu Chí), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (đường Võ Văn Kiệt)...

Phải có giải pháp căn cơ

Hầu hết các địa phương cho biết dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng đến nay tình trạng lấn chiếm buôn bán tại các cổng bệnh viện vẫn đâu vào đó. Trước thực trạng lấn chiếm trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, công an, tổ quản lý trật tự đô thị của phường 12, Q.5 cho biết đã tăng cường kiểm tra phạt nặng nhiều trường hợp vi phạm.

Cụ thể, từ ngày 6-11 đến 5-12, phường đã lập biên bản tạm giữ các tang vật vi phạm gồm: 4 xe đẩy tay, 88 bàn ghế nhựa, 100 chai nước suối, nước ngọt các loại, 13 dù che, 20 chiếc chiếu nhỏ...

Ngoài ra, UBND P.12, Q.5 cũng cho biết đã xử phạt được 10 xe đón trả khách không đúng quy định, lấn chiếm lòng lề đường tại khu vực trên.

Riêng hai hộ lấn chiếm, sử dụng lòng đường tại cổng số 2 để bán nước giải khát gây khó khăn, cản trở xe cấp cứu ra vào bệnh viện (thuộc P.4, Q.11), UBND phường 12, Q.5 sẽ phối hợp phường 4, Q.11 tuyên truyền vận động trường hợp này không lấn chiếm nữa, chuyển đổi ngành nghề phù hợp hơn.

Ông Hồ Xuân Bắc - chủ tịch UBND P.1, Q.5 - cho biết trên địa bàn phường có 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

"Phường từng thực hiện nhiều phương án để dẹp tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn tái diễn, khó kiểm soát. Khi vắng lực lượng chức năng, họ lại tiến hành buôn bán" - ông Bắc nói.

Ông cũng cho biết đã triển khai thêm các giải pháp khác như gắn camera để kiểm soát xung quanh Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, đồng thời góp ý với bệnh viện về việc cải tạo bãi xe phía trong bệnh viện (nâng tầng, tăng diện tích lưu lượng), nâng cấp căngtin để bán thêm nhiều mặt hàng phục vụ đủ nhu cầu cho mọi người đến khám chữa bệnh.

Chúng tôi đặt vấn đề: có thể lập khu vực cho người bán hàng rong như mô hình ở Q.1? Đại diện UBND P.1, Q.5 cho rằng đã tính tới phương án lập khu buôn bán riêng cho những người bán hàng rong.

Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại thì phương án này chưa khả thi bởi đưa các trường hợp bán hàng rong vào một khu vực sẽ phát sinh nhiều người bán hàng rong mới ở cổng bệnh viện.

"Chúng tôi đang tính tới biện pháp vận động những người buôn bán trước các cổng bệnh viện, hỗ trợ họ trong việc học nghề, tìm kiếm nghề mới. Đây mới là biện pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện tại" - ông Bắc chia sẻ.

Mở căng tin đáp ứng mọi nhu cầu của người nhà, bệnh nhân

Ông Trần Phủ Mạnh Siêu - phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi - cho biết bệnh viện đã triển khai mô hình căngtin trong bệnh viện, nâng cấp hệ thống giữ xe. Từ đó thân nhân, người bệnh có thể dễ dàng mua các mặt hàng cần thiết trong căngtin.

Và cũng từ ấy, tình trạng mua bán, lấn chiếm lòng lề đường trước cổng bệnh viện giảm rõ rệt, mô hình này rất hiệu quả. Đến nay chỉ xuất hiện một vài trường hợp bán hàng rong nhưng không cố định.

Bệnh viện kiên quyết không cho bất cứ trường hợp nào buôn bán cố định trước cổng bệnh viện.

80612359_566873724146949_7857565938441256960_n 2(read-only)

Nhiều thân nhân, người bệnh lựa chọn căngtin Bệnh viện Nguyễn Trãi để ăn uống - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hệ thống căngtin của bệnh viện có quầy tạp hóa bán nhiều đồ dùng cho bệnh nhân có nhu cầu. Khu vực ăn uống rộng rãi và luôn đáp ứng nhu cầu của thân nhân người bệnh. Bãi giữ xe phía trong của bệnh viện đủ sức chứa. Do đó người bệnh, người nhà không cần phải đi ra khu vực bên ngoài gửi xe, dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Mức giá ở căngtin và bãi giữ xe của bệnh viện không cao hơn mức giá phía bên ngoài. Ví dụ, giữ xe đúng giá quy định chỉ 4.000 đồng/lượt. Nhờ sự phối hợp của UBND P.8, Q.5, bệnh viện đã triển khai mô hình này từ trước năm 2013.

Yêu cầu có các khu tiện ích phục vụ thân nhân, người bệnh

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện một số bệnh viện như: Thủ Đức, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Q.2... từng bước đưa việc kinh doanh, buôn bán tràn lan trước cổng bệnh viện vào khuôn khổ theo từng khu trong khuôn viên bệnh viện. Từ đó, tình trạng gây mất mỹ quan, an ninh trật tự từng bước được cải thiện đáng kể.

"Nhìn chung, tình trạng buôn bán tràn lan đang xảy ra trước nhiều bệnh viện. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thói quen của người bệnh. Và để chấm dứt được tình trạng này là điều rất khó" - ông Bỉnh khẳng định.

Theo ông Bỉnh, hiện nay đối với các bệnh viện xây mới đều được yêu cầu thiết kế các khu dịch vụ tiện ích đi kèm như siêu thị, nhà ăn, nhà để xe, nơi lấy nước... để phục vụ tối đa nhu cầu của người bệnh. Từ đó mới có thể hạn chế mức thấp nhất việc bán hàng rong trước cổng bệnh viện. (HOÀNG LỘC)

Hàng rong kiểu Hàng rong kiểu 'Cơm Chị Đẹp' thoát cảnh 'vừa bán vừa chạy'

TTO - Cách đây hơn 2 năm, khi TP.HCM có chủ trương siết lại quản lý trật tự lòng lề đường, một số quận đã thí điểm sắp xếp các hộ bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn vào khu vực mua bán tập trung để quản lý.

CHÂU TUẤN - THU HIẾN - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên