14/06/2020 16:54 GMT+7

Chợ đầu mối ở Bắc Kinh liên quan ra sao đến ổ dịch corona mới?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Sau gần 2 tháng không có ca nhiễm cộng đồng, Bắc Kinh bỗng phát hiện một ổ dịch COVID-19 lớn ngay giữa lòng thành phố. Chuyện gì đã xảy ra?

Chợ đầu mối ở Bắc Kinh liên quan ra sao đến ổ dịch corona mới? - Ảnh 1.

Khu chợ bán sỉ ở Bắc Kinh - nơi xuất hiện ổ dịch COVID-19 mới sau gần 2 tháng - Ảnh: CGTN

Theo Đài CGTN, nhà chức trách Trung Quốc sau khi truy dấu vết dịch tễ của vài chục ca nhiễm COVID-19 từ ngày 11 đến 13-6 đã lần đến khu chợ đầu mối Xinfadi (Tân Phát Địa) thuộc quận Fengtai (Phong Đài) ở phía tây nam thủ đô Bắc Kinh. 

Người ta phát hiện dấu vết virus corona trên tấm thớt của một cửa hàng bán cá hồi nhập khẩu. Tuy nhiên, manh mối chỉ dừng tại đó, chưa thể xác định đâu là nguồn lây trực tiếp, từ người bán, từ khách hay từ cá hồi?

Trước ngày xảy ra diễn biến mới này, Bắc Kinh đã không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào trong 56 ngày liên tục. 

Câu hỏi đặt ra tại sao ổ dịch này lại xuất hiện?

Ông Wu Zunyou (Ngô Tôn Hữu), nhà dịch tễ của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Trung Quốc, đưa ra một số giải thích như sau:

Nhiệt độ thấp và đám đông

Ông Wu chỉ ra rằng khu chợ có 2 yếu tố khiến dễ thành ổ virus - nhiệt độ thấp và đám đông tụ tập. Cả hai đều giúp virus dễ phán tán.

Nhiều sản phẩm như thịt, cá, rau củ... cần bảo quản lạnh và môi trường nhiệt độ thấp này giúp virus corona sống sót lâu trên bề mặt bên ngoài, tăng nguy cơ lây nhiễm.

Mỗi ngày có rất nhiều người ra vào chợ, chỉ cần một người nhiễm không có dấu hiệu cũng đủ để phát tán virus ra xung quanh.

Chợ đầu mối ở Bắc Kinh liên quan ra sao đến ổ dịch corona mới? - Ảnh 2.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho mở điểm xét nghiệm COVID-19 đại trà cho dân chúng tại một sân vận động ngày 14-6 - Ảnh: REUTERS

Hai khả năng

Dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc, có 2 khả năng về nguồn gốc của ổ dịch.

Thứ nhất, hải sản và các sản phẩm thịt nhập khẩu từ nước ngoài đã mang virus vào Trung Quốc. Hiện tại COVID-19 đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, nên có khả năng sản phẩm của các quốc gia này đã bị nhiễm virus trước khi nhập vào Trung Quốc rồi được mang ra bày bán ở khu chợ Bắc Kinh.

Thứ hai, một ai đó từng đến khu chợ đã nhiễm virus và phát tán ra xung quanh mà không ai hay biết. Xinfadi là chợ đầu mối lớn, cung cấp hơn 80% rau củ và các sản phẩm khác cho thành phố. Người từ khắp các khu vực của Trung Quốc đều đổ về đây lấy hàng.

Cần nghiên cứu thêm

Ông Wu cho rằng cả 2 khả năng đều có thể, nhưng khả năng thứ nhất cao hơn dựa trên tình hình hiện tại của Bắc Kinh. Tuy vậy, cần phải nghiên cứu thêm trước khi rút ra kết luận.

Kế hoạch A là điều tra dịch tễ tất cả ca nhiễm mới và những người tiếp xúc gần để phát hiện đường lây nhiễm.

Kế hoạch B là dùng công nghệ "dữ liệu lớn" phân tích mọi lịch sử đi lại của người nhiễm để có thêm manh mối.

Kế hoạch C là nghiên cứu gen của virus, từ đó xác định liệu đây có phải chủng virus giống ở Vũ Hán và Bắc Kinh cách đây 2 tháng không, hay nó giống với chủng đang lây lan ở Mỹ và châu Âu.

Kết hợp cả ba, các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về ổ dịch mới ở Bắc Kinh. Các dữ liệu hiện đang trong giai đoạn thu thập, ông Wu lưu ý.

Thanh niên ở TP.HCM mắc COVID-19 sau 5 tháng kẹt ở Trung Quốc Thanh niên ở TP.HCM mắc COVID-19 sau 5 tháng kẹt ở Trung Quốc

TTO - Bộ Y tế vừa công bố thêm một ca mắc COVID-19 ở Việt Nam, bệnh nhân số 334, vừa trở về Việt Nam sau 5 tháng mắc kẹt tại Trung Quốc.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên