Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun - Ảnh: REUTERS
Hôm 27-2, đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV thông báo việc chính quyền quân sự sa thải đại sứ Kyaw Moe Tun.
Động thái này phản ánh việc căng thẳng chính biến Myanmar đã lan rộng và có thể sẽ chứng kiến sự can thiệp ở tầm Liên Hiệp Quốc.
Hiện quân đội Myanmar đang lãnh đạo đất nước sau cuộc chính biến hồi đầu tháng 2, trong đó các lãnh đạo dân sự như cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều nhân vật khác của Myanmar bị bắt.
Trao đổi với Hãng tin Reuters hôm 27-2, ông Kyaw Moe Tun khẳng định: "Tôi quyết định chiến đấu cho tới khi còn có thể".
Vấn đề là hiện nay nhiều nước chưa công nhận chính quyền do quân đội Myanmar đứng đầu. Thay vào đó, các nước này cho rằng nhóm lãnh đạo dân sự, nổi bật là bà Aung San Suu Kyi, mới là những nhân vật đứng đầu hợp pháp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Điều này làm dấy lên câu hỏi rằng liệu quân đội Myanmar có quyền sa thải một đại sứ tại Liên Hiệp Quốc hay không, khi Liên Hiệp Quốc chưa chính thức công nhận chính quyền quân sự?
Reuters dẫn nguồn quan chức giấu tên tại Liên Hiệp Quốc cho biết cơ quan này chưa nhận được thông báo thay đổi nhân sự nào từ Myanmar, vì vậy ông Kyaw Moe Tun tiếp tục là đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc (ở New York) tính tới thời điểm này.
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric vừa qua cũng xác nhận không nhận được thông tin về việc thay đổi đại diện của Myanmar tại Liên Hiệp Quốc ở New York.
Trong khi đó, Christine Schraner Burgener, đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres về tình hình Myanmar, hôm 26-2 cảnh báo 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng đừng quốc gia nào nên công nhận hay hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar.
Phóng viên của Đài Al Jazeera tại Liên Hiệp Quốc, James Bays, cho biết việc quân đội sa thải đại sứ Myanmar có thể là khởi đầu cho một tiến trình dài tại Liên Hiệp Quốc.
Theo Bays, đặt giả định rằng ông đại sứ muốn ở lại Mỹ và các bên liên quan cho là ông không muốn quay lại Myanmar do lo ngại về khả năng "bị trả đũa".
"Nếu ông ấy ở lại và vẫn là đại diện hợp pháp của một chính quyền thực sự ở Myanmar (chính quyền dân sự - PV), nơi các lãnh đạo đang bị giam giữ, thì mọi thứ sẽ bị đưa vào một tiến trình phức tạp tại Ủy ban chứng nhận của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, với 9 thành viên", phóng viên của Al Jazeera phân tích.
Ủy ban chứng nhận (credentials committee) là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra tư cách của những đại sứ được quốc gia ủy nhiệm đại diện tại Liên Hiệp Quốc. Ủy ban chứng nhận được bổ nhiệm vào thời điểm khởi đầu mỗi phiên họp thường kỳ của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, bao gồm 9 thành viên.
Hiện nay trong số 9 thành viên này có Nga, Mỹ và Trung Quốc. Theo Al Jazeera, ba nước này cùng các thành viên còn lại của Ủy ban chứng nhận sẽ quyết định phương án xử lý trong trường hợp của đại sứ Myanmar.
Trước đây Liên Hiệp Quốc từng xử lý vụ việc tương tự vào tháng 9-2011. Khi đó Đại hội đồng phê chuẩn một yêu cầu của Libya về việc bổ nhiệm đặc sứ cho chính quyền lâm thời của họ.
Quyết định phê chuẩn của Đại hội đồng chỉ được đưa ra sau khi Mỹ, Nga, Trung Quốc, và các nước châu Âu đều đã công nhận chính quyền mới của Libya.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận