07/06/2013 10:37 GMT+7

Chính quyền Mỹ "ăn cắp" thông tin cá nhân, dân phản ứng dữ dội

HẢI MINH - NGUYỆT PHƯƠNG
HẢI MINH - NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Báo Anh Guardian ngày 6-6 đã phanh phui vụ các cơ quan tình báo, bảo vệ luật pháp Mỹ thu thập thông tin điện thoại, Internet của hàng triệu người dùng Internet, di động từ các hãng truyền thông khổng lồ như Verizon, Microsoft, Facebook, Google.

Vụ việc làm dấy lên tranh cãi dữ dội về việc chính quyền nhân danh an ninh quốc gia và chống khủng bố xâm hại quyền riêng tư của người dân ở Mỹ, quốc gia vẫn tự nhận là tự do nhất hành tinh.

Washington Post cho biết một sĩ quan tình báo Mỹ đã quyết định để lộ thông tin cho báo chí vì cho rằng chương trình PRISM đã vi phạm trắng trợn quyền riêng tư của công dân.

G76YSgkp.jpgPhóng to

Tổng thống Mỹ Barack Obama hằng ngày đều đọc các báo cáo tình báo lấy dữ liệu từ chương trình PRISM - Ảnh: Reuters

Theo Guardian, PRISM là nguồn cung cấp dữ liệu cho hơn 2.000 báo cáo tình báo Mỹ mỗi tháng. Trong sáu năm qua, đã có 77.000 báo cáo tình báo sử dụng dữ liệu từ PRISM.

Theo báo Washington Post, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Điều tra liên bang (FBI) đã trực tiếp truy cập vào hệ thống máy chủ của các tập đoàn truyền thông và Internet lớn như Verizon, Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Apple, PalTalk, AOL, Skype và YouTube... Qua đó NSA và FBI dễ dàng theo dõi hoạt động mạng của mọi đối tượng tình nghi.

“Họ (chính quyền Mỹ) có thể quan sát việc các ý tưởng của bạn hình thành khi bạn gõ bàn phím máy tính” - Washington Post dẫn lời sĩ quan trên mô tả.

Trước đó, dư luận và truyền thông Mỹ đã phản ứng dữ dội với vụ Chính phủ Mỹ nghe lén điện thoại. Do đó nhiều khả năng xìcăngđan mới này sẽ càng dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ. Báo Anh Guardian cho biết một chiến dịch có tên gọi PRISM được tiến hành bởi NSA (được thành lập vào năm 2007) luôn có mặt trong tập tài liệu tình báo Tổng thống Barack Obama đọc hằng ngày, cho phép tình báo Mỹ lấy trộm các thông tin như lịch sử tìm kiếm, thư điện tử, tập tin chuyển đi, nội dung trò chuyện trên mạng…

“Không thể tin nổi lại có việc này xảy ra… Chúng ta nói chúng ta bảo vệ người Mỹ, nhưng có vẻ như chúng ta đang do thám họ”, bà Mikulski nói với Hãng tin CNN. “Những tin tức này là rất đáng quan ngại và nêu lên những câu hỏi về việc bảo đảm các quyền hiến định của chúng ta”, hạ nghị sĩ Dân chủ James Sensenbrenner viết trong một lá thư gửi cho ông Holder. Ông Sensenbrenner chính là một tác giả của Đạo luật yêu nước, đạo luật làm nền tảng cho lệnh thu thập thông tin của FISA.

Nhà Trắng đang cố gắng tìm cách giải thích khi người phát ngôn Josh Earnest nói Tổng thống Barack Obama đã “có những cơ chế giám sát nghiêm ngặt” với quá trình thu thập thông tin và nhấn mạnh tầm quan trọng của “những công cụ cần thiết để đối phó với đe dọa khủng bố và bảo vệ đất nước chúng ta”. “Đó là ưu tiên hàng đầu của ông ấy (Obama) - Earnest nói - Nhưng… chúng tôi cần cân bằng giữa ưu tiên đó với yêu cầu bảo vệ tự do dân sự và các quyền hiến định của nhân dân Mỹ. Một chủ đề đáng để tranh luận”.

Các tập đoàn đều phủ nhận

Từ năm 2006, đã xuất hiện thông tin nói Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) bí mật thu thập dữ liệu điện thoại nhằm đối phó với khủng bố, nhưng Verizon khi đó phủ nhận họ có cung cấp các thông tin này cho nhà chức trách. Trong vụ việc mới nhất, cả FBI, NSA và Verizon đều từ chối bình luận với báo chí.

Tuần tới, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller sẽ phải trả lời trước Ủy ban tư pháp hạ viện về vấn đề này.

Chủ tịch ủy ban này, nghị sĩ Dân chủ Bob Goodlatte của bang Virginia, đã ra một tuyên bố ngày 6-6 nói ông “cực kỳ quan ngại về việc Bộ tư pháp có thể đã bóp méo pháp luật, và chúng tôi sẽ điều tra”.

Một phiên điều trần kín khác cũng sẽ được tổ chức khi Bộ trưởng tư pháp Eric Holder phải trả lời Ủy ban chuẩn y ngân sách của thượng viện. Chủ tịch ủy ban này, nghị sĩ Barbara Mikulski, đang vận động một phiên điều trần với sự tham gia của toàn bộ thượng viện.

Báo Guardian đăng tải một trát tòa dài bốn trang có dấu tuyệt mật yêu cầu thông tin về số điện thoại, địa điểm, thời gian gọi và độ dài các cuộc gọi từ Công ty Verizon, nhưng không bao gồm nội dung các cuộc hội thoại. Trát tòa cho phép FBI và NSA thu thập dữ liệu trong giai đoạn từ 25-4 tới 19-7. Guardian nói “hàng triệu khách hàng Mỹ của Verizon” đã bị ảnh hưởng bởi lệnh thu thập thông tin này “bất chấp việc họ có bị nghi ngờ làm gì đó sai trái hay không”.

Phó chủ tịch Verizon Randy Milch nói công ty của ông không cung cấp “tên, địa chỉ, thông tin tài chính của người đăng ký hay khách hàng”. Một quan chức của chính quyền Obama khẳng định trát tòa “chỉ bao gồm các lý lịch dữ liệu, như số điện thoại và độ dài của cuộc gọi”.

Một số công ty như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Apple, PalTalk, AOL, Skype và YouTube… cũng đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. Theo AFP, Google khẳng định “không mở cửa hậu cho chính phủ”.

Apple cũng phản ứng dữ dội. “Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy chương trình PRISM và không cho phép chính phủ tiếp cận hệ thống máy chủ của mình", người phát ngôn Apple Steve Dowling tuyên bố.

Vụ việc càng gây khó cho Nhà Trắng trong bối cảnh nhánh hành pháp Mỹ bị chỉ trích dữ dội vì Bộ tư pháp tháng trước bị phát hiện đã thu giữ hai tháng dữ liệu điện thoại của các phóng viên và biên tập viên Hãng tin AP.

Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) gọi động thái mới là “vượt ra cả những gì (George) Orwell (nhà văn, tác giả Trại gia súc và 1984) nghĩ ra, là sự xâm hại những quyền dân chủ cơ bản một cách bí mật theo đòi hỏi của những cơ quan tình báo không phải chịu trách nhiệm giải trình”.

HẢI MINH - NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên