Kiến nghị thăm dò ý dân về chính quyền đô thịDân được gì khi xây dựng chính quyền đô thị?Đề nghị tổ chức phản biện đề án chính quyền đô thị TP.HCM
Phóng to |
Ông Nguyễn Kỳ Cẩm - Ảnh: H.T.Vân |
Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng đây là việc rất hệ trọng của TP về lâu dài nên đề án phải được phản biện, lắng nghe góp ý một cách nghiêm túc và có trách nhiệm.
Cơ chế đánh đồng hạn chế khả năng phát triển
"Tôi rất tán thành với đề án ở chỗ mô hình mới nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân, cụ thể là người đứng đầu. Bởi vì người dân sợ nhất câu “các ngành phối hợp với nhau”. Nghe qua thì thấy ai cũng có trách nhiệm nhưng rồi không ai chịu trách nhiệm" Ông Nguyễn Kỳ Cẩm (nguyên bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên tổng Thanh tra Nhà nước) |
Ông Phạm Chánh Trực - nguyên chủ tịch HĐND TP - đặt vấn đề thực tế hiện nay trung ương xem quản lý TP.HCM không khác quản lý một tỉnh, trong khi TP nộp khoảng 30% tổng ngân sách quốc gia. Điều đó rất bất hợp lý và gây ra nhiều khó khăn trong điều hành thực tế của TP.
Vẫn theo ông Trực, do TP cũng là một đơn vị trực thuộc trung ương như nhiều tỉnh thành khác nên quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích nhân dân của TP cũng bị hạn chế theo tính chất bình quân cả nước như về tổ chức biên chế, về tài chính ngân sách, về vốn đầu tư trung ương trên địa bàn... Ông Trực nhất trí chính quyền đô thị là chính quyền hai cấp thay vì ba cấp như hiện nay.
Theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP, đề án cần phân tích rõ những bất cập của các cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy hiện nay. Và nếu được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thì TP sẽ phát triển tốt hơn, mạnh hơn như thế nào... “Nếu nhấn mạnh mặt tích cực của mô hình hiện nay nhiều quá thì thay đổi để làm gì? Làm sao để bộ máy không chồng chéo chức năng nhiệm vụ, nơi này làm thì nơi khác khỏi làm” - bà Thảo nói, đồng thời đề nghị nên có hai cấp chính quyền hoàn chỉnh (tức có HĐND và UBND).
Nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng đồng tình với câu hỏi: dân được gì (khi hình thành chính quyền đô thị) và khẳng định đây là chủ thể quan trọng trong quá trình thực hiện đề án. So với cái cũ, mô hình mới sẽ mang lại những mặt được nào cho người dân về công ăn việc làm, phát triển kinh tế, giải quyết khiếu kiện, quyền làm chủ... Bà Hoa đề nghị nên đưa ra hai phương án, trong đó phân tích cho thấy rõ mặt được và mặt hạn chế của mỗi phương án để cân nhắc lựa chọn.
Bà Hoàng Thị Khánh - nguyên chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP - cho rằng theo đề xuất của đề án thì tổ chức TP làm ba khu vực: 13 quận nội thành, khu vực đang đô thị hóa (tổ chức thành bốn TP) và khu vực ngoại thành. Ở khu vực 13 quận nội thành vẫn tồn tại quận và phường nhưng cả hai đều thực hiện chức năng theo cơ chế ủy quyền của UBND TP. Vậy mối quan hệ giữa quận và phường ra sao? Hiện tại quận chỉ đạo toàn diện cho phường, còn với mô hình mới đề xuất thì cả quận và phường đều thực hiện chức năng theo ủy quyền...
Trong khi đó ông Võ Viết Thanh - nguyên chủ tịch UBND TP - nhấn mạnh đã đến lúc cần quyết liệt hơn để cải cách bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương vì thực trạng hiện nay rất cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trùng lắp, kém hiệu quả. “Đất nước nghèo, năng suất lao động thấp, bộ máy cồng kềnh, biên chế quá lớn, sử dụng tiền thuế của dân như vậy thì còn đâu để tích lũy xây dựng phát triển” - ông Thanh nói.
Nên hỏi ý kiến dân
“Bây giờ mang tên là “ủy ban nhân dân” mà người dân còn ngán, cán bộ còn xa dân. Tới đây đổi tên thành “ủy ban hành chính” thì nghe còn xa dân hơn nữa. Tôi cho là nên giữ tên “ủy ban nhân dân”” - ông Lê Văn Dỹ, nguyên phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nêu ý kiến. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) đồng tình: “Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Dân là chủ. Vậy xây dựng chính quyền cốt để phục vụ người dân. Đừng để dân hiểu rằng thêm một cấp TP trong TP là thêm một cấp “hành dân”, rằng trước đây quận ở gần, bây giờ TP trong lại xa, TP trên lại càng xa hơn nữa”!
Bà Thu đặt câu hỏi: “Như vậy TP đã hỏi ý kiến nhân dân chưa? Dân ở đây là dân thường chứ không phải chỉ là “đại diện nhân dân”. Tôi cho rằng TP nên lựa chọn một số vấn đề đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để người dân tham gia góp ý”.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ của TP khi xây dựng mô hình chính quyền kiểu mới. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu bộc bạch: “Ước mơ của tôi là cán bộ ở TP.HCM và các tỉnh phải là nguồn quan trọng để bổ sung lên trung ương. Cán bộ ở trung ương cũng nên luân chuyển về địa phương làm việc thật chứ không nên chỉ theo kiểu “mượn ghế ngồi”, để rồi khi trung ương không điều lên thì chỉ ngồi chờ hết nhiệm kỳ hoặc chờ ai đó gặp sự cố để mình vào lấp chỗ trống”.
Còn ông Tô Tử Thanh, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định, lo ngại: “Cái lo lắng nhất là vấn đề cán bộ. Một anh mới ra trường thì phải được bồi dưỡng, rèn luyện ít nhất 10-15 năm mới có thể đảm nhận tốt vị trí bí thư, chủ tịch. Bây giờ nhiều anh mới ra trường ít năm đã trưng ra 3-4 bằng đại học. Như vậy là học vào lúc nào? Cứ chạy theo bằng cấp mà không có thực lực, không được bồi dưỡng đúng mức thì không thể vững vàng được”.
Nhiều ý kiến cho rằng TP nên đề xuất với trung ương xác định rõ thời gian thí điểm mô hình chính quyền đô thị là bao lâu, thí điểm không có nghĩa là “thí nghiệm” và TP.HCM nên có hai phương án để Quốc hội lựa chọn, biểu quyết.
Trao đổi tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải nhấn mạnh những nội dung còn ý kiến khác nhau, TP sẽ tính toán đưa ra hai phương án. Đồng thời có những việc khi thực hiện phải với một lộ trình phù hợp. Ông đồng tình đề án phải nêu bật được bản chất chính quyền của dân, do dân, vì dân và phải thuyết phục được mô hình mới ưu việt hơn mô hình hiện tại, trong đó phải gắn với lợi ích của người dân.
Các bước thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị - Bước 1: Chính phủ trình Quốc hội để Quốc hội có nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm. - Bước 2: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập ban chỉ đạo, quán triệt nghị quyết của Quốc hội đến tất cả tổ chức trong hệ thống chính trị TP, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhân sự, dự toán ngân sách cho việc triển khai đề án. - Bước 3: Vào thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành triển khai áp dụng mô hình mới. (trích nội dung báo cáo tóm tắt đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị được trình bày tại hội nghị ngày 17-8) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận