14/07/2017 13:55 GMT+7

'Chính quyền còn rất chủ quan trước thông báo xả lũ'

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Ông Trần Quang Hoài - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - nói như vậy tại phiên họp về phương án vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng sáng 14-7.

Ông Trần Quang Hoài, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ Lợi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, vẫn còn tình trạng chính quyền chủ quan trước thông tin xả lũ - Ảnh: XUÂN LONG
Ông Trần Quang Hoài - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Lợi (Bộ NN&PTNT), ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - khẳng định vẫn còn tình trạng chính quyền chủ quan trước thông tin xả lũ - Ảnh: XUÂN LONG
Thủy điện vận hành đúng quy trình, xả lũ đã có thông báo nhưng còn còn tâm lý chủ quan từ phía chính quyền địa phương và người dân. 
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi TRẦN QUANG HOÀI

Dẫn chứng việc xả lũ cuối tháng 6 tại hồ Tuyên Quang, dù vận hành đúng quy trình, đã được thông báo trước, ông Hoài cho biết vẫn để lại thiệt hại mất tới 39 lồng cá bè nuôi trên sông.

“Vừa rồi mới xả lũ tại hai cửa xả ở thủy điện Tuyên Quang mà đã có sự cố. Có tới 39 lồng bè nuôi cá bị trôi về thủy điện Chiêm Hóa, nếu các lồng bè này trôi vào thủy điện thì không biết chuyện gì xảy ra, sau đó phải đóng bớt một cửa xả lũ tại thủy điện Tuyên Quang” - ông Hoài nói.

Phải làm hết chức năng để dự báo sai ít hơn

Ông Nguyễn Công Hàm - phó giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang - thừa nhận qua sự cố xả lũ tại thủy điện Tuyên Quang làm trôi 39 lồng bè nuôi cá cho thấy còn tâm lý rất chủ quan trong dân.

“Trước khi xả lũ đã có thông báo nhưng người dân vẫn muốn đưa bè ra giữa sông để tốt cho cá khi có lũ mà không muốn kéo vào ven bờ, đến khi lũ lớn thì không kéo vào được” - ông Hàm nêu.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Bình - phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ - cho rằng thông tin xả lũ cần phải được thông báo sớm hơn.

“Hiện mực nước trên các con sông đang rất thấp, vì vậy các hoạt động trên sông rất lớn. Trên sông Đà có khoảng 500 lồng bè nuôi cá, lượng tàu bè trên sông Đà cũng rất lớn. Đặc biệt, do mực nước sông đang thấp nên nếu có xả lũ cũng phải xả từ từ, sau đó tăng dần lên và chỉ xả một cửa.

Còn hôm nay, ngay khi về chúng tôi sẽ có cảnh báo dọc sông Đà về việc đề phòng xả lũ để chính quyền và người dân có chuẩn bị khi có lệnh” - ông Bình nói.

Ông Bình cũng nói bản tin dự báo hiện còn quá rộng, đồng thời đề nghị nâng độ chính xác trong các bản tin dự báo.

“Dự báo là phải có sai số, nhưng chúng tôi đang cố gắng để làm hết chức năng dự báo, để dự báo sai ít hơn” - bà Đặng Thanh Mai - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nói.

Sẽ thông tin xả lũ tối thiểu trước 6 tiếng

Kết luận cuộc họp, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cho rằng vẫn còn những lo lắng về khoảng cách giữa công tác dự báo và thực tiễn.

“Khu vực phía Bắc còn ứng phó với mưa lũ rất nhiều. Đặc biệt trong xả lũ, đề nghị Tập đoàn EVN và các chủ hồ cần thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng trong xả lũ.

Đối với các địa phương, vừa rồi mới xả có một cửa của Tuyên Quang đã gây ra sự cố ngay. Điều này cho thấy chính quyền còn chủ quan, người dân còn chủ quan, vẫn coi có các hồ là đâu vào đấy rồi.

Vì thế nếu có lũ lớn, từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở đến các địa phương phải thực hiện đầy đủ theo công điện của Thủ tướng, trong đó phải thông tin ngay trên phương tiện thông tin đại chúng về khả năng lũ lớn để người dân chủ động” - ông Hoài nói.

Ông Hoài cũng khẳng định nếu có xả lũ, Ban chỉ đạo sẽ thông tin tối thiểu trước 6 giờ, từ đó các tỉnh phải có các dự lệnh cho các địa phương. Đã có công điện nhắc nhở rồi.

“Nếu từng địa phương không chủ động thông tin tới chính quyền, người dân khi xả lũ có thể xảy ra thiệt hại. Và không chỉ Ban chỉ đạo, cả các chủ hồ chứa cũng phải có trách nhiệm phải thông tin kịp thời về việc xả lũ cho chính quyền địa phương và người dân” - ông Hoài nhấn mạnh.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên