Những ngày này, tìm một giường cấp cứu dành cho bệnh nhân COVID-19 không dễ dàng ở Ấn Độ - Ảnh: REUTERS
Khi mẹ của anh Manit Parikh xét nghiệm dương tính với COVID-19, bà được cả nhà tức tốc đưa vào Bệnh viện Lilavati ở thành phố Mumbai bằng xe cấp cứu. Nhưng các bác sĩ lắc đầu vì bệnh viện không còn giường chăm sóc đặc biệt nào còn trống.
Sau 5 giờ và hàng chục cuộc gọi, cuối cùng họ tìm thấy một giường ở Bệnh viện Bombay trong thành phố. Một ngày nữa trôi qua, ngày 18-5, người ông 92 tuổi mắc tiểu đường của anh Parikh bỗng bị khó thở, gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Breach Candy và cũng không có giường trống.
"Cha tôi cầu xin họ. Họ nói không còn giường trống nữa, thậm chí là giường bình thường", anh Parikh kể lại với nhà báo của Hãng tin Reuters. Cuối ngày hôm đó, họ tìm được một chỗ ở bệnh viện Bombay nhưng ông cụ qua đời chỉ vài giờ sau, xét nghiệm dương tính COVID-19.
Ấn Độ căng như dây đàn
Parikh tin rằng việc cứu chữa chậm trễ đã khiến ông anh không qua khỏi.
Trong nhiều năm, bệnh viện tư nhân bùng nổ ở Ấn Độ đã giúp giảm tải cho hệ thống y tế công xuống cấp, nhưng câu chuyện của gia đình Parikh cho thấy thậm chí y tế tư nhân vẫn có thể bị quá tải bởi số lượng bệnh nhân COVID-19.
Ngày 24-5, Ấn Độ ghi nhận thêm 6.767 ca nhiễm corona, mức tăng cao nhất trong một ngày cho đến nay. Dữ liệu cho thấy số ca nhiễm ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới tăng gấp đôi cứ mỗi 13 ngày, hiện đã đạt hơn 131.000 ca, trong đó gần 4.000 người chết.
"Xu hướng tăng vẫn chưa dừng lại. Chúng tôi chưa quan sát được dấu hiệu giảm của dịch", ông Bhramar Mukherjee, giáo sư dịch tễ của Đại học Michigan (Mỹ), nhận xét về tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ.
Nhóm của giáo sư Mukherjee ước tính đến đầu tháng 7 tới, khoảng 630.000 - 2,1 triệu người Ấn sẽ nhiễm COVID-19 trên tổng số 1,3 tỉ dân. Hơn 1/5 số ca nhiễm của Ấn Độ nằm ở thành phố Mumbai, trung tâm tài chính đông dân nhất cả nước.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ghi nhận Ấn Độ chỉ có 0,5 giường bệnh trên 1.000 dân, rất thấp so với thế giới. Hàng triệu người Ấn nghèo chỉ dựa vào hệ thống y tế công cộng, nhưng khối bệnh viện tư nhân lại chiếm đến 55% công suất chữa trị của nước này.
Hiện tại thành phố Mumbai đã giành quyền kiểm soát ít nhất 100 bệnh viện tư để đối phó với dịch COVID-19, dòng bệnh nhân xếp hàng vẫn còn dài.
Nhiều gia đình có người thân mắc bệnh như trường hợp anh Parikh chỉ biết cầu nguyện mọi chuyện không quá trễ khi đến lượt họ.
Dân lao động nghèo ở Ấn Độ là đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Y bác sĩ bỏ chạy vì thiếu thốn
Giới chức Mumbai than rằng hệ thống y tế thành phố không chỉ thiếu giường bệnh, họ còn không có đủ y bác sĩ để vận hành giường chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nặng.
Kết quả là đội ngũ bác sĩ phải làm việc quần quật, ít có thời gian nghỉ ngơi theo quy định. Trao đổi với Reuters, một số người cho biết họ đang bị quá tải, đã vậy còn phải chăm sóc bệnh nhân mà không có trang thiết bị bảo vệ tiêu chuẩn, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cao.
Những tuần gần đây, một vài bệnh viện ở Mumbai, bang miền tây Gujarat, thành phố Agra, Kolkata ở miền bắc... thậm chí phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần do y bác sĩ bị nhiễm virus quá đông, mặc dù chính quyền chưa báo cáo ca tử vong nào.
"Y tế không phải ưu tiên hàng đầu ở Ấn Độ. Chính phủ giờ đã thức tỉnh trước thực tế nhưng mọi sự đã quá trễ", bác sĩ Adarsh Pratap Singh, người đứng đầu một hiệp hội bác sĩ ở New Delhi, bình luận.
"Khi anh lâm vào khủng hoảng thì mọi lỗ hổng lộ ra hết", ông Keshav Desiraju, một cựu lãnh đạo y tế Ấn Độ, chia sẻ cùng nhận định.
Hồi tháng 4, Hiệp hội Điều dưỡng Ấn Độ, đại diện cho 380.000 nhân viên y tế, đã gửi bản kiến nghị 12 vấn đề họ đang vướng mắc, bao gồm thiếu trang bị bảo hộ, lên tòa án tối cao.
Một số y bác sĩ không chịu đựng nổi đã rời bỏ thành phố lớn. Đầu tháng này, khoảng 300 y tá làm việc ở nhiều bệnh viện thuộc thành phố Kolkata đã bỏ về quê, lý do họ đưa ra là lương bổng quá thấp trong khi điều kiện làm việc thiếu an toàn.
"Chúng tôi yêu nghề nghiệp của mình nhưng khi chúng tôi làm việc, hãy cho chúng tôi trang bị phù hợp", anh Shyamkumar, y tá 24 tuổi, đặt vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận