05/04/2025 10:06 GMT+7

Chinh phục thế hệ tiêu dùng trẻ gen Z khó lắm đấy!

Với khả năng nắm bắt xu hướng nhanh chóng, thế hệ tiêu dùng trẻ (gen Z) đang góp phần tái định hình cách thức doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và quản trị nguồn nhân lực.

gen z - Ảnh 1.

Người tiêu dùng thuộc thế hệ gen Z có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế số - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự báo sẽ chiếm gần 1/3 tổng lượng người tiêu dùng tại Việt Nam vào năm 2025, thế hệ gen Z là nhóm khách mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận, không muốn bị "lỡ nhịp".

Không đơn thuần là người tiêu dùng mới

Nguyễn Trung Bá Thức (sinh năm 1997), nhà sáng lập thương hiệu thời trang Levents, cho biết hãng hướng tới đối tượng khách hàng chính là gen Z. Levents không bán quần áo mà "bán cảm xúc và giấc mơ".

Slogan này tương đồng với đặc thù của gen Z, thế hệ khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua trải nghiệm, cá tính và cảm xúc gắn liền với thương hiệu, góp phần tạo ra một văn hóa mua sắm mới.

Nhắm đến nhóm khách hàng từ 18 - 24 tuổi có thu nhập cao (từ gia đình hoặc tự kinh doanh), Thức nói với Tuổi Trẻ: "Đây là những người đang khám phá bản thân và chịu ảnh hưởng từ phong cách sống của các thần tượng.

Vì vậy, phần lớn nhân sự của thương hiệu này tập trung mạnh tận dụng các công cụ số để vào chiến dịch tiếp thị cảm xúc, kể câu chuyện truyền cảm hứng từ các rich-kid và các bạn trẻ thành công".

Trong khi đó, với nội dung gần gũi về học tiếng Anh, lối sống và công việc hằng ngày, Kênh YouTube do MC Khánh Vy (sinh năm 1999) thành lập hiện có hơn 2,1 triệu người đăng ký.

Kênh của cô không chỉ thu hút hàng triệu lượt xem mà còn giúp Khánh Vy trở nên nổi tiếng, mở đường cho việc hợp tác với nhiều thương hiệu lớn và tạo ra nguồn thu đáng kể từ quảng cáo.

Những kênh mang dấu ấn cá nhân và trở thành "đại diện thương hiệu" như vậy không hiếm trong thời điểm hiện nay.

Nền tảng YouTube cho biết sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, họ đã thu hút hơn 50 triệu người dùng và có hơn 1.800 kênh của các nhà sáng tạo, nghệ sĩ và doanh nghiệp.

Và tính đến cuối năm 2024, số lượng kênh đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng từ tính năng bật quảng cáo đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều này càng được củng cố bởi khảo sát của Nielsen, ghi nhận khoảng 55% người tiêu dùng gen Z thường xuyên tham khảo đánh giá từ các người có sức ảnh hưởng như KOL/KOC có lượng theo dõi từ 10.000 - 100.000 trên mạng xã hội trước khi mua sắm trực tuyến.

"Thế hệ người dùng trẻ này đang trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế số thông qua việc sáng tạo và "tiêu thụ" nội dung trên các nền tảng như TikTok hay YouTube", khảo sát nhìn nhận.

Tìm cách chinh phục khách hàng trẻ

Cũng theo thống kê của Nielsen, gen Z tại Việt Nam sẽ đạt 14,7 triệu người trong năm 2025 và chiếm khoảng 30% tổng số người tiêu dùng. Lực lượng này sẽ đóng góp 21% vào nguồn lao động, trở thành nhóm có ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu dùng và văn hóa làm việc.

Tuy nhiên, nhóm khách này cần nhiều hơn một sản phẩm tốt - đó phải là câu chuyện, cảm xúc và trải nghiệm mà họ có thể tin tưởng và đồng hành lâu dài.

Bà Nguyễn Hoài Xuân Lan, đồng sáng lập Coolmate, chia sẻ với báo Tuổi Trẻ: công ty đã lên kế hoạch chinh phục gen Z bởi hiện phần lớn khách hàng truyền thống của hãng đều trên 25 tuổi.

Bà Lan thừa nhận Coolmate chưa thể cạnh tranh với nhiều thương hiệu trong việc thu hút gen Z.

"Chúng tôi cần thêm thời gian để nghiên cứu cách tiếp cận và phát triển sản phẩm phù hợp. Đây là nhóm khách hàng mà chúng tôi phải chinh phục, vì họ chiếm tỉ lệ ngày càng lớn trong thị trường", bà Lan nói.

Theo quan sát của chủ thương hiệu thời trang nội địa này, gen Z sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm "đúng gu" và dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè hoặc KOL trên TikTok. Họ thường ra quyết định mua sắm nhanh chóng, không quá đắn đo như các thế hệ trước.

Tại Coolmate, nơi phần lớn nhân viên là gen Z, bà Lan cho biết công ty cũng đã phải điều chỉnh cách quản lý để phù hợp.

"Không thể to tiếng mà mong họ nghe theo", bà nói. Ngoài lương thưởng xứng đáng, lộ trình thăng tiến rõ ràng và sự minh bạch trong chính sách là yếu tố then chốt để giữ chân nhân viên gen Z.

gen z - Ảnh 2.

Nguồn: YouNet ECI - Dữ liệu: HỒNG PHÚC - Đồ họa: T.ĐẠT

Thế hệ gen Z là những người sinh từ khoảng năm 1997 - 2012, còn được gọi là công dân của thời đại số. Tính đến năm 2025 thì gen Z sẽ vào khoảng từ 13 - 28 tuổi.

Với nền kinh tế số, họ không chỉ là người tiêu dùng thụ động mà còn là những người sáng tạo nội dung, khởi nghiệp và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung.

Thách thức từ thói quen tiêu dùng

Dù thành thạo công nghệ hơn các thế hệ trước, nhiều gen Z vẫn dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, đặc biệt khi mua các sản phẩm liên quan đến thần tượng. Điển hình là các vụ lừa bán vé concert K-pop giả tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong các sự kiện âm nhạc gần đây, nhiều bạn trẻ mất tiền khi mua vé giá rẻ, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng so với giá gốc 2 - 3 triệu đồng, qua các tài khoản giả mạo trên Facebook, Zalo.

Ngoài ra, thói quen mua sắm trực tuyến quá mức cũng là vấn đề đáng lo ngại. Trần My (26 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên "săn sale" trên các sàn thương mại điện tử và mua vật phẩm liên quan đến thần tượng.

Cô cũng thừa nhận thường xuyên gặp rủi ro khi mua sắm trực tuyến, như đặt hàng nhưng không nhận được sản phẩm, hoặc hàng đến tay không đúng như quảng cáo dù đã thanh toán. "Mỗi lần mua là một lần hồi hộp, không biết nhận được gì.

Có lần thanh toán xong mà hàng chẳng thấy đâu, nhưng nếu dưới 500.000 đồng, tôi bỏ qua", My nói.

Chinh phục thế hệ tiêu dùng trẻ gen Z khó lắm đấy! - Ảnh 2.Gen Z mua nhà trước 30 tuổi có áp lực tài chính?

Sở hữu một căn nhà được xem là biểu hiện của ổn định kinh tế và là khoản đầu tư quan trọng của đời người, nhưng khi nhìn giá nhà tăng vùn vụt, nhiều người trẻ tự hỏi: Bao giờ mới đủ tiền để mua nhà?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên