07/04/2018 15:31 GMT+7

Chinh phục mùa thi: 'mẹo' tăng cường sức khỏe và trí nhớ

TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH (trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM)
TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH (trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM)

TTO - Ăn đủ bữa, đa dạng và đủ chất, ngủ đủ, thường xuyên vận động và hít thở sâu... giúp thí sinh tăng cường sức khỏe và trí nhớ mùa thi.

Chinh phục mùa thi: mẹo tăng cường sức khỏe và trí nhớ - Ảnh 1.

1. Ăn đủ bữa, đa dạng và đủ chất

Ăn đủ các bữa chính và thêm vài bữa phụ. Không cần bữa ăn quá đặc biệt, chỉ cần đa dạng với các thức ăn đã quen thuộc từ trước như cơm (hoặc xôi, bánh mì, bắp, khoai, phở…), thịt (hoặc cá, trứng, tép, đậu hũ…), rau xanh và trái cây.

Bữa phụ có thể là vài cái bánh quy kèm một hộp sữa tươi, hoặc một miếng phô mai, thêm hũ sữa chua và một trái chuối, hay uống bột ngũ cốc pha sữa, hoặc củ khoai lang với cái trứng luộc, hay gói xôi và hộp sữa đậu nành…

2. Vi chất dinh dưỡng giúp trí óc sắc bén

Nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần để nhận được chất béo omega-3 cần thiết cho não. Phospholipid có trong lòng đỏ trứng giúp trí nhớ được tốt hơn. Có thể ăn 1-3 cái trứng mỗi tuần. Thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành... cung cấp acid amin tạo chất dẫn truyền thần kinh rất cần cho não.

Sử dụng muối iốt (hoặc hạt nêm iốt) hằng ngày trong chế biến thức ăn (không nêm mặn) để nhận đủ iốt giúp hệ thần kinh hoạt động tốt. Sắt là chất cần thiết để tạo máu, mang oxy cung cấp cho não và toàn cơ thể.

Chất sắt có nhiều trong gan, thịt, cá, trứng hoặc rau xanh và các loại đậu. Trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, đu đủ chín… sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt. Em gái tuổi dậy thì trở lên cần bổ sung thuốc sắt và acid folic theo hướng dẫn của cán bộ y tế nhà trường.

3. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ đủ sâu và đủ dài (khoảng 6-8 tiếng) sẽ giúp cơ thể khỏe hơn, sức đề kháng được tăng cường, và trí óc càng minh mẫn, trí nhớ được củng cố.

Khi đang học nếu quá mệt, hãy chợp mắt vài phút để giúp não nghỉ ngơi và mắt bớt mỏi. Nếu quá buồn ngủ thì hãy ngủ ngay dù chỉ vài giờ. Những giấc ngủ ngắn giữa giờ sẽ giúp nạp năng lượng để có thể học tiếp được tốt hơn.

Không lạm dụng trà, cà phê để thức khuya học bài, hệ thần kinh sẽ bị kích thích liên tục nhưng không đủ sáng suốt để ghi nhớ bài.

4. Nghỉ ngơi và giải trí

Nghỉ ngơi, thư giãn, nghe nhạc, xem những đoạn phim hài ngắn để được cười thoải mái, trò chuyện vui vẻ với gia đình và bạn bè, đi dạo, chơi thể thao... Não được thư giãn sẽ ghi nhớ được tốt hơn.

5. Thường xuyên vận động và hít thở sâu

Rèn luyện thể lực mỗi ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, leo cầu thang, vài động tác thể dục… 10-15 phút giữa giờ học, vài lần trong ngày sẽ giúp hệ tim mạch và hô hấp hoạt động hiệu quả hơn. Hít thở sâu khi tập luyện sẽ cung cấp nhiều oxy cho não. Trí nhớ sẽ được củng cố.

6. Đề phòng hạ đường huyết

Hạ đường huyết rất dễ xảy ra khi các em bỏ bữa ăn hoặc ăn uống qua loa. Tình trạng này thường xảy ra vào những tiết cuối của buổi học hoặc cuối giờ thi. Cách đề phòng hạ đường huyết tốt nhất là không được bỏ bữa ăn và bữa ăn phải đủ no với đầy đủ các nhóm thực phẩm.

Khi bị hạ đường huyết, hãy nhanh chóng ngậm kẹo ngọt, uống nước đường, hoặc sữa tươi, ăn vài cái bánh quy hoặc trái chuối… Sau đó phải ăn thêm cơm, bánh mì, hủ tíu… để phòng tránh bị hạ đường huyết tiếp tục.

7. Tránh ngộ độc thực phẩm

Thận trọng với thức ăn đường phố. Chọn hàng quán sạch sẽ, thức ăn bày trên bàn cao có khung kính che đậy, chọn các món nấu chín (cơm, hủ tíu, phở chín…). Tránh ăn các loại thức ăn chế biến chưa chín kỹ: phở tái, trứng còn sống, gỏi cá sống, các món nướng, rau sống… Không uống nước đá (tốt nhất là luôn mang theo chai nước chín).

TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH (trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên