31/08/2015 06:00 GMT+7

Chính phụ huynh gây tai nạn cho con

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Mới đây, một người cha để con 4 tuổi ngồi trên xe, vào mua hàng, bé rồ ga lao ra đường, đâm liên hoàn hai xe máy rồi văng xuống nền đường.

Phụ huynh chở đến ba em nhỏ không đội mũ bảo hiểm - Ảnh: Khoa Long

Chị Thu Hương (Q.8, TP.HCM) cho biết hằng ngày khi di chuyển trên đường, chị thường xuyên gặp những trường hợp trẻ chơi đuổi bắt bên đường rồi chạy tràn ra lòng đường, vẽ và chơi cò cò ngay ở lề đường hay nghịch cát, ném cát đá vào nhau rất nguy hiểm.

Bà Kim Huệ (Q.11, TP.HCM) lo lắng: “Tôi thấy nhiều người chạy xe một mình, cho con ngồi trước rồi vô tư để con ngủ ngay trên xe, một tay cầm ga, một tay đỡ đầu con, thậm chí lưu thông trên đường ngay giờ cao điểm”.

Chia sẻ trên trang cá nhân, anh Hữu Nghĩa (Vĩnh Long) thắc mắc: “Các ông bố thương con quá nên hay bế con, giả vờ tung con lên rồi chụp lại nhưng nếu lỡ tay thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Không hiểu trước khi họ làm vậy họ có nghĩ đến hậu quả không”.

Lỗi ở người lớn

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), có năm nguyên nhân hàng đầu gây thương tích dẫn đến tử vong ở trẻ em là: tai nạn giao thông đường bộ, chết đuối, bỏng, té ngã và ngộ độc. 

Trong đó tai nạn giao thông là nguyên nhân dẫn đầu gây tử vong cho người độ tuổi 10 - 19 và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thương tật cho trẻ em.

Tại Việt Nam, tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2014 cả nước có khoảng 9.000 người chết do tai nạn giao thông, trong đó 1/3 là trẻ em. 

Trung bình mỗi năm có 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm tỉ lệ khoảng 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích và phần lớn các em này đều không được đội mũ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.

Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật thực nghiệm (ĐH Y Dược TP.HCM), trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho biết có hai nguyên nhân gây thương tích ở trẻ em là tai nạn trong sinh hoạt và tai nạn giao thông. 

Dù chưa có một số liệu thống kê chính xác các nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng bác sĩ Nam Anh cho rằng: “Người lớn cứ hay đổ lỗi do trẻ nghịch phá, nhưng thực chất lỗi của người lớn là nhiều nhất”. 

Bác sĩ Nam Anh dẫn chứng khi chạy xe, dù con đã lớn nhưng cha mẹ vẫn cố dồn ép để chở ba, chở bốn gây quá tải, điều khiển khó khăn; không đội mũ bảo hiểm cho trẻ; vượt đèn đỏ, lạng lách.

Bố mẹ làm gì thì trẻ sẽ làm theo như vậy nên khi trẻ gặp tai nạn, lỗi đầu tiên là ở người lớn mà cụ thể là chính phụ huynh.

Thạc sĩ, bác sĩ Cao Xuân Minh - giám đốc phòng khám đa khoa Ngọc Minh (Q.11, TP.HCM) - đồng quan điểm: “Nhiều người cho con đứng trên yên xe khi xe đang chạy rồi phóng nhanh, vượt ẩu trong khi con nhỏ chưa ý thức được những nguy cơ có thể có từ thế giới xung quanh nên rất cần sự chăm sóc của cha mẹ. Trẻ gặp tai nạn phần nhiều do người lớn bất cẩn trong chăm sóc, nuôi dạy và sinh hoạt hằng ngày”.

Bức ảnh người phụ nữ VN chạy xe một tay chở đứa trẻ ngủ gật, tay kia chụp ảnh cựu danh thủ David Beckham đã gây sốt trên Facebook của cựu danh thủ này vào những tháng cuối năm 2014 - Ảnh chụp màn hình

Phụ huynh cần học kỹ năng sống trước

Ông Minh nhấn mạnh: "Chính phụ huynh là người bất cẩn và thiếu kỹ năng đó".

Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) cho rằng: “Tuổi nhỏ là tuổi nhận thức phát triển rất nhanh, vì vậy các em luôn tò mò với sự vật xung quanh. Nếu đứng trước môi trường lạ và có cơ hội, trẻ sẽ tham gia môi trường đó để khám phá thế giới mà bản thân trẻ không ý thức được sự nguy hiểm".

Lý giải về những tai nạn xảy ra với trẻ em do phụ huynh bất cẩn, Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM) cho rằng phụ huynh đã chủ quan, không đặt mình vào vị trí của trẻ. Phụ huynh có năng lực xử lý tình huống nhưng trẻ thì không. Trẻ sao chép hành vi của người lớn nhưng không biết rằng muốn làm được điều đó thì phải có năng lực đi kèm.

"Phải luôn cẩn thận trong bất kỳ hoàn cảnh, trường hợp nào. Những điều tưởng chừng an toàn nhất đều có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Phụ huynh bằng tình yêu, trách nhiệm với con cái hãy đặt an toàn của trẻ lên cao nhất trong mọi trường hợp, kể cả khi trẻ ở trong nhà, luôn luôn để trẻ trong tầm quan sát" - thạc sĩ Nhi A nói.

Theo thạc sĩ Tô Nhi A, chúng ta không thể tước đoạt cơ hội phát triển của đứa trẻ bằng việc cứ bảo bọc khư khư, nhưng không bỏ mặc mà giữ vai trò chủ đạo bằng việc đồng hành cùng con. Dự kiến được tình huống nguy hiểm để xử lý trước hoặc cùng với con đưa ra giải pháp tốt nhất bằng vốn kinh nghiệm người lớn đã có.

Ở nhà không phải là an toàn tuyệt đối

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho rằng dù ở bất kỳ môi trường nào trẻ cũng có thể gặp phải nguy hiểm kể cả ngay tại nhà mình. Các vật dụng, đồ dùng trong nhà như thiết bị điện, điện tử, chai lọ đựng hóa chất, vị trí kê tủ, bàn, ghế… là những tác nhân có thể làm trẻ con gặp phải tai nạn thương tích.

Người lớn phải nhớ nguyên tắc trẻ con luôn học theo hành động của người lớn. Vì vậy nếu trong gia đình cha mẹ thường hay leo trèo để lấy vật dụng này, đồ dùng kia đặt ở nơi cao thì các bé cũng sẽ bắt chước leo trèo như vậy để với lấy một món đồ nào đó tương tự.

Bé trai nguy kịch vì nuốt phím đàn đồ chơi - Ảnh: A Lộc

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> ThS.BS Cao Xuân Minh

>> TS.BS Tăng Hà Nam Anh

>> ThS tâm lý Bùi Hồng Quân

>> ThS tâm lý Tô Nhi A

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên