02/11/2013 08:42 GMT+7

Chiếu cố Hào Dương thêm 6 tháng

G.MINH - Q.THANH - D.N.HÀ
G.MINH - Q.THANH - D.N.HÀ

TT - Chiều 1-11, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM đã tổ chức cuộc họp, đối thoại giữa Công ty CP thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương), Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước (KCN Hiệp Phước), Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (Hepza) xung quanh sai phạm của Hào Dương...

vBzWo2CQ.jpgPhóng to
Một góc Công ty CP thuộc da Hào Dương ngay kế bên sông Kinh, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Mở đầu cuộc họp, ông Đào Anh Kiệt, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP, khẳng định sai phạm của Hào Dương là hết sức nghiêm trọng, lặp đi lặp lại và cần phải xử lý ở khung hình phạt cao nhất...

Tại... tốn tiền!

"Hào Dương muốn hoạt động hết công suất thì phải tự trang bị hệ thống xử lý nước thải cho đạt chất lượng. Hào Dương cố ý vi phạm và vi phạm nhiều lần chứ không phải lỡ vi phạm do hệ thống xử lý nước thải nội bộ hư hỏng đột xuất. Hepza cũng đã nhiều lần giới thiệu những đơn vị xử lý nước thải đạt chất lượng, có uy tín cho Hào Dương"

Một đại diện của Hepza

Tuy nhiên, ông Kiệt cho rằng với tư cách cơ quan quản lý nước, Sở Tài nguyên - môi trường TP muốn nghe ý kiến của Công ty Hào Dương về lý do để sai phạm kéo dài nhiều năm là do đâu?

Ông Tăng Văn Đức, chủ tịch HĐQT Công ty Hào Dương, cho biết: “Vụ việc xả nước thải ra sông vừa qua là hết sức bậy, không thể chấp nhận được, ban lãnh đạo chúng tôi không cho phép”. Dù nói lãnh đạo công ty không có chủ trương xả chất thải ra sông, nhưng ông Đức lại nêu khó khăn: “Cuối năm 2012, KCN Hiệp Phước khống chế cho chúng tôi chỉ được xả thải vào hệ thống xử lý nước thải của KCN tối đa 1.200 m3/ngày, trong khi chúng tôi đã giảm tối thiểu công suất rồi, chỉ còn 1/3 so với thiết kế thì cũng phải xả ra 1.500 m3/ngày. Thêm vào đó, yêu cầu của KCN là lượng nước thải phải có nồng độ muối dưới 1.000 mg/lít, trong khi nước sông Đồng Điền hàm lượng muối đã là 2.500mg/lít. Quy định này áp dụng với ngành nghề thuộc da như chúng tôi là không thể thực hiện. Trên thế giới cũng không ai quy định về nồng độ mặn trong nước thải của ngành thuộc da như VN”. Ông Đức còn nói Hào Dương sẵn sàng nộp tiền với mức cao để xả vào hệ thống của KCN. Nếu KCN yêu cầu hạ hàm lượng muối xuống thì công ty có thể thực hiện, nhưng phải cho thời gian và công ty cũng không thể hạ nồng độ muối dưới 1.000 mg/lít...

Đáp lời ông Đức, ông Vương Hữu Mẫn, phó tổng giám đốc KCN Hiệp Phước, cho biết: “Chúng tôi đã tạo điều kiện hết sức cho Hào Dương chứ không phải “o ép” để Hào Dương phải xả nước thải ra sông, nhưng cái gì cũng có giới hạn. Hiện giờ chúng tôi đã tiếp nhận nước thải vượt quá quy chuẩn nhiều lần, không chỉ riêng về hàm lượng muối (6.000-8.000 mg/lít), cả hàm lượng đạm, nitơ... đều cao gấp nhiều lần quy chuẩn. Với khối lượng 1.000-1.200 m3/ngày thì chúng tôi có thể cố gắng hòa loãng với nước thải có hàm lượng muối thấp từ các công ty khác để xử lý, nhưng về lâu dài là không thể, vì hàm lượng muối cao khiến vi sinh bị ức chế, không thể phân hủy chất thải, làm hỏng hết hệ thống xử lý”. Cũng theo ông Đức, KCN Hiệp Phước đã khuyến cáo Hào Dương phải có lộ trình cụ thể để xử lý vấn đề này, nhưng gần như Hào Dương không làm gì suốt hai năm qua vì ngại tốn tiền.

Lại hứa!

Trao đổi về hướng xử lý Công ty Hào Dương, ông Mẫn nói: “Trước đây, chủ trương của TP là mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nặng vào KCN Hiệp Phước, trong đó có Hào Dương. Sau này, chính sách thay đổi, KCN Hiệp Phước chuyển từ KCN tập trung các ngành nghề ô nhiễm nặng sang ngành nghề sạch, do đó việc đầu tư hạ tầng không đồng bộ từ đầu, chắp vá, phải sửa chữa là điều khó tránh khỏi. “Chúng tôi rất thông cảm, sẵn sàng hỗ trợ hết sức cho nhà đầu tư nhưng phía Hào Dương cũng phải nỗ lực cải thiện chất lượng nước thải, không thể duy trì việc xả thải thế nào cũng được rồi buộc chúng tôi gánh hoài...”.

Còn ông Tăng Văn Đức cho rằng nếu KCN Hiệp Phước chấp nhận cho Hào Dương xả thải 2.500 m3/ngày với chất lượng nước thải như hiện tại vào hệ thống, công ty hứa trong vòng sáu tháng sẽ mua máy móc thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý tại nhà máy đạt hàm lượng muối 3.000 mg/lít và chất đạm là 250 mg/lít, sau đó sẽ hạ tiếp hàm lượng đạm xuống dưới 100 mg/lít. Tiếp lời ông Đức, ông Mẫn nói: “Chúng tôi chấp nhận xử lý nước thải như hiện tại cho Hào Dương trong sáu tháng, nhưng Hào Dương phải giảm công suất xuống nữa thì hệ thống xử lý của KCN mới chịu nổi. Công ty Hào Dương phải thực hiện lời hứa và chịu sự giám sát của chúng tôi trong quá trình xây dựng hệ thống xử lý”.

Kết luận cuộc họp, ông Đào Anh Kiệt nhấn mạnh: Chi tiết của thỏa thuận nói trên sẽ được hai bên cụ thể hóa bằng văn bản. Trên tinh thần như các bên đã hứa, thời hạn cuối cùng là sáu tháng, nếu Hào Dương chưa thực hiện như cam kết thì sẽ buộc phải đóng cửa.

Công an thụ lý vụ tai nạn lao động tại Hào Dương

Ngày 1-11, lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cho biết đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc liên quan tới cái chết của ba công nhân tại nhà máy của Công ty Hào Dương.

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH TP đã có văn bản đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP và Công an TP khởi tố vụ tai nạn lao động xảy ra tại công ty này. Đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Trịnh Thị Phương Mai (phó giám đốc môi trường của Công ty Hào Dương) và những người có liên quan do vi phạm những quy định của pháp luật về an toàn lao động dẫn đến tai nạn chết người.

Theo kết luận điều tra tai nạn lao động của đoàn điều tra tai nạn lao động TP, cuối tháng 4-2013, bà Mai phân công một nhóm công nhân thực hiện thông ống dẫn bùn tại hồ xử lý nước thải. Trong khi xuống đáy bể, các công nhân bị ngạt khí độc dẫn đến tử vong. Nguyên nhân, theo Sở LĐ-TB&XH TP, là công ty không có biện pháp đảm bảo an toàn, thiếu trang bị phương tiện bảo hộ, cấp cứu, phân công công nhân chưa được huấn luyện...

TRUNG CƯỜNG

Ông Dương Văn Nhân (phó chủ tịch Hội Nông dân TP):

Không xử lý triệt để là khó chấp nhận!

Hội Nông dân TP.HCM đã cử cán bộ xuống Nhà Bè nắm bắt tình hình thiệt hại, đời sống của người dân bị ảnh hưởng từ việc xả thải của Hào Dương. Bước đầu, chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến của bà con và tập hợp để có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng.

Tiếp theo, tại kỳ họp HĐND TP sắp tới, với tư cách là đại biểu HĐND TP và đại diện cho Hội Nông dân TP, tôi sẽ nêu vấn đề Hào Dương trước kỳ họp và đề nghị HĐND TP có yêu cầu cụ thể, quyết liệt hơn nữa với các cơ quan chức năng trong việc xử lý Hào Dương. Rõ ràng việc xử phạt không làm Hào Dương ngán ngại, họ chỉ cần đóng phạt rồi sau đó tiếp tục xả thải. Một người dân nghèo, ky cóp tiền bạc xây căn nhà không phép là bị xử lý, còn Hào Dương thì vi phạm năm này qua năm khác mà không xử lý triệt để là khó chấp nhận.

VIỄN SỰ ghi

__________________

yr2Re5Lr.jpgPhóng to
Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Phải yêu cầu Hào Dương bồi thường thiệt hại

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội trúng cử tại huyện Nhà Bè - nơi có Công ty Hào Dương đặt nhà máy, đã đặt ra vấn đề này khi chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội về những sai phạm lặp đi lặp lại của Hào Dương.

Ông Nghĩa cho biết chuyện Công ty Hào Dương, HĐND TP.HCM đã từng có những chất vấn và yêu cầu rất quyết liệt đối với UBND TP. “Tại một phiên chất vấn trong kỳ họp HĐND TP, tôi đã đọc hai câu thơ: “Vedan không ở đâu xa/ Hào Dương ta đó chính là Vedan”. Nhưng rồi kết quả cuối cùng cho thấy hình như bộ máy của ta bất lực, không có cách nào để chấm dứt hành vi vi phạm của công ty này” - ông Nghĩa bức xúc.

* Tuổi Trẻ: Hiện các cơ quan chức năng đã đề nghị nhiều biện pháp xử lý Công ty Hào Dương nhưng không thấy nhắc tới trách nhiệm của quản lý nhà nước, ông thấy đã thỏa đáng chưa?

- Hệ thống luật pháp VN có đủ quy định để chúng ta xử phạt, yêu cầu công ty phải có trả giá về mặt vật chất cho những vi phạm của mình nhưng công ty vẫn ngang nhiên vi phạm kéo dài. Chuyện này buộc tôi phải đặt câu hỏi: Phải chăng vấn đề nằm ở các cơ quan chức năng của TP?

Tôi cho là rõ ràng UBND TP, Công an TP, Sở Tài nguyên - môi trường, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP đã không phát huy đầy đủ những công cụ pháp lý hiện có. Cần phải xem lại nguyên nhân của chuyện này. Hoặc do thiếu quyết tâm, hoặc thiếu kiên quyết, hoặc có sự nể nang hay tiêu cực gì ở đây không? Để đến cuối cùng - giống như vụ Vedan - Cục Cảnh sát môi trường của Bộ Công an phải vào cuộc. Tôi yêu cầu UBND TP phải có sự rà soát kiểm tra lại, xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan.

Tôi đang đề xuất Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cùng với Bộ Tài nguyên - môi trường và Cục Cảnh sát môi trường của Bộ Công an vận động thêm các tổ chức khoa học... xúc tiến ngay việc điều tra, khảo sát các thiệt hại về môi trường mà Hào Dương đã gây ra. Dù Hào Dương có bị xử lý ra sao thì trách nhiệm dân sự của công ty đối với sức khỏe người dân và môi trường cũng phải được làm rõ.

* Pháp Luật TP.HCM: Theo ông, trong vụ này, người dân có phải làm đơn kiện để đòi bồi thường?

- Với kinh nghiệm từ vụ Vedan, trước hết các cơ quan, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP và cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm giúp người dân trong việc này. Còn theo quy định của pháp luật thì đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đoàn luật sư TP và một số luật sư có tâm huyết sẽ tư vấn cho người dân trong việc họ phải yêu cầu Hào Dương bồi thường thiệt hại như thế nào...

MAI HƯƠNG ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Công ty Hào Dương bị đình chỉ hoạt độngPhạt Công ty Hào Dương 340 triệu đồngĐề nghị xử phạt Công ty Hào Dương theo tình tiết tăng nặngChưa thể “đóng cửa” Công ty Hào DươngHàng trăm tấn chất thải đổ ra sôngCông ty Hào Dương lại “giết” sông Đồng ĐiềnThu hồi quyết định xử phạt Công ty Hào DươngLại bắt quả tang Công ty Hào Dương đầu độc môi trường10 lần bị phát hiện, Hào Dương vẫn “coi trời bằng vung”Kiến nghị đình chỉ ngay hoạt động Công ty Hào Dương

G.MINH - Q.THANH - D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên