Sơ đồ dự báo hướng đi áp thấp nhiệt đới sáng 29-10 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định như vậy tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão do Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 29-10.
Tương tự với cơn bão Damrey năm 2017
Theo ông Khiêm, lúc 7h ngày 29-10, vị trí áp thấp nhiệt đới cách các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận 700 km về phía Đông, sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
"Áp thấp nhiệt đới nằm trên dải hội tụ nhiệt đới nên di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó di chuyển ổn định theo hướng Tây với tốc độ trung bình 20km/h. Cùng với sự kết hợp của không khí lạnh nên áp thấp nhiệt đới có thể thay đổi lớn về cường độ khi vào gần bờ. Vùng mây gây mưa lớn và gió mạnh tập trung mở rộng về phía Tây và phía Bắc" - ông Khiêm nói
Ông Khiêm cho biết tham khảo dự báo của Hoa Kỳ, hiện nay mới đưa ra cảnh báo vùng áp thấp, chưa có dự báo sâu, Hong Kong chưa có dự báo chính thức. Nhật Bản dự báo trong khoảng 24h tới có khả năng mạnh lên thành bão cấp 8 nhưng chưa có dự báo sau 24h.
"Dự báo chính thức của trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, chiều tối nay áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cuối cấp 8, đầu cấp 9, giật cấp 11 và còn có thể thay đổi lớn về cường độ và diễn biến khi có sự tương tác của không khí lạnh.
Dự báo chiều 30-10, bão sẽ đổ bộ vào bờ các tỉnh Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới" - ông Khiêm nói
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định về áp thấp nhiệt đới - Video: P. THẢO
Ông Khiêm cũng đưa ra nhận định rằng áp thấp nhiệt đới tương tự như cơn bão Damrey hồi tháng 11-2017 khi đổ bộ vào Khánh Hòa, gây gió mạnh và mưa rất lớn nên các địa phương không được chủ quan.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh.
Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; biển động. Mưa rất lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên.
Từ ngày 30 đến 31-10, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt).
Kiểm soát chặt chẽ tàu vãng lai
Theo đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đã duy trì lực lượng, sẵn sàng tham gia xử lý tình huống. Đến 6h sáng nay, bộ đội biên phòng các tỉnh ven biển đã kiểm đếm và thông báo cho hơn 44.000 phương tiện chủ động phòng tránh. Trong khu vực nguy hiểm còn trên 740 tàu thuyền đang hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý đến các hồ chứa ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - Ảnh: P. THẢO
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, theo dự báo chiều tối mai bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận, tuy nhiên cần phải lưu ý sóng lớn, trùng với đợt triều cường sẽ gây ảnh hưởng thế nào.
Do đó Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cần nghiên cứu dự báo kỹ về ảnh hưởng của triều cường đến các tỉnh Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, Cần Thơ...
Ông Cường cũng yêu cầu đảm bảo an toàn cho tuyến biển, hiện còn 741 tàu nhưng không chủ quan, kiểm tra để thông báo kịp thời các tàu thuyền di chuyển tránh trú. Đảm bảo an toàn kinh tế biển và du lịch cần phải chú ý, đặc biệt tàu vãng lai, tàu vận tải, tránh để xảy ra như năm 2017 và cơn bão 4 số vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận