08/01/2023 17:51 GMT+7

Chiếc ghế chủ tịch ở Xây dựng Hòa Bình: Hết đơn khởi kiện đến đơn tố giác

Cuộc tranh chấp chiếc ghế chủ tịch ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang nóng hừng hực với những tố cáo của các bên cùng những đe dọa dắt nhau ra tòa.

Chiếc ghế chủ tịch ở Xây dựng Hòa Bình: Hết đơn khởi kiện đến đơn tố giác - Ảnh 1.

Những bất đồng liên quan đến việc quản trị của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và kiện tụng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của tập đoàn này. Trong ảnh: logo của Hòa Bình treo tại một công trình do Hòa Bình làm tổng thầu ở TP Thủ Đức - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, phía ông Lê Viết Hải khẳng định cuộc họp ngày 31-12-2022 "đúng điều lệ", trong khi có bốn thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) cho rằng cuộc họp này "không hợp lệ".

"Hai phe" trong HĐQT Hòa Bình về cuộc họp ngày cuối năm

Sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM yêu cầu giải trình việc triệu tập cuộc họp ngày 31-12-2022 và cung cấp các văn bản liên quan, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Viết Hải cho hay phía Hòa Bình đã gửi văn bản giải trình.

Theo giải trình, ngày 13-12-2022, HĐQT Hòa Bình họp và ban hành hai nghị quyết, trong đó nghị quyết số 50 với nội dung chính là chấp thuận đơn từ nhiệm chức chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1-1-2023 và lập hội đồng sáng lập, nghị quyết số 51 bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Hòa Bình kể từ ngày 1-1-2023.

Theo phía Hòa Bình, sau khi ban hành hai nghị quyết, việc quản trị, điều hành doanh nghiệp "đã phát sinh một số bất cập" liên quan đến cơ chế hoạt động và vận hành của hội đồng sáng lập. Ngày 31-12-2022, HĐQT họp và ban hành nghị quyết số 53 với nội dung hoãn thi hành hai nghị quyết 50 và 51.

Liên quan đến vấn đề mấu chốt mà bốn thành viên HĐQT của Hòa Bình cho rằng cuộc họp này không hợp lệ, văn bản giải trình do ông Hải ký nêu thông tin: Cuộc họp HĐQT lần 1 được tổ chức trực tuyến đã không có đủ số lượng thành viên HĐQT tham dự. Do đó, cuộc họp HĐQT lần 2 diễn ra từ lúc 13h30 ngày 31-12-2022 với số lượng thành viên HĐQT tham dự họp trực tuyến là 5/8 thành viên.

"Trên cơ sở nội dung trao đổi liên quan đến cuộc họp, các thành viên HĐQT đã thảo luận và cho ý kiến biểu quyết (gồm 3 phiếu biểu quyết tán thành, 1 phiếu biểu quyết không có ý kiến và 1 phiếu biểu quyết không tán thành)", Hòa Bình giải trình và cho rằng 3/5 phiếu biểu quyết tán thành thì "nghị quyết số 53 hợp lệ".

Biên bản cuộc họp này do chủ tọa Lê Viết Hải ký nêu danh sách năm thành viên tham dự cuộc họp, trong đó có thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Công Phú dù các nội dung biểu quyết đều được ghi là ông Phú "không tán thành với các nội dung trên". 

Những người tán thành nội dung cuộc họp là ông Lê Viết Hải, Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải) và David Martin Ruiz. Còn ông Nguyễn Tường Bảo "không có ý kiến".

Tuy nhiên, nhóm bốn thành viên HĐQT còn lại (HĐQT Hòa Bình gồm tám thành viên) là ông Nguyễn Công Phú, Dương Văn Hùng, Lê Quốc Duy và Albert Antoine cho rằng cả bốn ông đều từ chối tham gia cuộc họp vì không đúng điều lệ của tập đoàn nên việc thông qua nghị quyết là "không hợp lệ".

Riêng ông Nguyễn Công Phú cho biết thời điểm này ông đang ở Pháp và ông không tham dự cuộc họp ngày 31-12. Các tin nhắn trao đổi trong Viber mang tính chất cá nhân, không được xem là có dự họp theo hình thức trực tuyến.

Chiếc ghế chủ tịch ở Xây dựng Hòa Bình: Hết đơn khởi kiện đến đơn tố giác - Ảnh 2.

Hòa Bình hiện có tám thành viên HĐQT, trong ảnh là sáu thành viên HĐQT của tập đoàn, trong đó có ông Lê Viết Hải (thứ ba từ trái sang) và ông Nguyễn Công Phú (thứ tư từ trái sang) - Ảnh: HB

Đáng chú ý, cuộc họp HĐQT gây nên những tranh luận về chiếc ghế chủ tịch Hòa Bình chỉ kết thúc ít phút trước giờ G của hiệu lực thi hành các nghị quyết trước đó được thực thi vào 0h ngày 1-1.

"Vòng xoáy" kiện tụng ở Hòa Bình

Bên cạnh bất đồng quan điểm về các cuộc họp, mới đây Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) - chi nhánh TP.HCM có thông báo về việc VIAC đã nhận đơn khởi kiện ngày 3-1 cùng các tài liệu kèm theo của ông Huỳnh Bảo Ngọc (cổ đông của Hòa Bình) kiện Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. 

Theo đó, yêu cầu khởi kiện của ông Bảo là tuyên bố hủy bỏ các nghị quyết 50, 51 và nghị quyết 53 ký ngày 31-12-2022 của HĐQT Tập đoàn Hòa Bình.

VIAC cho biết sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định pháp luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một thành viên HĐQT Hòa Bình cho biết ông Huỳnh Ngọc Bảo khởi kiện hủy bỏ các nghị quyết số 50, 51 và 53 trong khi hai nghị quyết số 50, 51 đã được thông qua một cách hợp lệ, đặc biệt nghị quyết số 50 và 51 có nội dung bầu ông Phú làm chủ tịch HĐQT và ông Hải làm chủ tịch hội đồng sáng lập. Do đó, vị này cho rằng vụ kiện có thể có chủ đích là "biến không tranh chấp thành có tranh chấp".

Trong khi đó, phía Hòa Bình cũng cho biết vào ngày 6-1, tập đoàn và ông Lê Viết Hải đã gửi đơn tố giác hai thành viên HĐQT liên quan đến việc cung cấp rộng rãi thông tin nội bộ, có tính bảo mật liên quan đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Trước đó, hai thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình là ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng cũng cho biết nếu việc chuyển giao chiếc ghế chủ tịch không được giải quyết trong "hòa bình" ở cuộc họp HĐQT vào ngày 10-1 tới thì cũng đi đến kiện tụng.

Còn ông Lê Viết Hải lại cho hay cũng đã chuẩn bị cho tình huống bị kiện.

‘Cuộc chiến’ ghế chủ tịch ở Xây dựng Hòa Bình: Ai cũng nói mình đúng, muốn giải quyết ‘Cuộc chiến’ ghế chủ tịch ở Xây dựng Hòa Bình: Ai cũng nói mình đúng, muốn giải quyết 'hòa bình'

Ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải vẫn chưa có tiếng nói chung khi cả hai đều cho rằng mình là chủ tịch Hòa Bình. Ông Phú cho hay nếu không giải quyết trong ‘hòa bình’ sẽ kiện, trong khi ông Hải khẳng định đã chuẩn bị tình huống pháp lý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên