Thứ 6, ngày 26 tháng 2 năm 2021
Chia sẻ nước cho dân vùng hạn mặn
TTO - Ngày 16-3, những khoản đóng góp sớm nhất từ bạn đọc hảo tâm và doanh nghiệp đã được gửi đến quỹ hỗ trợ bà con vùng hạn mặn của Tuổi Trẻ.

Người dân Tiền Giang xếp hàng nhận nước ngọt miễn phí - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Cùng lúc này, bà con nhiều khu vực ở Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng… đang gồng mình vượt qua những ngày tháng nước vo gạo, nấu ăn cũng thiếu.
Của ít lòng nhiều
Ngày 16-3, chị Huỳnh Trần Kim Oanh nhà ở đường Tôn Đản, Q.4, TP.HCM là người đầu tiên đến báo Tuổi Trẻ để gửi góp 5 triệu đồng cho chương trình.
Chị Oanh chia sẻ: đây là số tiền ba mẹ con chị góp chung, hai con (học lớp 10 và lớp 7) mỗi người góp 1 triệu đồng từ tiền lì xì tết. "Từ hôm báo chí đưa tin về hạn mặn ở miền Tây và nỗi khổ vì thiếu nước ngọt, tôi đã muốn góp chút tấm lòng đến bà con ở đó nhưng chưa biết gửi cách nào.
Sáng nay đọc báo thấy Tuổi Trẻ bắt đầu tiếp nhận đóng góp, tôi đến đây gửi số tiền nhỏ này. Của ít lòng nhiều, mẹ con tôi mong muốn có thể góp một chút giải quyết khó khăn trước mắt về nước sạch ăn uống hằng ngày cho bà con" - chị nói.
Chị Oanh cũng bày tỏ: "Tuần trước báo Tuổi Trẻ có đăng câu chuyện một người hảo tâm ở TP.HCM đã đầu tư hệ thống máy lọc nước mặn thành nước ngọt tặng bà con ở huyện Chợ Lách, Bến Tre. Gia đình tôi cũng có ý định như vậy, chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm thông tin để làm như vậy nhằm chia sẻ nước ngọt cho bà con dài lâu hơn".
Chung tay để có thêm nhiều hồ chứa nước ngọt
"Người dân các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang… gần như đã quá sức chịu đựng với tình trạng thiếu nước ngọt kéo dài từ sau Tết Nguyên đán tới nay.
Doanh nghiệp chúng tôi mong đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ, chung tay góp phần giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ bà con miền Tây vượt qua thiên tai hạn mặn này" - ông Philippe Richart, tổng giám đốc ximăng INSEE Việt Nam, chia sẻ về lý do công ty đồng hành với báo Tuổi Trẻ trong chương trình này.
Theo đó, phía công ty sẽ ủng hộ 500 triệu đồng tiền mặt để mua các máy lọc nước và bồn chứa nước trang bị cho các hộ dân tại 5 tỉnh hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn mặn là Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và Cà Mau.
Ngoài ra, phía công ty còn ủng hộ 500 tấn ximăng để xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đập ngăn mặn, cống ngăn mặn. INSEE cũng muốn hỗ trợ cho những hộ dân nghèo trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn mặn để họ có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố hơn ứng phó với sự ảnh hưởng từ môi trường.
Tổng kinh phí công ty góp cho chương trình ước tính khoảng 1,5 tỉ đồng (tiền mặt, vật liệu và chi phí vận chuyển ximăng về đến địa phương).

Ông Philippe Richart - Tổng Giám Đốc xi măng INSEE Việt Nam
“Vấn đề hạn mặn của Đòng bằng sông Cửu Long nói chung và hệ thống sông Mekong, tôi cho rằng đó là một siêu thách thức dài hạn đối với người dân trong khu vực. Ngoài đại dịch COVID-19 toàn cầu đang đối mặt, người dân miền Nam Việt Nam còn phải gồng mình chống chọi hạn mặn.
Do đó, chúng tôi mong muốn được chung tay góp phần giảm thiểu thiệt hại từ hạn mặn cùng bà con”, ông Philippe Richart, Tổng Giám Đốc xi măng INSEE Việt Nam chia sẻ về lý do công ty này đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ.
Thiếu nước, sao mà sống nổi!
Sáng 16-3, nghe tin có đoàn từ thiện cho nước ngọt đầu lộ cái, ông Trần Văn Đấu (69 tuổi, ngụ xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) định xách can đi lấy nước nhưng nghĩ đến cảnh bà con xếp hàng dài chờ đến lượt và lượng có hạn nên ông lại thôi.
"Nhịn ăn vài ngày thì được chứ thiếu nước một ngày sao mà sống nổi!". Ông Đấu vừa nói vừa xách hai can lên xe máy đi TP Bến Tre, cách nhà 10km để lấy nước ngọt. Ông Đấu cho biết sống mấy chục năm nay chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt như lúc này. Trước đây, nước có mặn cũng khoảng tuần lễ sau tết rồi thôi.
"Nhưng năm nay, trước tết nước đã mặn lè. Chưa kịp bít cống để giữ nước ngọt trong mương thì nước mặn đã tràn vào, không thể cứu vãn", ông Đấu nói.
Ở Bến Tre, trước đây tình trạng khan hiếm nước ngọt chỉ xảy ra ở những huyện giáp biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú thì năm nay, người dân Giồng Trôm (dù ở sâu trong đất liền) lại là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng xâm nhập mặn.
Ai ngờ ở nơi xa biển vậy mà nước mặn lại bủa vây rất sớm và kéo dài cả 2, 3 tháng trời. Nhiều người còn khó khăn hơn, ngoài nguồn nước sinh hoạt hằng ngày còn phải chạy nước từng bữa cho gia súc, gia cầm.
Bạn đọc NGUYỄN CHÂU THÀNH (Bến Tre)
-
TTO - Mỹ đã tiến hành cuộc không kích ở Syria ngày 25-2. Hai nguồn tin nói với Reuters rằng cuộc tấn công nhắm vào một cấu trúc thuộc nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn, nhằm phản ứng với các cuộc tấn công rocket nhắm vào phía Mỹ.
-
TTO - Chương trình Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19 được phát động trên báo ngày 25-2-2021 tạo thêm một chiếc cầu nối để cộng đồng chung tay góp sức để người Việt Nam có thể được tiêm phòng sớm nhất.
-
TTO - "Không hiểu con có bị ma nhập hay không mà nó lại hành xử như vậy?" - một phụ huynh bàng hoàng thốt lên sau khi kể câu chuyện con mình hành xử với bà ngoại vì bà giằng điện thoại trong tay cháu để cháu tập trung ăn cơm.
-
TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25-2 khẳng định hoạt động trên Biển Đông của các quốc gia cần phải đóng góp vào mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
-
TTO - Từng là thủy thủ, có thời gian 27 năm sống ở Mỹ và có dịp được đi du thuyền, ông Năm Cao về quê Vĩnh Long làm nghề nuôi lươn và bỏ 5 tỉ đồng cả đời tích cóp để xây căn ‘nhà du thuyền’, hiện thực hóa niềm đam mê.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận