27/08/2020 10:09 GMT+7

Chi viện rút, Đà Nẵng ứng phó ra sao?

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Trong những ngày tới, đội ngũ y tế cả nước chi viện cho Đà Nẵng sẽ rút dần, Đà Nẵng phải tự lực để ứng phó với các ca COVID-19 trong giai đoạn tới.

Chi viện rút, Đà Nẵng ứng phó ra sao? - Ảnh 1.

Cháu bé bệnh nhân COVID-19 hai tháng tuổi được điều trị khỏi và ra viện trong chiều 26-8 - Ảnh: QUỲNH CHUNG

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, sau khi Bệnh viện Đà Nẵng được gỡ bỏ lệnh cách ly sẽ gia tăng đáng kể năng lực khám chữa bệnh. "Đây sẽ là nguồn nhân lực đóng vai trò chủ chốt cho giai đoạn sắp tới, vừa điều trị COVID-19 vừa lo chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố" - bà Yến nói.

"Gánh" cùng lúc 4 nơi

Theo bà Yến, thời gian sắp tới khi lực lượng y tế dần khỏi Đà Nẵng, việc điều trị các ca mắc COVID-19, mà nhất là các ca nặng, sẽ giao lại cho nhân lực ở Bệnh viện Đà Nẵng. Lực lượng này sẽ phụ trách khu hồi sức tích cực ở 4 cơ sở gồm Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn và tại bản doanh. 

"Đây sẽ là áp lực lớn cho Bệnh viện Đà Nẵng trong những ngày tới, vì khi lực lượng y tế rút dần khỏi các tỉnh miền Trung thì gần như tất cả các ca nặng của vùng lân cận cũng sẽ về đây để điều trị" - bà Yến lo lắng.

Điều may mắn là Đà Nẵng đã thấy được ánh sáng cuối đường hầm khi xu hướng gần đây bệnh nhân ra viện ngày càng nhiều, số bệnh nhân phải hồi sức tích cực cũng giảm. Ngành y tế địa phương này đã tính đến việc làm gọn lại hệ thống điều trị COVID-19 đang có quy mô hơn 300 giường. 

"Tất cả đều hướng tới mục tiêu làm sao cho Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện có có quy mô lớn nhất của thành phố sạch nhất, không còn ca liên quan đến COVID-19 mà chỉ tập trung đều trị các bệnh thông thường"- bà Yến nói.

Xây dựng văn hóa phòng chống COVID-19

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Đức Nhân - giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết việc bệnh viện đã chia ra các giai đoạn hoạt động cụ thể trong những ngày tới. Cụ thể trong giai đoạn một đến ngày 28-8, bệnh viện sẽ tạm thời không tiếp bệnh nhân để hoàn thiện các công trình cải tạo thông khí và tập huấn chuyển đổi mô hình chăm sóc toàn diện. 

Trong hai tuần tiếp theo sẽ nhận người bệnh cấp cứu nặng, người bệnh suy thận chạy thận nhân tạo chu kỳ, triển khai hoạt động phẫu thuật và can thiệp cấp cứu. Giai đoạn ba sẽ từng bước mở các bàn khám chuyên khoa, điều trị bệnh nhân nội trú, phục vụ cho mọi đối tượng. Cuối cùng triển khai thêm hoạt động phẫu thuật chương trình.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, sau hơn một tháng, khó khăn đã từng bước được tháo gỡ, Đà Nẵng đã kiểm soát được tình hình nhưng bối cảnh hiện nay việc phòng chống dịch không được phép tạm dừng.

Bà Yến cũng cho biết thành phố đang xây dựng một chiến lược rõ ràng trong việc phòng chống dịch để đạt cùng lúc 2 mục tiêu kép như Thủ tướng chỉ đạo. Cụ thể trong bối cảnh Đà Nẵng, trước mắt mọi người phải đồng lòng trên trận địa chống giặc để đi qua giai đoạn cách ly xã hội khó khăn này. 

Giai đoạn tiếp theo, từng ngành phải xây dựng "văn hóa phòng chống COVID" bằng cách thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng dịch tại từng cơ sở như trường học, bệnh viện, giao thông, cơ sở làm việc...

Chỉ số an toàn là sống còn

Bà Yến cho rằng việc lây nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện Đà Nẵng là bài học xương máu mà Đà Nẵng chắc chắn sẽ không để lặp lại. Tất cả các bệnh viện phải xem chỉ số an toàn COVID-19 là tiêu chí sống còn của bệnh viện. Sở Y tế sẽ kiểm tra từng nội dung, nếu trong thời gian tới các bệnh viện không đạt được những tiêu chí sẽ buộc phải đóng cửa bệnh viện vì "an toàn là trên hết".

31 bệnh nhân COVID-19 xuất viện cùng lúc tại Đà Nẵng 31 bệnh nhân COVID-19 xuất viện cùng lúc tại Đà Nẵng

TTO - Bệnh viện dã chiến Hòa Vang cho ra viện cùng lúc 31 bệnh nhân COVID-19. Đây là lần công bố khỏi bệnh cùng lúc nhiều bệnh nhân nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: COVID Đà Nẵng covid-19