17/01/2025 08:46 GMT+7

Chi trả cho chụp chiếu, siêu âm không in phim nhiều lợi ích, bao giờ?

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một giám đốc bệnh viện ở Hà Nội cho hay đang 'số hóa' các dịch vụ của bệnh viện, đầu tư ban đầu lớn quá nhưng phần chi phí công nghệ thông tin, trong đó có chụp chiếu, siêu âm không in phim lợi ích lại chưa được tính vào giá.

Chi phí cho bệnh án không phim, bao giờ? - Ảnh 1.

Bệnh nhân xếp hàng chờ, tìm kiếm phim chụp cộng hưởng từ - Ảnh: D.LIỄU

Trong đó, thuê phần mềm PACS (in và lưu trữ các hình ảnh chụp X-quang, CT, siêu âm) rất tiện và nhiều lợi ích nhưng bệnh viện chụp xong lại không được trả phí như in phim khiến bệnh viện chịu thiệt thòi.

Không còn lỉnh kỉnh túi đựng phim

Tháng 8-2024, chị Hoàn (40 tuổi) đưa con nhỏ đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) khám do cháu bé bị ngã dẫn đến đa chấn thương. Theo chỉ dẫn của bác sĩ, chị đưa con đến các phòng chụp X-quang, cắt lớp vi tính chụp chiếu.

Chị Hoàn kể sau khi chụp chiếu, chị được hướng dẫn không cần lấy phim in mà có thể đưa trẻ về phòng cấp cứu. "Kết quả chụp sẽ được lưu trữ và truyền tải đến bác sĩ hội chẩn mà không cần lấy phim in nhựa như trước đây, rất nhanh và tiện", chị Hoàn nói.

Ngay sau đó, con chị được bác sĩ chẩn đoán qua hình ảnh chụp phim trên màn hình và được cấp cứu kịp thời. "Bình thường người nhà phải chờ để lấy kết quả phim rồi mới đem cho bác sĩ xem. Giờ không cần chờ phim in, không mất thời gian chờ đợi, việc cấp cứu cũng nhanh hơn", chị Hoàn chia sẻ.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trước đây khi chuyển bệnh nhân xuống khoa thường phải mất thời gian để lấy các kết quả chụp chiếu, xét nghiệm. "Nhờ có công nghệ, các bác sĩ có thể xem được ngay toàn bộ kết quả phim chụp của bệnh nhân, đưa ra được hướng xử trí nhanh, không cần phải chờ đợi, hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều.

Phần mềm lưu trữ hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) cho kết quả rõ nét hơn, giúp bác sĩ có thể zoom vào, zoom ra hay lật, làm đậm nhạt hình ảnh để phát hiện những tổn thương..., hỗ trợ chuyên môn cho bác sĩ rất nhiều", vị này chia sẻ.

Nhiều lợi ích, nhưng...

Hiện nay nhiều bệnh viện đã sử dụng bệnh án không phim, tiết kiệm hàng tỉ đồng tiền phim và phí lưu trữ, chưa kể giảm ảnh hưởng môi trường. Thay vào đó, họ thuê/mua, duy trì, nâng cấp hệ thống PACS để lưu trữ các dữ liệu này.

Thế nhưng hiện nay các cơ sở sử dụng bệnh án không phim lại không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả đầy đủ. Với những dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, quỹ bảo hiểm y tế sẽ bỏ phần chi trả phí mua phim, chỉ thanh toán phần chi phí khác.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội cho hay về nguyên tắc, bảo hiểm y tế vẫn thanh toán chi phí các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, đối với bệnh viện sử dụng bệnh án không phim sẽ bỏ phần chi phí mua phim. Trong khi đó, bệnh viện phải thuê, mua phần mềm hàng tỉ đồng lại không được tính vào cơ cấu giá, gây khó cho bệnh viện.

"Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung đã nâng cao quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm đưa các chi phí công nghệ thông tin vào cấu phần giá.

Cần có chi phí rõ ràng cho bệnh án không in phim và bệnh án in phim để các bệnh viện có tiền chi trả cho công nghệ thông tin. Từ đó bệnh viện mới có nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, người được lợi chính là người bệnh", vị này nói.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội hiện vẫn sử dụng bệnh án in phim cho bệnh nhân. Theo lãnh đạo bệnh viện, do chưa có cơ cấu giá của bệnh án không in phim, nhiều bệnh viện vẫn sử dụng phim in để đỡ thiệt thòi.

Cũng theo lãnh đạo bệnh viện này, tùy từng loại phim sẽ có giá khác nhau. Mỗi năm bệnh viện chi 5-6 tỉ đồng mua phim và in phim, trong khi dùng PACS chỉ tốn khoảng 1 tỉ đồng, thuận lợi hơn cho người bệnh, bác sĩ, giảm rác thải ra môi trường, nhưng đầu tư mà không thu được thì bệnh viện lại không có nguồn tài chính để triển khai.

Đã thanh toán chụp chiếu không in phim với 26 bệnh viện

Năm 2020, sau khi thực hiện Đề án thí điểm các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thực hiện trên hệ thống PACS, Bộ Y tế đã có văn bản cho biết có 26 bệnh viện dùng PACS - chụp chiếu không in phim được áp dụng mức giá như có in phim, giá được cấp có thẩm quyền ban hành giá.

Đồng thời, phần chênh lệch giữa chi phí in phim và chi phí triển khai hệ thống PACS (nếu có) đơn vị được sử dụng để đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các kỹ thuật về chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm của đơn vị không sử dụng để tái đầu tư hệ thống PACS và chi thu nhập tăng thêm.

Mức giá này được áp dụng đến thời điểm Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thực hiện trên hệ thống PACS theo quy định.

Bệnh viện Đa khoa nông nghiệp là một trong 26 bệnh viện được áp dụng bệnh án không in phim.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Hà Hữu Tùng, giám đốc Bệnh viện Đa khoa nông nghiệp, cho hay bệnh viện đã thực hiện bệnh án không in phim từ năm 2020, được bảo hiểm xã hội thanh toán các chi phí theo giá có in phim theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Tùng, việc thanh toán chi phí cho dịch vụ kỹ thuật không in phim đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện đầu tư phát triển khoa học công nghệ, bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số.

"Mặc dù vậy, hiện nay chi phí dịch vụ y tế chưa tính cấu phần giá công nghệ thông tin cũng khiến bệnh viện khó khăn trong việc đầu tư phát triển chuyển đổi số. Trong khi đó, hầu hết các bệnh viện đã tự chủ tài chính. Mong rằng sẽ sớm có điều chỉnh giá dịch vụ y tế đầy đủ cấu phần để các bệnh viện có nguồn lực để tiếp tục phát triển", ông Tùng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bộ Y tế đến nay vẫn chưa ban hành giá của các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thực hiện trên hệ thống PACS.

Điều này cũng khiến các bệnh viện chưa "mặn mà" đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Nếu có giá, các bệnh viện chuyển sang không in phim, chi phí chụp chiếu sẽ giảm, người bệnh và bệnh viện cùng được lợi, giảm rác thải, bảo vệ môi trường.

Chi phí cho bệnh án không phim, bao giờ? - Ảnh 2.Người bệnh không nhận phim CT, X-quang giảm chi phí nhưng bệnh viện không được trả tiền, vì sao?

Phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế, lưu trữ và truyền tải hình ảnh chụp CT, X-quang, siêu âm, cộng hưởng từ... đang được ứng dụng tại nhiều bệnh viện cả nước, giúp giảm hàng trăm tỉ/năm nhưng bệnh viện đang kêu, vì sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên