24/11/2020 08:26 GMT+7

Chụp chiếu không in phim

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Phim chụp khi bệnh viện chẩn đoán hình ảnh là vật liệu rất quen thuộc với mọi người bệnh, mọi bác sĩ, mọi bệnh viện, giờ đây vật liệu này có thể được thay thế, giúp bảo vệ môi trường.

Chụp chiếu không in phim - Ảnh 1.

Bác sĩ đọc phim chụp X-quang của bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đã có 23 bệnh viện trong số 1.400 bệnh viện cả nước đang thực hiện dịch vụ chụp X-quang, CT, cộng hưởng từ không in phim, thay vào đó là sử dụng phần mềm để xem, đánh giá, chẩn đoán, trao đổi về ca bệnh trên máy tính, điện thoại hoặc màn hình chuyên dụng.

Phim chụp khi bệnh viện chẩn đoán hình ảnh là vật liệu rất quen thuộc với mọi người bệnh, mọi bác sĩ, mọi bệnh viện, giờ đây vật liệu này có thể được thay thế, giúp bảo vệ môi trường.

Chụp chiếu không in phim

Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ là một trong những bệnh viện đang áp dụng phần mềm lưu trữ và bảo tồn hình ảnh. Một đại diện bệnh viện cho hay từ khi không in phim mà thay thế bằng hình thức này, áp lực phải lưu trữ phim giảm đi rất nhiều. 

Thông thường lý thuyết là phim chụp X-quang sau 100 năm sẽ tiêu hủy, nhưng thực tế chất lượng hình ảnh chỉ có thể dùng trong 6 tháng, sau đó hoặc rất mờ, hoặc không sử dụng được do những biến chuyển của bệnh nên sử dụng lại phim là rất hiếm.

Bệnh viện ngày nào cũng chụp phim, số lượng phim lưu trữ rất lớn và phải có cả kho để lưu, nếu phim "bền" trong 100 năm thì sau một số năm bệnh viện lại phải hủy phim, lại ảnh hưởng đến môi trường. 

Theo tính toán của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, chi phí để mua phim chụp mỗi năm của các bệnh viện ở Việt Nam là khoảng 2.000 tỉ đồng. Nếu thay thế hình thức này thì 2.000 tỉ đồng đó có thể chuyển sử dụng loại dịch vụ mới tương tự nhưng hiệu quả tốt hơn, trong đó có hiệu quả bảo vệ môi trường.

Ông Trần Quý Tường, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết năm 2015 Bộ Y tế đã cho phép gia hạn chương trình này, với 10 bệnh viện thực hiện dịch vụ chụp chiếu không in phim mà sử dụng phần mềm lưu trữ và bảo tồn hình ảnh. Đến nay, chương trình đã mở rộng và có 23 bệnh viện thực hiện.

"Bảo hiểm y tế đang chi trả cho mỗi phim chụp X-quang 27.000 đồng, trong khi nếu sử dụng phần mềm để lưu trữ và bảo quản hình ảnh, qua khảo sát tại các bệnh viện thì chi phí từ 11.000-25.000 đồng/phim, tuy nhiên vì vướng mắc liên quan đến mức giá này nên chưa nhiều bệnh viện áp dụng"- ông Tường chia sẻ.

Theo ông Tường, mức phí 11.000-25.000 đồng này thấp hơn giá in phim hiện được bảo hiểm chi trả, nhưng chuyên gia chẩn đoán hình ảnh cho biết nếu không in phim và dùng hình thức lưu trữ hình ảnh chụp chiếu trên phần mềm, thì cần sử dụng màn hình đọc phim chuyên dụng chất lượng và hiệu quả đọc mới tốt, nếu chỉ đọc trên màn hình máy tính/điện thoại thông thường thì có thể bỏ sót bệnh. 

Nhưng đầu tư màn hình chuyên dụng khá cao nên chuyên gia đề nghị mức chi trả cho dịch vụ chụp chiếu không in phim bằng với dịch vụ có in phim, thậm chí như ở Hàn Quốc dịch vụ không in phim được trả cao hơn 20% so với phí dịch vụ in phim. Vì mức chi trả này chưa thống nhất nên dù "hay thì có hay", mới có 23 bệnh viện áp dụng.

Có thể mở ra 200 bệnh viện

Theo lộ trình Bộ Y tế công bố, đến 2023 tất cả các bệnh viện từ hạng 1 trở lên phải áp dụng bệnh án điện tử thay thế hình thức bệnh án giấy, nhưng nếu muốn thực hiện được lộ trình này thì phải tham gia loại dịch vụ chụp chiếu không in phim, vì không thể phim chụp chẩn đoán hình ảnh vẫn in như bình thường, còn các thông tin khác của bệnh nhân lại là điện tử.

Hiện tại, các bệnh viện được xếp từ hạng 1 trở lên là khoảng 200 bệnh viện, nhưng nếu có mức giá phù hợp thì bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh cũng đều thực hiện được dịch vụ chụp chiếu không in phim. 

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hiện bộ đang tính toán giá thành, dự kiến tháng 12 tới đây sẽ hoàn tất, từ đó sẽ có mức giá với dịch vụ này để bệnh viện thấy ưng ý, mà phía bảo hiểm cũng hài lòng!

Công nghệ thông tin hiện đang được mở ra khá mạnh trong lĩnh vực y tế. Nhưng có những điểm vẫn còn đang chậm, như liên thông giữa các bệnh viện. Bệnh viện A chụp phim, xét nghiệm, bệnh nhân chuyển sang bệnh viện B lại chụp phim, xét nghiệm... 

Nếu sử dụng phần mềm không in phim, liên thông giữa các bệnh viện sẽ dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân.

Tuy nhiên có một chút vướng nho nhỏ là hiện nay mức chi cho công nghệ thông tin trong giá thành dịch vụ y tế chưa đáng kể, có nơi chỉ tính khoảng 0,3% trên phí dịch vụ, nhưng nếu được mức 3% thì hiệu quả sẽ tốt hơn và có nhiều dịch vụ sẽ thay đổi hoàn toàn, trong đó có dịch vụ rất quen như đi chụp chiếu thì lúc về được cầm thêm phim chụp. Giờ đây, điều này có thể sẽ thay đổi.

Người bệnh không cần chờ lấy kết quả

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Chí Ngọc và cộng sự ở Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM và Trung tâm y khoa Medic Hòa Hảo, cho thấy kết quả truyền và nhận, chất lượng hình ảnh trên các thiết bị tương tác như điện thoại, máy tính bảng, máy tính... đều rất tốt, người bệnh không phải chờ lấy kết quả.

TP.HCM có thêm bệnh viện chụp PET/CT phát hiện ung thư giai đoạn sớm TP.HCM có thêm bệnh viện chụp PET/CT phát hiện ung thư giai đoạn sớm

TTO - Việc áp dụng kỹ thuật PET/CT của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mở ra cơ hội cho người bệnh được chẩn đoán và điều trị đúng căn bệnh ung thư.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên