22/12/2020 08:31 GMT+7

Chỉ thị 19 sẽ hiệu quả hơn

QUANG ĐỈNH ghi
QUANG ĐỈNH ghi

TTO - Sau thời gian theo dõi diễn đàn "Không xả rác, sao quá khó", đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết đã tiếp thu các nội dung góp ý và đề xuất một số nội dung để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền chỉ thị 19.

Chỉ thị 19 sẽ hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Đoàn thanh niên quận Thủ Đức ra quân dọn dẹp rác tại các bãi đất trống trên địa bàn - Ảnh: LÊ PHAN

Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM quan tâm các nội dung liên quan đến: ý thức của người dân về việc thải bỏ chất thải; hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, chế tài trong công tác bảo vệ môi trường.

Các nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của việc triển khai chỉ thị 19 không chỉ liên quan đến ý thức người dân, công tác kiểm tra, xử phạt, thời gian thu gom chất thải rắn sinh hoạt mà còn liên quan đến công tác tuyên truyền, giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước...

Bên cạnh đó, do tình hình điều kiện thực tế giữa Việt Nam và các nước phát triển có khác nhau nên cũng khá khập khiễng khi so sánh giữa TP.HCM với các nước châu Âu trong triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM đề xuất một số nội dung để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền chỉ thị 19:

Sở Tài nguyên và môi trường đã có công văn số 11163/STNMT-CTR ngày 11-12-2020 trình UBND TP, trong đó kiến nghị UBND TP giao sở ngành, UBND quận, huyện triển khai một số giải pháp để đạt được mục tiêu "vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch" như sau:

- Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương với các hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng các giải pháp tăng cường sự tham gia của công nhân và người lao động trong các phong trào, sự kiện, hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động và thiết lập hệ thống tái chế để phục vụ người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 nhóm (nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại) để phù hợp với công nghệ xử lý và định hướng của thành phố.

- Tăng cường trách nhiệm của quận, huyện, quận ủy, huyện ủy trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

- Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băngrôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa...dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm, sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.

Phạt xả rác qua camera còn nhiêu khê

Trao đổi với Tuổi Trẻ về quy trình xử lý hành vi xả rác tại địa phương, ông Nguyễn Thế Dũng - chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp - cho biết về quy trình xử phạt có hai trường hợp sau:

1- Đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, phường nhận được phản ảnh của người dân sẽ cử cán bộ đến hiện trường bắt quả tang hành vi xả rác và lập biên bản. Việc này được sự chứng kiến của nhiều phía, từ khu phố, người dân, công an khu vực và UBND phường.

2- Thông qua hệ thống camera, phường sẽ nắm lại quy luật hoạt động của các đối tượng hay bỏ rác nơi công cộng và tổ chức theo dõi để bắt quả tang hành vi trên. Đối với người vi phạm lần đầu phường sẽ yêu cầu dọn sạch chỗ rác tại vị trí người đó vừa bỏ, không cần biết bao nhiêu người đã từng bỏ. Hình thức này để răn đe người dân không tái phạm nữa. Trường hợp với người nhiều lần xả rác, phường sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt.

Về việc trích xuất camera để "phạt nguội", ông Nguyễn Thế Dũng cho biết vẫn còn rất nhiêu khê: "Việc này chỉ khả quan ở quy mô cấp quận, thành phố. Đối với cấp phường, hệ thống camera không phải cái nào cũng rõ nét để thấy biển số xe, mặt người vi phạm. Nếu thấy cũng khó tra được địa chỉ, tên tuổi người vi phạm do người xả rác thường từ nơi khác tới bỏ rồi rời đi. Ở cấp phường, việc này thật sự không khả thi, chủ yếu anh em vẫn phải túc trực các điểm nóng để bắt quả tang".

L.P.

Diễn đàn Không xả rác, sao quá khó?: Sao Phú Mỹ Hưng lúc nào cũng sạch? Diễn đàn Không xả rác, sao quá khó?: Sao Phú Mỹ Hưng lúc nào cũng sạch?

TTO - Cùng trong một thành phố nhưng tại sao Phú Mỹ Hưng lúc nào cũng sạch sẽ, không thấy rác xả bừa bãi? Đó là câu hỏi mang tính so sánh mà không ít người đặt ra khi có dịp đi vào khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM).

QUANG ĐỈNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên