18/03/2023 17:56 GMT+7

Chỉ tập trung hỏi về kế hoạch thai sản, nhà tuyển dụng có đang phân biệt đối xử với ứng viên nữ?

Hai phần ba thời gian phỏng vấn, nhà tuyển dụng chỉ tập trung hỏi về kế hoạch thai sản mà bỏ qua các câu hỏi về thông tin cá nhân, học vấn, kinh nghiệm làm việc của ứng viên nữ.

Chỉ tập trung hỏi về kế hoạch thai sản, nhà tuyển dụng có đang phân biệt đối xử với ứng viên nữ? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến kế hoạch sinh con khi phỏng vấn tuyển dụng - Ảnh chụp màn hình: New York Times

Chỉ chăm chăm hỏi về kế hoạch sinh con

Phạm Quỳnh Anh (30 tuổi, TP.HCM) ứng tuyển vào vị trí chuyên viên tài chính cấp cao của một doanh nghiệp lớn có niêm yết về ngành xây dựng. Cô gái được đánh giá cao về trình độ học vấn và kinh nghiệm, lập tức được chấp thuận thử việc ngay sau buổi phỏng vấn đầu tiên. Quỳnh Anh được yêu cầu tham dự buổi phỏng vấn thứ hai với nhân sự để trao đổi về lương, nội quy và chế độ phúc lợi.

"Rất nhiều câu hỏi cá nhân trong thì tương lai. Tôi không muốn và cũng không thể trả lời được như chuyện kết hôn rồi sao chưa sinh con dù đã đến tuổi sinh sản, khi nào định sinh con, sinh mấy con… Họ yêu cầu tôi ký cam kết trong 3 năm tới đây sẽ tạm dừng lại kế hoạch sinh con. Tôi đã trả lời rằng bản thân sẽ tuân thủ quy định của công ty, luật lao động và đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc", Quỳnh Anh thuật lại.

Công ty không phản hồi về kết quả tuyển dụng. Một tháng sau đó, Quỳnh Anh bỗng nhận được điện thoại của lãnh đạo cấp cao đã phỏng vấn cô trong buổi đầu tiên, hỏi vì sao vẫn chưa đi làm. Tuy nhiên, cô đã từ chối lời mời làm việc của lãnh đạo cấp cao ngay cả khi phía nhà tuyển dụng chấp thuận mức lương mà cô đề xuất.

"Tôi không thấy thoải mái khi phải cam kết về kế hoạch sinh sản. Thay vì là một chuyện ý nghĩa và thiêng liêng, một số nhà tuyển dụng lại dùng điều này để đánh giá và hạn chế cơ hội của ứng viên nữ. Mặc dù sẽ có thay đổi về sức khỏe và thời gian gián đoạn trong công việc, nhưng tôi tin rằng phòng ban sẽ có thể sắp xếp với nhau. Tôi không phải người phụ nữ đầu tiên tới độ tuổi sinh sản thay đổi việc làm", Quỳnh Anh cho biết.

Tương tự, Trần Anh Thư (27 tuổi, TP.HCM) liên tục nhận được câu hỏi về kế hoạch thai sản trong suốt hơn một nửa thời gian phỏng vấn tại một công ty tài chính.

"Tôi tham dự phỏng vấn tại 3 công ty thì cả 3 chỉ chăm chăm hỏi về kế hoạch thai sản. Trong đó, một công ty vừa vào phỏng vấn là hỏi luôn. Điều này làm tôi thực sự ám ảnh. Tôi chưa bao giờ nghĩ lao động nữ lại phải đứng giữa lựa chọn hạnh phúc gia đình và sự nghiệp, trong khi ở thời đại này rất nhiều người có thể tự tin làm tốt cả hai", Anh Thư thắc mắc.

Cũng phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử về giới tính, tình trạng hôn nhân, thai sản trong lao động, Linh Huyền (29 tuổi, TP.HCM) phải nhận một lời từ chối từ nhà tuyển dụng.

"Sau khi vượt qua 3 vòng phỏng vấn và tôi được chủ tịch của một công ty chứng khoán chấp thuận, họ lại quyết định chọn một ứng viên nam khác. Lời giải thích mà tôi nhận được là nam giới không bị ảnh hưởng bởi việc sinh sản, chăm sóc con cái. Tôi không nghĩ rằng một doanh nghiệp ở thế kỷ 21 vẫn còn quan niệm phân biệt đối xử như vậy. Họ cũng có mẹ, có vợ, chị em, bạn bè là nữ giới mà?", Linh Huyền nói.

Hỏi về kế hoạch sinh sản - không nên và không được

Theo báo cáo của cổng thông tin tuyển dụng Zhaopin, trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, 61,1% lao động nữ được hỏi về tình trạng hôn nhân hoặc kế hoạch sinh con, trong khi chỉ có 21,5% nam giới gặp phải câu hỏi như vậy. Khoảng 23% phụ nữ nói họ bị hạn chế cơ hội thăng tiến vì đang ở độ tuổi kết hôn và sinh con.

Luật bảo vệ phụ nữ sửa đổi năm 2023 của Trung Quốc đang nỗ lực xóa bỏ định kiến về phân biệt giới tính trong tuyển dụng, đào tạo, đánh giá chức danh, chuyên môn, đề xuất thăng tiến và chế độ phúc lợi. Theo đó, nhà tuyển dụng sẽ không được quyền hỏi hoặc điều tra về tình trạng hôn nhân, con cái của phụ nữ khi xin việc, hoặc yêu cầu thử thai như một hạng mục kiểm tra sức khỏe đầu vào.

Theo GTM Payroll Services - một công ty hàng đầu tại Mỹ chuyên tư vấn về các giải pháp quản lý nguồn lực, nhà tuyển dụng không nên và không được phép hỏi về thông tin sức khỏe cá nhân của ứng viên, nhân viên cho đến khi họ chủ động trao đổi hoặc xin nghỉ phép theo Đạo luật nghỉ phép vì lý do gia đình và y tế.

Phân biệt đối xử khi mang thai tại nơi làm việc đã bị coi là bất hợp pháp trong nhiều thập kỷ kể từ khi Đạo luật về phân biệt đối xử khi mang thai được thông qua vào năm 1978. Luật này là bản sửa đổi của Đạo luật dân quyền liên bang năm 1964, nghiêm cấm các doanh nghiệp quyết định tuyển dụng dựa trên kế hoạch mang thai. Điều này áp dụng cho tất cả các khía cạnh của lao động, bao gồm tuyển dụng và sa thải, trả lương, phân công công việc, thăng chức, đào tạo, phúc lợi...

Howes Percival, một công ty luật hàng đầu tại Anh, cảnh báo các nhà tuyển dụng về việc phân biệt đối xử với ứng viên vì lý do giới tính hoặc kế hoạch sinh con là bất hợp pháp tại quốc gia này.

Luật sư Paula Bailey của Hãng luật Howes Percival cho biết, tại Anh, các nhà tuyển dụng không được phép hỏi ứng viên về tình trạng hôn nhân, chuyện con cái, kế hoạch mang thai sinh con, chủng tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, khuynh hướng tình dục hay chuyển đổi giới tính…

Tại Việt Nam, việc yêu cầu người lao động hoặc ứng viên nữ ký văn bản cam kết không sinh con trong một thời gian nhất định là không có giá trị pháp lý. Điều này đã vi phạm đến quyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình của công dân tại Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11.

"Nhiều lĩnh vực rất thiếu nhân tài, trong đó bao gồm cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Họ có những năng lực, kỹ năng quan trọng để đảm nhiệm công việc. Những doanh nghiệp có cái nhìn tiêu cực về phụ nữ mang thai hoặc không tuyển dụng phụ nữ có thể có kế hoạch thai sản thì thật sự thiển cận", Paula Bailey khẳng định.

Phạm Quỳnh Anh chia sẻ: "Một người phụ nữ có kế hoạch mang thai rõ ràng là người đang chủ động chuẩn bị tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, có ý thức rất rõ ràng về mục tiêu cuộc sống. Đó là động lực để họ nỗ lực làm việc tốt hơn, có trách nhiệm cao nhất và gắn bó với doanh nghiệp, bởi họ không sống cho riêng mình nữa. 

Hơn nữa, mang thai là một điều ý nghĩa, một hạnh phúc lớn, tâm trạng phụ nữ tốt hơn, thăng hoa, nhiều cảm hứng và sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật. Sự nhạy cảm, sức bền và linh hoạt của phụ nữ chính là một điểm mạnh".

Người mẹ nhờ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?Người mẹ nhờ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?

Tôi là nữ, hiện tại 28 tuổi, đã kết hôn. Do có vấn đề sức khỏe, tôi không thể mang thai nên vợ chồng tôi đã nhờ người mang thai hộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên