Một số tác phẩm của văn học Việt Nam
Cảm hứng luôn là một trong những điều quan trọng bậc nhất của những người làm nghệ thuật. Nó có ở mọi nơi trong cuộc sống thường nhật: những điều mắt thấy tai nghe, câu chuyện của cuộc đời chính mình, hay chỉ đơn giản là xem một bộ phim, đọc một quyển sách, nghe một giai điệu bất kì…
Trong đó, tìm đến các tác phẩm văn học là cách làm hiệu quả mà nhiều nghệ sĩ trẻ ngày càng ưa chuộng để có được cảm hứng quý báu, tạo nên những sản phẩm âm nhạc giá trị.
Truyện Kiều
Nếu vòng quay của cuộc sống giúp mọi thứ ngày càng trở nên hiện đại, thì đôi khi nó cũng làm băng hoại đi những giá trị truyền thống đẹp đẽ.
Do đó, việc tìm về quá khứ, lục lại đâu đó trong kho tàng văn học vô giá mà ông cha để lại rồi lấy những chất liệu cũ, làm mới chúng bằng tư duy âm nhạc hiện đại là việc làm không chỉ để tạo hit - mà còn là cách để giữ gìn và bảo vệ những giá trị truyền thống của giống nòi.
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác của văn học Việt Nam, đi vào tiềm thức của mọi tầng lớp dân chúng và trở thành nguồn cảm hứng đẹp đẽ trong sáng tác nghệ thuật.
Gần đây nhất, ca sĩ trẻ Jaykii đã thực hiện MV Sao em nỡ xây dựng câu chuyện gợi nhớ những trích đoạn đặc biệt trong truyện Kiều như: Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, hay Kim Trọng tìm Kiều...
MV Sao em nỡ - Jaykii
MV có sự đầu tư chỉn chu về bối cảnh, phục trang và tạo hình của hai nhân vật chính để tạo không khí thời đại xa xưa.
Những cảnh quay tuyệt đẹp ở vùng non nước Tràng An, Ninh Bình hoà cùng mối tình đẫm nước mắt của Thuý Kiều - Kim Trọng trong MV đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả.
Jaykii vào vai Kim Trọng trong MV Sao em nỡ
Trong chương trình Sing my song hai mùa liên tiếp, các thí sinh cũng mượn ý, tứ từ Truyện Kiều để sáng tác nhạc.
Cao Bá Hưng, quán quân mùa đầu tiên đã gây ấn tượng tốt với khán giả qua ca khúc Kiều cùng đàn nguyệt, kết hợp với âm nhạc điện tử để thể hiện sự cảm tác của mình cho số phận nàng Kiều.
Kiều - Cao Bá Hưng
Tiếp tục mùa thứ hai, Sa Huỳnh tạo dấu ấn với một cách nhìn khác về một nhân vật khác không phải Kiều, mà là Hoạn Thư - vợ của Thúc Sinh.
Bấy lâu nay, nói đến Hoạn Thư người ta thường nhớ đến một nhân vật tiêu biểu cho sự tàn bạo độc ác, ghen tuông cay nghiệt…
Nhưng với ca khúc của mình, Sa Huỳnh đã đưa ra một bình diện khác thuyết phục về nhân vật rằng vượt qua tất cả, Hoạn Thư chỉ đơn giản là người phụ nữ luôn muốn giữ hạnh phúc cho gia đình và danh dự của chồng.
Sa Huỳnh hát Hoạn Thư
Và hơn nữa, thói ghen tuông của nhân vật này suy cho cùng chỉ là một sự bản năng của đàn bà!
"Chồng chung ai dễ nhường ai cho dẫu không nỡ oán nhau. Người còn vẹn nguyên, lời thê khi xưa sao nỡ lãng quên? Gió trăng thay sắt son, ngọn đèn hắt bóng buồn kiếp cô phòng. Hờn ghe đến đây cũng đã tận… cõi lòng", lời trong ca khúc Hoạn Thư của Sa Huỳnh.
Tấm Cám - truyện cổ tích
Ngay từ khi mới được phát hành vào tháng 6-2016, ca khúc Bống bống bang bang, một sáng tác của nhạc sĩ Only C do nhóm 365 thể hiện lập tức đã trở thành hiện tượng nổi bật tại Vpop.
Bống bống bang bang được Only C sáng tác lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám, đây cũng chính là ca khúc chủ đề phim chiếu rạp Tấm Cám: Chuyện chưa kể do "đả nữ" Ngô Thanh Vân làm đạo diễn.
MV Bống bống bang bang - nhóm 365
Ca khúc đã khéo léo kể lại câu chuyện Tấm Cám bằng những giai điệu vui nhộn pha chút âm hưởng dân gian cùng ca từ đơn giản, dễ nghe, dễ thuộc.
Trong MV, bốn anh chàng điển trai của nhóm 365 khoác lên người những bộ trang phục truyền thống dựa trên tạo hình các nhân vật Tí, Dần béo, Mẹo... trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt quen thuộc của tuổi thơ.
Bốn chàng trai "tuổi thơ" nhóm 365
Giữa thị trường âm nhạc toàn những ca khúc nói về tình yêu gái trai thì Bống bống bang bang đã đem tới một làn gió mới với chủ đề hoàn toàn khác biệt.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây chính là một trong những sản phẩm có sức lan toả mạnh mẽ nhất Vpop với hơn 355 triệu lượt xem trên Youtube.
Bánh trôi nước - nữ sĩ Hồ Xuân Hương
MV Bánh trôi nước của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh là một sản phẩm chất lượng, vượt xa nhiều video ca nhạc hiện nay về cả phần nghe lẫn phần nhìn.
Hoàng Thùy Linh xinh đẹp như tiên nữ trong MV Bánh trôi nước
Lời bài hát được trích dẫn hoàn toàn từ bốn câu trong bài thơ Bánh trôi nước nổi tiếng của "bà Chúa thơ Nôm" - Hồ Xuân Hương.
Phần âm nhạc được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh thiết kế thành một bản EDM sôi động nhưng cũng không kém phần ma mị, gợi cảm.
MV Bánh trôi nước - Hoàng Thùy Linh
Về hình ảnh, sản phẩm này được quay tại các địa danh thắng cảnh của Việt Nam như Tràng An, Ninh Bình, Chùa Bái Đính, rừng Tân Lập.
Nội dung MV là phép ẩn dụ chính bản thân Hoàng Thuỳ Linh nói riêng và thân phận phụ nữ Á Đông nói chung qua hình ảnh chiếc bánh trôi nước, từ đó thể hiện sự tôn vinh thích đáng dành cho vẻ đẹp của người phụ nữ.
Những tưởng một bài thơ đã quá quen thuộc từ chương trình Ngữ văn lớp 7 thì khó có thể làm mới được.
Nhưng không, MV Bánh trôi nước là sản phẩm tiêu biểu cho sự kết hợp hoàn hảo giữa giá trị truyền thống và tư duy nghệ thuật của những người trẻ hiện đại. MV nhận được rất nhiều lời khen từ giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng.
Chí Phèo - Nam Cao
Chí Phèo, tuyệt tác trong cuộc đời cầm bút đầy những vết tích thương đau của Nam Cao đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận cho thế hệ sau, từ hội họa, phim ảnh, kịch cho đến âm nhạc.
Chí Phèo - Bùi Công Nam
Ca khúc Chí Phèo của Bùi Công Nam được đánh giá là một hiện tượng thú vị của làng nhạc Việt đầu năm 2017.
Không viết về nỗi đau hay bi kịch muốn được làm người lương thiện của nhân vật Chí Phèo, Bùi Công Nam nhắm vào chi tiết lãng mạn nhất, đẹp đẽ nhất và thi vị nhất trong truyện ngắn: tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở.
Cảnh Thị Nở nấu bát cháo hành cho Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy (1982)
Giai điệu tươi vui cùng ca từ lạc quan trong sáng tác của chàng trai trẻ Bùi Công Nam nhận được vô số lời khen trên mạng xã hội. Thậm chí, cho tới hiện tại sự thành công lớn của ca khúc này vô tình lại trở thành cái bóng quá lớn mà giọng ca Tự giác đi khó có thể vượt qua.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Nguyễn Nhật Ánh
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một sáng tác của Châu Đăng Khoa, được giọng ca trong trẻo, mong manh nhưng cũng rất đỗi tình cảm của Ái Phương thể hiện.
Nam nhạc sĩ từng chia sẻ trước báo giới anh viết ca khúc theo cảm xúc cá nhân sau khi đọc tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Truyện xoay quanh tuổi thơ nghèo khó của anh em Thiều và Tường ở vùng quê nghèo - nơi ấy đã kiến những rung động đầu đời của cả hai: tình cảm gia đình, tình anh em cũng như những lời đố kỵ, ghen tuông và cả những nỗi đau trong quá trình trưởng thành.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Ái Phương
Với cách mượn tứ đó, ca khúc của Châu Đăng Khoa giữ đúng tinh thần của truyện ngắn: man mác buồn nhưng cũng bình yên rất đỗi, gợi cảm giác hồi tưởng lại những trang tuổi thơ xưa cũ mà ai cũng muốn một lần đặt vé trở về ghé thăm.
Ca khúc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nhận được phản hồi tích cực từ khán giả và góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nên thương hiệu âm nhạc rất riêng của Ái Phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận