Em Nguyễn Ngọc Minh Xuân đang tranh thủ ôn lại bài trước khi đến lớp - Ảnh: C.NHẬT
12h30 trưa 18-9. Căn nhà xập xệ, nằm chơ vơ ở tận cùng con hẻm 52 đường Đô Lương (phường 11, thành phố Vũng Tàu) hệt như "phòng xông hơi" dưới cái nắng gay gắt của thành phố biển.
Những chương trình như học bổng Đèn đom đóm rất đáng quý và tôi mong quỹ sẽ hỗ trợ được nhiều em hơn nữa"
Cô Nguyễn Thị Hoa Phượng
Ngồi trong "căn nhà" nóng hầm hập, được dựng tạm bợ trên mảnh đất được người dân cùng xóm thương tình cho mượn, em Nguyễn Ngọc Minh Xuân (8 tuổi, lớp 3/4 trường tiểu học Phước Thắng) lại hồn nhiên nói: "Con chẳng thấy nóng chút nào!".
Dắt díu nhau từ vùng quê Nam Định vào lập nghiệp trong Nam từ vài năm trước, "lạ nước lạ cái" nên chị Nguyễn Thị Nguyệt (46 tuổi) cùng chồng bị người khác chiếm đoạt hết tài sản tích cóp được.
Một người dân cùng khu vực động lòng cho anh chị mượn mảnh đất cắm dùi, chòm xóm người miếng tôn, kẻ góp vài vách nứa… để vợ chồng chị và đứa con gái bé xíu xiu, gầy tong teo ở tạm.
"Chồng tôi làm thợ hồ nên đi suốt, ở nhà lủi thủi hai mẹ con. Thời điểm nào có công trình thì mỗi ngày kiếm được khoảng hai trăm đến ba trăm ngàn đồng. Nhưng công trình không phải lúc nào cũng có, chưa kể mưa quá thì chỉ biết ngồi đó cám cảnh. Anh bị lao phổi nên thấy anh làm nặng cũng sợ, nhưng không làm thì chúng tôi chẳng biết lấy gì mà ăn" - chị Nguyệt nói.
Chồng chị sợ mưa, còn chị ám ảnh với nắng nóng.
"Để có thêm đồng ra, đồng vào tôi tranh thủ làm nghề nấu rượu nên sợ nhất những ngày trời quá nóng, rượu làm ra bao nhiêu cũng hư hết. Nếu trời thương mỗi ngày tôi bán được khoảng 1 thùng, lời 80 ngàn/ thùng. Còn trời không thương thì 15 thùng cũng đã là may. Tôi cũng có bệnh trong người nhưng tạm thời cầm cự được", chị Nguyệt nói.
Tài sản quý giá nhất của cả nhà là chiếc giường gỗ mà cả gia đình thường chen chúc ngủ cùng.
Căn nhà xập xệ, nằm chơ vơ ở tận cùng con hẻm là góc học tập của em Nguyễn Ngọc Minh Xuân - Ảnh: C.NHẬT
Gia cảnh nghèo khó là vậy nhưng em Minh Xuân lại luôn tự giác hoàn thành tốt việc học, phụ mẹ làm việc nhà những khi rỗi.
"Học tiểu học không tốn học phí nhưng cũng nhiều chi phí phát sinh lắm chú ạ, tiền sách vở, tiền ăn và học bán trú, đồng phục… Cũng may là thấy con bé chịu khó nên nhà trường đã tạo điều kiện miễn giảm một số khoản đáng kể" - chị Nguyệt chia sẻ.
Trò chuyện với người viết ở sân trường tiểu học Phước Thắng, cô Nguyễn Thị Hoa Phượng (phó hiệu trưởng nhà trường) cho biết nhà trường luôn mong muốn đủ khả năng hỗ trợ tất cả học sinh nghèo của trường.
"Lễ khai giảng vừa rồi nhà trường đã trao 30 suất học bổng cho các học sinh nghèo, vượt khó. Những dịp lễ, tết chúng tôi cố gắng có chút quà cho các em. Các hoạt động này chúng tôi nỗ lực duy trì thường xuyên nhưng cũng khá thử thách bởi số lượng học sinh nghèo, học giỏi của trường vẫn còn rất nhiều. Chính vì vậy những chương trình như học bổng Đèn đom đóm rất đáng quý và tôi mong quỹ sẽ hỗ trợ được nhiều em hơn nữa" - cô Hoa Phượng gửi gắm.
Thích học vẽ, thủ công và môn tiếng Anh nên cứ về nhà là Minh Xuân lại lôi vở ra ôn luyện những môn này. Em nói em thích đi học lắm bởi ở trường có nhiều bạn, mỗi ngày lại được học thêm nhiều điều mới.
Lưng áo của người viết ướt đẫm vì cái oi bức của căn nhà, thế nhưng khi được hỏi có nóng không, cô bé 8 tuổi Minh Xuân lại mỉm cười hồn nhiên, rụt rè nói: "Dạ con chẳng thấy nóng chút nào".
100 suất học bổng Đèn đom đóm
Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận