02/08/2020 08:20 GMT+7

Chỉ có một niềm tin: chiến thắng!

ĐOÀN NHẠN ghi
ĐOÀN NHẠN ghi

TTO - Khi những tấm barie được kéo lại, lệnh cách ly 3 bệnh viện ở Đà Nẵng được thực thi cũng là lúc những người vợ, người mẹ phải vượt qua sự yếu đuối, khoác lên mình màu áo chiến binh.

Chỉ có một niềm tin: chiến thắng! - Ảnh 1.

Tinh thần lạc quan của các nữ "chiến binh" ở tâm dịch Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: B.N.

Mỗi ngày là mỗi lo lắng, trăn trở nhưng chúng tôi đồng lòng thì các bạn bên ngoài hãy hiệp sức giúp chúng tôi vững niềm tin về ngày mai chiến thắng nhé.

Trích nhật ký chị THÁI THU HÀ

Tuổi Trẻ ghi lại nhật ký của chị Thái Thu Hà, công tác tại Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng những ngày quyết tâm ở lại giữa tâm dịch dù chị đang mang thai.

Ngày 26-7: Đêm không ngủ

Nhận được tin phải lên bệnh viện mặc dù là ngày cuối tuần, chúng tôi đi theo mệnh lệnh và phải cách ly theo yêu cầu 14 ngày… Mọi thứ thật bất ngờ và bối rối khi "bữa cơm trưa ăn vội, bữa cơm chiều chưa lo" thì vội chạy đến bệnh viện. 

Tôi cũng chưa kịp chuẩn bị quần áo tư trang như được thông báo. Cứ thế ở lại bệnh viện chờ xét nghiệm từng người một.

Đêm đầu tiên nôn nao lo lắng vì thông tin về dịch COVID-19 đã quay trở lại và chúng tôi có nguy cơ tiếp xúc nên phải cách ly toàn bệnh viện. 

Sau khi lấy máu xét nghiệm xong, chúng tôi chia thành 3 nhóm và 1/3 nhóm sẽ di chuyển đến khách sạn để cách ly, còn 2/3 ở lại phục vụ công tác chống dịch. Cho dù ở đâu thì đêm nay có lẽ là đêm đáng nhớ nhất trong hành trình hành nghề y của mỗi người chúng tôi và… không ai ngủ được.

Ngày 28-7: Chúng tôi kiên cường hơn

Đã là ngày thứ 3 rồi. Chúng tôi đếm từng ngày không phải vì mệt mỏi nhưng vì chỉ mong sau 14 ngày mọi thứ bình yên, mọi người được bình an về với gia đình, về với những đứa con bé bỏng của mình.

Đêm đầu tiên cách ly có những mẹ đã khóc vì nhớ con, vì bầu sữa căng cứng khi không được cho con bú; con thì nhớ mẹ, gọi điện thoại liên tục hỏi khi nào mẹ về với con. Có những người chồng lẫn người vợ công tác cùng bệnh viện phải cách ly, con cái gửi cho nội ngoại. 

Có những bà bầu cũng phải tuân thủ cách ly khi giai đoạn thai nghén hoặc bụng to ngủ không được, đi không nổi... Mọi thứ thật khó khăn nhưng chúng tôi đồng lòng quyết thắng đại dịch…

Dịch không làm chúng tôi gục ngã, nó khiến chúng tôi kiên cường hơn. Vì phải đồng lòng cùng nhau chiến đấu nên tình anh em, chị em đồng nghiệp lúc này quý nhau hơn bao giờ hết.

Ngày 29-7: Tôi hiểu đồng nghiệp của mình

…Thèm lắm cái ôm của người chồng, người con sau giờ tan ca, chỉ cần thủ thỉ con nhớ mẹ nhớ ba thì mọi buồn phiền tan biến. Bây giờ phải gọi online để thấy mặt nhau, nỗi nhớ chỉ thể hiện qua ánh mắt chứ không được ôm nhau và nước mắt cứ thế rơi.

Sáng dậy thấy mắt đồng nghiệp đỏ và sưng, tôi hỏi cô ấy nói: "Đêm qua ngủ dưới đất, con gì cắn sưng mắt", nhưng tôi biết đêm qua cô ấy nhớ con khóc liên tục. Tôi đã từng trải qua nên tôi hiểu.

Ngày 30-7: Bác sĩ làm tất cả mọi việc

Thực sự dịch đã làm thay đổi toàn bộ hệ thống của tất cả nhân viên y tế. Bình thường bác sĩ là người khám bệnh và điều trị, điều dưỡng làm nhiệm vụ thực hiện y lệnh và chăm sóc người bệnh, hộ lý làm công việc thay drap giường và phân bố giường bệnh... 

Khi dịch đến, chúng tôi không còn ở vị trí của chính mình nữa mà tất cả đều vì nhiệm vụ chung, dù là bác sĩ hay điều dưỡng hay hộ lý đều làm chung nhiệm vụ được giao có thể là nhận hàng, vận chuyển, giao hàng...

Bộ đồ bảo hộ rất nóng và phải đeo kính, tấm chắn... làm hạn chế tầm nhìn và di chuyển khi phải vừa chăm sóc người bệnh vừa lo hoàn thành thủ tục hồ sơ. Khi mặc đồ bảo hộ, chúng tôi phải viết tên sau lưng áo để phân biệt gọi tên nhân viên.

Có nhiều người hỏi chúng tôi rằng không sợ dịch sao cười miết, bởi vì "một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ". Chúng tôi cười để con virus biết chúng tôi không sợ nó và tinh thần thép lúc nào cũng phải lạc quan, động viên, trấn an người bệnh, người nhà và đồng nghiệp.

Ngày 31-7: Sếp tôi sẽ "đạp thắng" đúng lúc

Con số ca nhiễm không dừng lại như tôi đã từng đạp nhầm chân ga khi lái chiếc ôtô lần đầu, cứ thế phóng vút lên phía trước. 

Nhưng tôi tin vào những tài xế là các sếp của chúng tôi bây giờ. Họ sẽ là người đạp trúng chân thắng để tất cả mọi thứ dừng lại và đổ bộ đúng chỗ quy định. Hẳn người lái xe đó cũng căng não lắm vì phải là người dẫn đường sáng suốt cho toàn bộ hơn 6.000 người trên chuyến xe này.

Hành trình đã 1/2 quãng thời gian - nếu đúng hành trình 14 ngày cách ly thì chúng tôi sẽ trở lại cuộc sống ban đầu. 

Nhưng chúng tôi tin dù là 14 hay 24 ngày thì chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình vì không phải riêng bản thân mà còn những người bệnh đang ở bệnh viện cùng chiến đấu. Họ cũng lo lắng, cũng trăn trở như chúng tôi về ngày mai.

Viết cho người chị của tôi: người chị 50 tuổi (tuổi mẹ tôi) từ khi quen chị đã 10 năm nay, chưa bao giờ tôi thấy chị cắt đi mái tóc của mình. 

Hình ảnh người chị tóc dài đen, nhiều và mượt ít người có được luôn cố định trong tôi suy nghĩ chị chỉ hợp với tóc dài và đen thôi. Thế mà vì dịch COVID-19, chị hi sinh luôn mái tóc đen huyền thoại gắn với tên của mình.

Khi nhận được hình ảnh mái tóc ngắn của chị, tôi nghẹn nơi cổ họng. Chị và nhiều đồng nghiệp của tôi đã hi sinh sức lực, hi sinh luôn cả niềm vui và ước mơ đơn giản nhất của mình.

…Mỗi ngày là mỗi lo lắng, trăn trở nhưng chúng tôi đồng lòng thì các bạn bên ngoài hãy hiệp sức giúp chúng tôi vững niềm tin về ngày mai chiến thắng nhé.

Ngày 1-8: Mọi người đang chờ chúng ta trở về

Hôm nay lại nghe tin đồng đội khó thở, phải hỗ trợ thở oxy. Vẫn biết công việc hằng ngày rằng người bệnh khó thở phải thở oxy là điều đương nhiên, nhưng nghĩ tới đồng nghiệp cùng mình chăm sóc, điều trị người bệnh giờ lại phải nằm thở oxy, nước mắt bỗng òa chảy không ngừng, phải nén lại trong lòng vì hơn ai hết những người còn lại phải vững vàng chiến đấu. 

Phải vững lòng không được gục ngã lúc này vì người bệnh, vì gia đình đang chờ chúng ta trở về…

Chỉ còn vài ngày là đến ngày tái khám thai định kỳ. Con ơi chờ mẹ nhé! Mẹ muốn nhìn thấy tay và chân con quẫy đạp trong bụng mẹ trên màn hình siêu âm, nhưng bây giờ mỗi ngày chỉ còn biết lắng nghe nhịp đập và cái quẫy chân trong bụng qua cảm xúc. Cố lên Bống ơi, con sẽ là đứa bé kiên cường nhất sau trận chiến này.

"Giúp gì được cho chị em và bệnh nhân thì em làm"

Anh Văn Liêm, chồng chị Hà, cho biết tối hôm có lệnh cách ly bệnh viện, anh vội vã đưa ít đồ cá nhân vào cho vợ, nói với nhau đúng 2 câu qua cánh cổng thì được bảo vệ mời ra. Hôm đó, Bệnh viện Đà Nẵng có lệnh di dời bớt nhân viên y tế về cách ly ở khách sạn nhưng chị Hà quyết xin ở lại, nhường các chị lớn tuổi.

"Ôi, sao thế! Em đang bầu bí kia mà" - anh Liêm lo lắng. "Không sao, em ở đây vẫn an toàn, giúp gì được cho chị em và bệnh nhân thì em làm" - chị Hà rắn rỏi nói với chồng. Anh Liêm cho biết đêm đầu tiên đầy lo lắng, hai vợ chồng nhắn tin liên tục nhưng chị vẫn trấn an anh: "Em ổn, anh đừng lo gì cả, nhắn mọi người yên tâm".

"Những ngày tiếp theo, dịch bệnh phát triển theo chiều hướng xấu đi, bao nhiêu đồng nghiệp và bệnh nhân của vợ tôi phát hiện dương tính và di chuyển đến các bệnh viện khác. Nhưng tuyệt nhiên mỗi lúc gọi cho nhau không hề thấy vợ tôi than thở hay hoang mang lo lắng. Vẫn là câu nói: Em vẫn ổn, anh đừng lo" - anh Liêm chia sẻ.

Nghẹn lòng sau bức ảnh các nữ bác sĩ cắt tóc để lên tuyến đầu ở Đà Nẵng Nghẹn lòng sau bức ảnh các nữ bác sĩ cắt tóc để lên tuyến đầu ở Đà Nẵng

TTO - Bác sĩ Nguyễn Nhật Trường là người chụp lại bức ảnh các nữ đồng nghiệp cắt tóc để làm nhiệm vụ ở một bệnh viện tuyến đầu tại Đà Nẵng. Anh chia sẻ nhanh với Tuổi Trẻ Online về khoảnh khắc làm nhiều người nghẹn lòng này.

ĐOÀN NHẠN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên