12/09/2014 07:00 GMT+7

​Chỉ cần có niềm tin

KIỀU LINH - VY DUNG
KIỀU LINH - VY DUNG

TT - Dù mỗi người phải lựa chọn ngã rẽ khác nhau song những tân sinh viên nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” luôn có chung niềm tin yêu, hi vọng vào ngày mai tươi sáng.

* Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên) 
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục - đào tạo 6 tỉnh Việt Bắc
* Tài trợ: Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường”

Hạnh Nguyên vừa đi làm thuê vừa học - Ảnh: K.Linh
Hạnh Nguyên vừa đi làm thuê vừa học - Ảnh: K.Linh

Sống kham khổ, chật vật với miếng cơm manh áo hằng ngày nhưng những tân sinh viên người Kinh, người Mông... mà chúng tôi gặp ở vùng Việt Bắc xa xôi vẫn rạng rỡ khi nói về ước mơ trở thành nhà báo, luật sư tương lai...

Học thay cả phần của mẹ...

Tối 12-9, tại quảng trường 26-3 ở trung tâm TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn tổ chức trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 150 tân sinh viên vượt khó sáu tỉnh thuộc chiến khu Việt Bắc trước đây.

Tổng kinh phí học bổng là 750 triệu đồng (5 triệu đồng/học bổng) từ nguồn tài trợ của Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty CP phân bón Bình Điền, VTV9 - Đài truyền hình Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức).

Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại Việt Bắc được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài phát thanh - truyền hình Hà Giang.

K.L.

Mai Thị Hạnh Nguyên thi đỗ khoa báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), đúng chuyên ngành mơ ước lâu nay.

Ngày nhận giấy báo nhập học, Nguyên mừng rơi nước mắt, bởi lời hứa “con nhất định sẽ thi đỗ đại học, thành tài để ba mẹ yên lòng nơi chín suối” đã bước đầu thành hiện thực.

Nhà Hạnh Nguyên ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Năm Hạnh Nguyên lên 3, bố mất. Từ đó bao yêu thương cô Trần Thị Lực - mẹ Nguyên - dành hết cho con.

Cô Lực truyền cho con cảm hứng văn chương. Hoài bão trở thành phóng viên ngày càng lớn theo thời gian, thôi thúc, nung nấu trong tâm trí Nguyên. Ước mơ đó được mẹ ủng hộ hết mình: “Đời mẹ khổ nhiều rồi, ước mơ mẹ lụi tàn, con phải cố gắng học phần của con, học thay cả phần của mẹ”.

Nhưng dông bão bất ngờ giáng xuống. Đó là năm 2009 Nguyên bị tai nạn giao thông, đến trường phải nhờ bạn bè cõng trên lưng. Còn mẹ Nguyên bị ung thư vú.

Năm 2013 mẹ mất, Hạnh Nguyên ở một mình trong căn nhà mẹ để lại: “Em đi học ngôi nhà bỏ trống, em để cho hàng xóm thuê, một năm cũng được mấy triệu đóng học phí. Mỗi dịp giỗ bố mẹ, em tranh thủ về thắp cho bố mẹ nén hương. Em ở ký túc xá của trường nên chi phí rẻ hơn rất nhiều. Em đang phấn đấu thi vào lớp chất lượng cao của trường để được nhận học bổng. Mong ước duy nhất của em bây giờ là học xong ra trường có việc làm ổn định” - đôi mắt Hạnh Nguyên rực sáng tràn trề hi vọng.

“Em sẽ vừa học vừa đi làm...”

Trước ngày nhập học, Phương đi rẫy cỏ sắn lấy tiền trang trải cuộc sống nơi thành phố đắt đỏ - Ảnh: K.Linh
Trước ngày nhập học, Phương đi rẫy cỏ sắn lấy tiền trang trải cuộc sống nơi thành phố đắt đỏ - Ảnh: K.Linh

Vừa chân ướt chân ráo bước vào cổng Trường ĐH Tân Trào, Hoàng Đỗ Phương (thôn Bãi Cát, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã trở thành một tay rửa bát “đắc lực” cho quán cơm sinh viên gần trường.

Phương hào hứng kể: “Tiền công 500.000 đồng/tháng đủ cho một tháng ăn uống chi tiêu ở TP Tuyên Quang”.

Phương đã làm hồ sơ dự thi vào khoa báo chí Đại học KHXH&NV, thế nhưng gia cảnh khó khăn Phương đành tiếc hùi hụi rút lui, thi vào khoa truyền thông Đại học Tân Trào ở tỉnh nhà.

Nhà Phương ở khu tập thể Bãi Cát, nằm sâu tít trong mỏ thiếc Tuyên Quang. Bố mất sớm, để lại ba mẹ con trong ngôi nhà chưa đến 25m2, xập xệ, rách nát.

Hằng ngày mẹ Phương đi làm thuê lấy tiền nuôi con ăn học. Thương mẹ vất vả, hết giờ học trên lớp Phương trở về nhà đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, từ trồng sắn, gặt lúa đến làm cỏ mía...

Phương vào cấp III, em trai lên cấp II, người mẹ quặn lòng bỏ hai con dại ở nhà, xuống Hà Nội làm giúp việc. Nhận tin con báo đỗ đại học, người mẹ vội vã đón xe từ Hà Nội về nhà. Gặp con, bà nghẹn ngào: “Con nhà người ta mong đỗ không được, con nhà mình đỗ chẳng lẽ lại không cho đi học, như thế thì có tội với con quá...”.

Nghe mẹ nói, Phương chỉ lặng im gạt nước mắt quay đi. Ẩn sâu trong đôi mắt đỏ hoe ấy vẫn là một tương lai xán lạn: “Em quyết rồi, em vẫn đi học. Em sẽ vừa đi làm thuê, vừa cố gắng học để nhận học bổng của trường. Bốn năm sẽ trôi nhanh thôi...”.

Vừ Thị Mỷ và hành trình bứt phá

Ngoài giờ học, chị em Mỷ lên nương trồng ngô, lên núi kiếm củi - Ảnh: V.Dung
Ngoài giờ học, chị em Mỷ lên nương trồng ngô, lên núi kiếm củi - Ảnh: V.Dung

18 tuổi, Vừ Thị Mỷ (xã Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang) chỉ cao bằng một học sinh tiểu học dưới xuôi. Nhưng Mỷ lại là chị cả của sáu đứa em.

Đông con, ít học, nhà Mỷ đã nghèo lại càng túng thiếu hơn. Nguồn sống chính của 10 miệng ăn dựa vào thu nhập bấp bênh từ mấy sào ngô cách nhà hơn 5km.

Bao đời nay, con gái người Mông 15-16 tuổi đã lấy chồng, ở nhà làm lụng nuôi con. Chỉ riêng Mỷ năn nỉ bố mẹ cho đi học. Mỷ biết chỉ cái chữ mới cho em cơ hội thay đổi tương lai.

Từ ngày còn bé, Mỷ đã quen một mình xa nhà. Học cấp II ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phố Bảng, rồi cấp III ở Trường THPT Đồng Văn, đầu tuần đến trường, cuối tuần Mỷ mới được về thăm bố mẹ. Đi học, em còn tranh thủ những lúc rảnh rỗi ra phụ bán hàng các buổi chợ phiên, kiếm thêm thu nhập.

Tốt nghiệp THPT, không chọn các trường cao đẳng ở Hà Giang cho gần và dễ đậu, Mỷ “cả gan” xuống tận Hà Nội thi vào ĐH Sư phạm. Ba ngày thi ở thủ đô không ăn uống được gì vì lạ miệng, bị ốm, lúc đi xe buýt mua màu vẽ còn say xe và lạc đường. Vậy mà Mỷ vẫn đậu ngành sư phạm mỹ thuật với 30,67 điểm (đã nhân hệ số).

Lần này đi xa, phải một năm nữa Mỷ mới lại về nhà. Cô tân sinh viên người Mông một mình xuống Hà Nội với toàn bộ quyết tâm: trở thành cô giáo.

Giấc mơ luật sư của anh chàng sửa xe

Lý Tài Hiểu tất bật tìm việc làm thêm trong những ngày tháng sinh viên sống ở Hà Nội - Ảnh: K.Linh
Lý Tài Hiểu tất bật tìm việc làm thêm trong những ngày tháng sinh viên sống ở Hà Nội - Ảnh: K.Linh

Lý Tài Hiểu, “cậu bé vàng” của xã Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), đã chính thức trở thành tân sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội.

Hiểu kể về hoàn cảnh khó khăn của mình. Bố Hiểu đã qua đời từ lâu. Với hai sào lúa trong tay, nuôi con ăn học không nổi, những đứa con của bà Phùng Thị Tâm - mẹ Hiểu - lần lượt phải nghỉ học từ rất sớm, bươn chải ra đời làm ăn.

Đến lớp 5, nhờ anh trai sắm cho một chiếc bơm, thùng đồ nghề sửa xe, Hiểu đã có công việc vá săm xe đầu đường với thu nhập đôi ba chục ngàn đồng mỗi ngày, đủ để nuôi hai anh em ăn học (dưới Hiểu còn một em trai đang học cấp II).

Tám năm ròng rã bất kể ngày nắng, ngày mưa, người dân thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn đều thấy Hiểu đạp xe ra quán ngày hai lần đến tối mịt mới trở về nhà. 23g đêm, Hiểu lại ngồi ngay vào bàn học cho kịp trả bài thầy cô ngày mai.

Thời gian này, Hiểu vẫn đang ở nhờ nhà người con trai của cô giáo chủ nhiệm cũ, cách trường học 20 phút đi bộ. Hiểu bảo: “Tìm công việc làm thêm xong xuôi, em sẽ tự tìm nhà trọ để ở. Biết là còn rất nhiều khó khăn vất vả nhưng em sẽ cố gắng từng ngày. Chỉ cần có niềm tin là làm được”.

 

KIỀU LINH - VY DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên