30/08/2014 02:35 GMT+7

Vẽ ước mơ từ những bất hạnh

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, ba tân sinh viên Quảng Ngãi đã viết tiếp câu chuyện mơ ước đời mình...

* Học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT, Tỉnh - thành đoàn Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi
* Tài trợ: Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Quảng Nam - Đà Nẵng, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty CP ôtô Đô Thành.

Tuyến chăm sóc vườn thơm phía sau nhà

Phạm Thị Kim Tuyến (Trường THPT chuyên Lê Khiết) vừa đỗ vào ĐH Sư phạm TP.HCM với số điểm 19,5. Còn Võ Quốc Cường (Trường THPT Tư Nghĩa 1) vừa trở thành tân sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với số điểm 23. Trong khi đó Nguyễn Thị Kim Tuyền (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) đỗ vào ĐH Sư phạm TP.HCM với 17,5 điểm.

Ngày tháng cô đơn của Tuyến

Khi Tuyến còn nằm trong bụng mẹ, cha đã bỏ đi. 14 tháng tuổi, mẹ Tuyến vào Sài Gòn bán vé số, gửi em lại cho ông bà ngoại. Tự lập từ nhỏ, Tuyến già hơn rất nhiều so với tuổi 18 của mình.

Ông Phạm Hưởng, ông ngoại Tuyến, kể: “Hồi còn nhỏ con bé chỉ ăn ở nhà ngoại, còn mọi sinh hoạt đều trong căn nhà tranh mẹ nó để lại (ở thôn Phú Bình Tây, Chợ Chùa). Nhiều lần tôi nói vào ở cùng ông bà nhưng nó không chịu”.

Từ năm 12 tuổi, giặt đồ, nấu ăn, mua sách vở, học bài... Tuyến đều tự lo lấy. Suốt 18 năm, thời gian Tuyến ở bên mẹ chỉ đúng vào dịp tết. Hết tết, mẹ lên xe vào Sài Gòn, Tuyến lại trở về với cuộc sống của mình.

Cuộc sống cực khổ, thiếu thốn tình cảm, thế nhưng 12 năm học Tuyến đều là học sinh giỏi. Hết năm lớp 9, Tuyến thi vào Trường chuyên Lê Khiết rồi chuyển xuống phố trọ học. Tiền mẹ gửi về không đủ trang trải việc học, Tuyến đi phục vụ ở quán cà phê.

Ba năm học THPT là chừng ấy thời gian cô bé làm nhân viên phục vụ, nhưng Tuyến vẫn luôn có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Trở thành tân sinh viên, Tuyến tự tin: “Em chờ ngày nhận giấy báo rồi đi học, có gì đâu mà chuẩn bị. Bán đám ngô là em có tiền xe nhập học. Em sẽ vừa học vừa làm. Vào đó có thể chăm sóc mẹ nữa”. Thầy Trần Đình Vợi, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết, chia sẻ: “Tuyến là cô học trò đáng tự hào của trường”.

Cường “nông dân” với công việc hằng ngày của mình

Cường “nông dân” mơ thành kỹ sư

Đến thôn Phú Văn, xã Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa), ai cũng biết cậu học trò Cường không chỉ nổi tiếng học giỏi mà còn là “nông dân sản xuất giỏi”. Trong căn nhà ọp ẹp, Cường đang ngồi trước sân bằm sắn phơi.

Bà Lê Thị Sung, bà nội Cường, 76 tuổi, bị mù, kể: “Khi Cường tròn 7 tuổi thì cha qua đời, hai năm sau mẹ đi bước nữa. Từ đó Cường sống với bà nội. Năm Cường học lớp 8 thì tui bị bệnh mắt, mờ dần rồi mù hẳn. Từ đó gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai Cường.

Mỗi ngày từ tờ mờ sáng, Cường đã thức dậy nấu ăn rồi ra đồng. Mỗi khi rảnh ai kêu gì Cường cũng làm, từ giặm lúa, gặt thuê, vác lúa mướn...”. Còn Cường cho biết: “Thứ gì làm có tiền là em làm, chẳng chê gì hết”.

Ngày nhập học cận kề, ngoài nỗi lo những năm tháng sắp tới, Cường còn lo không biết ai sẽ chăm bà nội. “Hè này em đi làm được hơn 2 triệu đồng, có thể chi phí bước đầu khi vào Sài Gòn học. Em chỉ lo bà ở nhà không biết làm sao thôi”.

Bà Sung nghe cháu nói, vội lập cập động viên cháu: “Đừng lo, ở nhà ăn uống thì nhờ hàng xóm được. Đau ốm thì nhờ người điện thoại cho chú về”.

Tuyền vá xe cho khách - Ảnh: Trần Mai

Vá xe nuôi ước mơ làm cô giáo

Đến nhà Nguyễn Thị Kim Tuyền (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) khi em đang cùng mẹ vá xe cho khách, đôi tay yếu ớt của cô bé gồng lên nạy vỏ xe. Đó là công việc của người cha để lại. Ba Tuyền vừa mất sau gần một năm chống chọi với bệnh tật.

Năm trước Tuyền đậu ĐH Văn hóa TP.HCM, trước ngày em đi học, ba bị tai biến, tiền bạc trong nhà dồn hết vào chữa bệnh cho ba. Sự học của Tuyền đành đứt gánh, thay vì đến trường Tuyền đến bệnh viện chăm sóc ba.

Tuyền vào Sài Gòn thay vì đi học lại đi làm phục vụ, công nhân... kiếm tiền phụ giúp mẹ chăm ba. Không nản lòng, Tuyền vẫn kiên trì ôn tập để thi lại. Hay tin em đậu đại học, hàng xóm góp tiền mua cho mẹ Tuyền xe nước mía kiếm thêm để nuôi các em Tuyền...

“Tôi không muốn Tuyền nghỉ học, nhưng chị nó đang học đại học, em thì đứa vào lớp 8, đứa vào lớp 1. Tôi đau ốm liên miên, giờ biết lấy tiền đâu cho con đi học” - bà Trần Thị Kim Thi, mẹ Tuyền, sụt sùi.

Từ ngày Tuyền biết kết quả thi rồi giấy báo về, bữa cơm của năm mẹ con nặng nề hẳn. Tuyền dự tính sau khi nhập học sẽ ở ký túc xá, rồi đi làm thêm phục vụ hay rửa chén, kiếm việc làm buổi tối nữa để tự lo cho cuộc sống của mình, sẽ cố gắng học dù khó khăn thế nào.

Phóng to
Ly bên những tấm giấy khen - Ảnh: Đoàn Cường

Nửa ước mơ của cô sinh viên nghèo

Ngô Thị Ánh Ly (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vừa đỗ vào ngành sư phạm toán (23,5 điểm) Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Nhưng nhà quá nghèo nên Ly chỉ dám thực hiện một nửa ước mơ của mình.

Ly là con nuôi của bà Ngô Thị Tại (75 tuổi). Cách đây 17 năm, bà Tại xuống Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng xin một đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi. Bà đặt tên bé là Ngô Thị Ánh Ly. Mẹ con Ly đang sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ. “Cứ mưa là nước dột đúng chỗ tôi và cháu nằm. Nhiều bữa mưa dữ quá, thế là hai mẹ con trải chiếu chỗ góc nhà khô ráo rồi ôm nhau ngủ” - bà Tại tâm sự.

Ngày chúng tôi đến nhà, Ly vừa đi xách nước cơm nuôi heo ở làng Đông Hòa về. Bà Tại bảo ngày trước cứ một buổi Ly đi học, một buổi theo mẹ đi lấy nước cơm thừa trong làng về nuôi heo. Mấy bữa nay bà Tại mắt mờ không ra đường được, vậy là Ly thay bà đi xách nước cơm.

Trước đây hai mẹ con chỉ dựa vào 1 sào ruộng và những mớ ve chai 5.000-7.000 đồng mà bà Tại đi lượm về bán. Rồi cách đây mấy năm, người ta thu hồi 1 sào ruộng để làm dự án. Thương mẹ con bà, chị Trang buôn heo ở Đông Hòa mang đến một con heo nhỏ và giao cho bà Tại nuôi, khi nào lớn bán đi thì trả tiền heo giống. “Nhờ con heo giống ấy mà hai mẹ con mới có tiền nuôi những lứa heo về sau” - bà Tại chia sẻ.

Dù cuộc sống khốn khó thế nhưng 12 năm liền cô học trò nghèo ấy không thiếu một giấy khen học sinh giỏi nào. Đó là chưa kể năm lớp 10 Ly đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi môn toán TP, lớp 11 đoạt giải ba và lớp 12 là giải nhì. Ngày đăng ký thi ĐH, Ly cân đo đong đếm rất nhiều. “Em muốn trở thành dược sĩ hoặc học kinh tế nhưng sợ học những trường này sẽ không đủ tiền đóng học phí, vì thế em chọn thi vào sư phạm để không phải đóng học phí, đỡ khổ cho mẹ” - Ly tâm sự.

ĐOÀN CƯỜNG

“Tiếp sức” 230 tân sinh viên miền Trung

Sáng 30-8, tại Palm Garden resort (Hội An), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở GD-ĐT Tỉnh - thành đoàn Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi tổ chức trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2014.

Tại buổi lễ, ban tổ chức sẽ trao 230 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của ba địa phương trên. Mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng, tổng kinh phí của chương trình này là 1,15 tỉ đồng do Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Quảng Nam - Đà Nẵng, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP ôtô Đô Thành vận động quyên góp và tài trợ.

ĐOÀN CƯỜNG

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên