Năm nào cũng cho con theo học các chương trình hè, chị Nguyễn Minh Phương, ngụ phường Linh Trung (TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận thấy hè năm 2024, số lượng chương trình hè tăng "chóng mặt".
Đủ loại chương trình, hàng triệu tới trăm triệu
Chị Phương thử tìm kiếm từ khóa "chương trình hè" trên Facebook hoặc Google, kết quả tìm kiếm nhanh chóng trả lại hơn 50 chương trình lớn nhỏ, từ các trung tâm Anh ngữ, trung tâm kỹ năng sống, trường tư thục đến cả những trường đại học nước ngoài.
Nội dung các chương trình hè khá đa dạng, như ôn tập kiến thức văn hóa, ngoại ngữ, STEM, kỹ năng sống, cắm trại, dã ngoại.
"Có những trung tâm tên rất lạ. Nhiều trung tâm gần như cả năm không hoạt động, đến hè lại có chương trình. Do tôi có thời gian lâu năm tìm hiểu nên có thể nhận ra, nhiều phụ huynh mới biết về chương trình chắc sẽ thấy rất rối", chị Phương nói.
Còn chị Nguyễn Thụy Trâm Anh, có con đang theo học Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), nói chị thấy các mức phí cho những khóa hè năm nay quá chênh lệch. Chẳng hạn, một trại tiếng Anh hè trong 2-3 tuần dao động từ 2-10 triệu đồng, trại hè STEM từ 3-8 triệu đồng, trại hè giao lưu nước ngoài từ 6-50 triệu đồng, có khóa 80 triệu đồng...
"Cũng có một số trung tâm lấy giá tiền cùng một chương trình nhưng năm nay hơn năm trước đến 5-10 triệu đồng, nhất là các chương trình kết hợp du lịch, dã ngoại. Có trung tâm nói do giá vé máy bay cao", chị Trâm Anh cho biết.
Đầu hè năm 2024, nhiều vụ việc "lừa đảo" với chương trình hè đã được chia sẻ trên truyền thông. Một số fanpage của các trung tâm, tổ chức bị mạo danh để chiêu sinh các chương trình hè giả mạo. Một số trường hợp phụ huynh bị lừa từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Thiết kế mùa hè cho con ra sao?
ThS Tiêu Minh Sơn - giảng viên bộ môn kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên, Trường đại học Văn Lang - chia sẻ tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn chương trình hè là học sinh phải yêu thích.
Phụ huynh không nên chỉ vì bản thân thấy một chương trình hay rồi hướng con theo học. Thay vào đó, nên hỏi con muốn học gì: đàn, hát, thể thao, trải nghiệm. Hoặc nếu con chưa xác định thì phụ huynh nên tư vấn dựa vào năng khiếu, sở trường của con.
Yếu tố thứ hai cần tìm hiểu là nội dung chương trình: gia đình mong muốn một chương trình trải nghiệm ngắn hay dài ngày, trong hay ngoài thành phố. Khi có chương trình, cha mẹ cần xem chương trình hè thật kỹ nội dung gồm những gì, ăn uống ngủ nghỉ ra sao, các biện pháp đảm bảo an toàn thế nào... Đặc biệt, cần xem chương trình có gì mới, bởi nếu các chương trình năm nào cũng giống nhau, con rất dễ chán.
Cuối cùng là về chi phí. Các chương trình hè hiện tại có những mức giá khác nhau, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ cấu phần của giá. Chẳng hạn, một số chương trình tách riêng phần chi phí ăn uống khỏi học phí. Phân tích kỹ sẽ giúp phụ huynh tránh được yếu tố phát sinh và lựa chọn được chương trình đúng với túi tiền của mình.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, sáng lập Tomato Education, gợi ý phụ huynh có thể thiết kế mùa hè cho con dựa trên cơ sở cân bằng được các mục tiêu nghỉ ngơi, trải nghiệm và học tập. Cụ thể, ⅓ mùa hè có thể cho con tự thư giãn, thậm chí con có thể dùng nhiều điện thoại, chơi game... Đó nên là khoảng thời gian con tự thiết kế cho bản thân và làm những thứ mình muốn.
⅓ hè tiếp theo là thời gian đầu tư những trải nghiệm cho con. Phụ huynh nên cho các con được học những gì chưa được học ở trường mà trong năm vì áp lực học hỏi các em không có điều kiện được học. Chẳng hạn, năm nay chị Phương đầu tư cho con một khóa học viết sáng tạo. Ngoài ra, con muốn học thêm một khóa về cờ vua do trong năm không có điều kiện học.
1/3 mùa hè còn lại, thường gần đến năm học, là dịp để con củng cố lại kiến thức, lên dây cót cho năm học mới. Sau thời gian nghỉ, các em có thể "ì" hoặc mất đi một số thói quen học tập. Khoảng thời gian này rất cần thiết để các con bước vào năm học mới tốt nhất.
Những chuyến "tiền trạm" du học
Thầy Quan Minh Dũng, trưởng Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và chuẩn bị vào đại học của Trường quốc tế Việt Úc, chia sẻ những học sinh có định hướng du học nên tận dụng mùa hè để tìm hiểu trước về cuộc sống khi du học vì du học không chỉ là chuyện "học" mà còn là chuyện "du" (sống).
Học sinh có thể tìm hiểu qua 2 cách. Cách thứ nhất là tra cứu thông tin qua các trang thông tin chính thống của thành phố tiểu bang mà mình muốn đến, tập trung vào những hoạt động thường ngày như ăn uống, đi lại, sinh hoạt... Hoặc có thể gọi điện thoại, nhắn tin trực tiếp với người thân đang sinh sống ở khu vực đó.
Cách thứ hai, hiện nay nhiều học sinh có điều kiện chọn những tour du học hè do các đơn vị uy tín tổ chức. Ngoài ra, còn có hình thức trại hè giúp học sinh gặp gỡ những bạn bè từ khắp nơi trên thế giới để nâng cao khả năng ngoại ngữ.
Theo thầy Dũng, nếu có ý định chọn hình thức du học hè, phụ huynh nên bàn tính với con dựa trên mục tiêu và năng lực của các bạn, để có một lộ trình rõ ràng. Chẳng hạn, khi con chưa tự tin về tiếng Anh, hãy nên cho con đi hình thức trại hè thiên về bồi dưỡng tiếng Anh. Hoặc khi con chưa ra nước ngoài lần nào, phụ huynh nên cân nhắc chọn các nước gần như Singapore rồi dần mở rộng ra những nước xa hơn như Úc, Mỹ, Canada.
"Đó là những chuyến tiền trạm du học quý báu để các em sớm xác định được điểm đến du học cho mình" - thầy Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận