04/09/2024 16:19 GMT+7

Chỉ 1/5 người cao tuổi ở TP.HCM đi khám bệnh

Trong tổng số hơn 233.000 người cao tuổi tại TP.HCM được khám sức khỏe, có đến hơn 57% người tăng huyết áp.

Người cao tuổi tại TP.HCM có tỉ lệ tăng huyết áp cao - Ảnh 1.

Người cao tuổi tại TP.HCM đến trạm y tế khám sức khỏe - Ảnh: THU HIẾN

Ngày 4-9, Sở Y tế TP.HCM cho biết tính đến cuối tháng 8-2024, TP đã khám sức khỏe và tầm soát bệnh cho hơn 233.051 người cao tuổi, chiếm tỉ lệ 19,5%.

Đáng ghi nhận, trong tháng 8-2024 đã có 50.604 người cao tuổi được khám sức khỏe, đây là con số cao nhất tính từ đầu năm đến nay.

Theo Sở Y tế, trong số 233.051 người cao tuổi được khám sức khỏe, tỉ lệ người tăng huyết áp nhiều nhất là 134.288 người, chiếm 57,6%, trong đó số người mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 32.847 người (14,1%).

Tiếp đến là đái tháo đường 54.217 người, chiếm tỉ lệ 23,3%; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có 1,9% và 0,9% người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; tiền sử ung thư, mắc ung thư chiếm 1% và có dấu hiệu nghi ngờ ung thư là 1,9%.

Bên cạnh đó trong đợt khám sức khỏe, TP triển khai khảo sát đánh giá mức độ trầm cảm, lo âu và đánh giá chất lượng cuộc sống.

Cụ thể có 0,26% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 17,6% người có dấu hiệu tiền suy yếu, 1,3% người có dấu hiệu suy yếu; 2,3% người cao tuổi có nguy cơ té ngã; 7,9% có các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cần người khác hỗ trợ (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...).

Sở Y tế yêu cầu để đạt được chỉ tiêu 80% người cao tuổi được khám sức khỏe và sàng lọc bệnh không lây theo chỉ đạo của UBND TP, trong 3 tháng cuối năm 2024, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ khám sức khỏe người cao tuổi.

Qua báo cáo của các quận, huyện, tính đến tháng 8-2024 có 5 quận, huyện có tỉ lệ khám sức khỏe cao nhất là: Bình Chánh (47,8%), Cần Giờ (45,8%), quận 11 (30,8%), Phú Nhuận (28,7%) và quận 4 (26,9%).

Bên cạnh đó, 5 quận, huyện có tỉ lệ khám sức khỏe còn rất thấp là: Bình Tân (10,4%), Tân Phú (10,9%), Tân Bình (11,0%), quận 1 (11,0%) và quận 12 (11,5%).

Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc, UBND phường, xã, thị trấn khám sức khỏe người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn đảm bảo đầy đủ và đúng tiến độ.

Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám sức khỏe thực hiện đầy đủ các nội dung khám theo hướng dẫn của Sở Y tế, nhằm đảm bảo chất lượng và quyền lợi của người cao tuổi.

Chi gần 150 tỉ đồng khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi

Năm 2023, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trong giai đoạn 2024 - 2025.

Dư luận đánh giá đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.

TP sẽ chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi, nhằm "đánh chặn" bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.

Hơn 57% người cao tuổi tại TP.HCM mắc cao huyết áp - Ảnh 2.Cúm mùa có thể gây ra những biến chứng gì trên người cao tuổi?

Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), người cao tuổi là đối tượng nguy cơ cao, dễ gặp các biến chứng nặng của Cúm mùa nhất, dẫn đến nhập viện, tử vong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên