01/09/2019 09:26 GMT+7

Cháy rừng Amazon: Chẳng lẽ chỉ vì miếng bít-tết?

T.L. (dịch và tổng hợp)
T.L. (dịch và tổng hợp)

TTO - Giống như trong các phim cổ trang, người ta có thể dọa: "Ngày này năm sau, ta vẫn sẽ lại nghe chuyện rừng Amazon cháy".

Cháy rừng Amazon: Chẳng lẽ chỉ vì miếng bít-tết? - Ảnh 1.

Năm nào rừng Amazon cũng cháy, nhưng năm nay tình hình đặc biệt nghiêm trọng - Ảnh: Getty Images

Rừng nhiệt đới Amazon rộng 5,5 triệu km2 (gấp gần 17 lần diện tích Việt Nam - 331.000km2). Trong đó phần lớn nhất (khoảng 60%) nằm trên đất Brazil, phần còn lại do các nước Peru, Colombia, Bolivia… canh giữ.

Của chung hay của riêng?

Với diện tích bao la, hệ cỏ cây và động vật phong phú, rừng Amazon được coi là lá phổi của Trái đất. 20% lượng oxy mỗi người chúng ta hít thở mỗi giây đây là do khu rừng này cung cấp.

Nó quan trọng tới nỗi năm 1989, Al Gore (khi ấy còn là thượng nghị sĩ nhưng đã quan tâm tới vấn đề môi trường không thua gì sau này, khi ông làm phó tổng thống Mỹ, rồi nhận Nobel hòa bình 2007 cho các nỗ lực bảo vệ môi trường của ông) đã nói: "Trái với điều mà người Brazil nghĩ, Amazon không phải là tài sản của họ, nó thuộc về tất cả chúng ta".

Ông Gore không quá lời, dù đằng thẳng mà nói, phát biểu đó có thể đúng về mặt tỉ lệ oxy cung cấp, môi trường, sức khỏe nhân loại, nhưng không thuyết phục xét về biên giới, lãnh thổ. Làm sao rừng trên đất Brazil lại có thể "thuộc về tất cả chúng ta" được?

Một bài trên New York Times thậm chí cho rằng phát biểu đấy đã lại khơi mào thái độ bảo vệ đất đai kiểu xưa và tâm lý dè chừng đối với những kẻ xâm lấn nước ngoài lẩn lút, có thể núp bóng những nhà thăm dò sinh vật học ở Brazil!

Thế là tổng thống Brazil Lula da Silva khi lên nắm quyền vào năm 2003 đã ra luật hạn chế vào rừng nhiệt đới: cả người nước ngoài lẫn người Brazil muốn vào phải có giấy phép đặc biệt. Không có chuyện đám "sinh tặc" (biopirate) người nước ngoài chui vào rừng Amazon trên đất Brazil, phát hiện những chất liệu độc đáo trong đấy và cứ thế đăng ký bản quyền khai thác và sáng chế!

Thí dụ như Công ty dược Bristol-Myers Squibb tìm thấy nọc độc rắn jararaca trong rừng có thể kiểm soát chứng cao huyết áp và dùng nó làm ra viên Captopril mà nhiều bệnh nhân cao huyết áp lúc nào cũng thủ bên người. Dĩ nhiên họ phải đăng ký độc quyền sáng chế!

"Rừng Amazon là của chúng tôi - Bộ trưởng Tư pháp Brazil Romeu Tuma Jr. từng đanh thép - Chúng tôi muốn biết ai đang vào đấy và họ sẽ làm gì trong ấy. Đó là vấn đề chủ quyền quốc gia".

Thật khó xử, rừng nhiệt đới Amazon quá lớn và quan trọng. Như đã nói, nó là cái máy điều hòa và cấp oxy cho căn phòng Trái đất. Mưa ở châu Âu và Bắc Mỹ như thế nào cũng nhiều phần do gió từ "máy điều hòa" ấy chi phối. Nó là tài sản chung xét theo con mắt của mẹ thiên nhiên. Nhưng nó nằm trên đất của anh cả Nam Mỹ Brazil.

Bảo vệ chủ quyền cũng là một nhu cầu chính đáng. Sẽ tốt thôi, chừng nào chính quyền còn chưa khuyến khích nông dân vào đấy đốt rừng!

Đốt rừng để "Brazil vĩ đại"

Với khoảng 8,5 triệu km2, Brazil có diện tích lớn thứ 5 trên thế giới. Phần rừng Amazon thuộc Brazil có diện tích bằng nửa châu Âu và từ những năm 1960-1970, người ta đã thấy cần phải lấy đất ở đây để "phát triển kinh tế".

Theo CNN, Brazil là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, cung cấp gần 20% tổng lượng xuất khẩu thịt bò toàn cầu và con số này còn tăng nữa khi dân số thế giới tăng lên. Năm 2018, nước này xuất đi 1,64 triệu tấn thịt bò, thu về 6,57 tỉ USD. Nhu cầu ăn thịt bò Brazil chủ yếu từ những nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cả đại lục lẫn Hong Kong.

Chỉ riêng hai thị trường này chiếm gần 44% lượng thịt bò xuất khẩu năm ngoái của Brazil. Tháng 6 vừa qua, một thỏa thuận thương mại đã được ký giữa các nước thuộc khối thị trường chung Nam Mỹ với khối thị trường chung châu Âu, xuất khẩu thịt bò của Brazil càng rộng cửa phát triển.

Để chăn thả bò, người ta cần đất và rừng Amazon thì mênh mông, đốt rừng lấy đất là suy nghĩ dễ có của cả nông dân nhỏ lẻ lẫn giới làm nông nghiệp quy mô lớn tại đây. Phần lớn các đám cháy bao nhiêu năm nay tại Amazon là để dọn đất cho nông nghiệp.

Trong Quốc hội Brazil có một khối vận động - lợi ích nhóm tên gọi FPA (Mặt trận Nông nghiệp tại quốc hội), còn gọi là "beef caucus" (tạm gọi là "nhóm lợi ích thịt bò") bao gồm các nghị sĩ đại diện nhóm lợi ích nông nghiệp, chăn nuôi.

Ở hạ viện thì họ đông đảo, chiếm tới 207/513 nghị sĩ, lớn hơn mọi đảng phái riêng lẻ. Trong khi đó, người bản địa - chủ yếu sống trong rừng Amazon, chiếm 0,4% dân số Brazil - lại không có ai đại diện ở nghị trường. Nhóm lợi ích thịt bò công khai ủng hộ ứng viên dân túy cánh hữu Jair Bolsonaro trong cuộc tuyển cử vừa rồi.

Kết quả là khi đắc cử cuối năm 2018, ông Bolsonaro, 64 tuổi, chọn luôn người đứng đầu nhóm lợi ích thịt bò Tereza Cristina cho chức bộ trưởng nông nghiệp.

Khi vận động tranh cử, ông Bolsonaro đã hứa sẽ chấm dứt việc phân thêm các khu định cư cho thổ dân, giảm quyền lực của các cơ quan về môi trường, cho phép khai mỏ và kinh doanh nông nghiệp trên các khu bảo tồn…

Nếu thắng, ông sẽ nhập hai bộ môi trường và nông nghiệp làm một, để việc phát triển kinh tế được ưu tiên hơn cứ khư khư bảo vệ rừng.

Ông muốn biến rừng nhiệt đới Amazon thành đất nông nghiệp, làm ra thật nhiều tiền, "khiến Brazil thành vĩ đại". Bước đi này của ông được giới đầu sỏ các ngành nông nghiệp và khai mỏ hoan nghênh nhiệt liệt (tuy nhiên do vấp phải phản đối, kế hoạch nhập hai bộ đã không thành).

Theo The Guardian, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức tổng thống ngày

1-1-2019, ông Bolsonaro đã mở "cuộc tổng tấn công" rừng già Amazon với việc chuyển giao quyền quản lý các khu bảo tồn rừng và dân cư bản địa cho Bộ Nông nghiệp, bộ giờ gần như công khai là đại diện cho giới lợi ích thịt bò.

Thổ dân Amazon là những người bảo vệ rừng, là rào cản cho các đại dự án nông nghiệp trong rừng, cần phải "trị" họ. Không chỉ phản đối phân thêm đất cho người bản địa, Bolsonaro còn muốn khôi phục các dự án đập nước khổng lồ trong rừng Amazon từng bị các tổ chức môi trường và người bản địa bắt ngừng.

Cũng như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Bolsonaro thích tweet. Ông viết: "Hơn 15% lãnh thổ quốc gia đã được phân làm đất của người bản địa và các quilombo (khu định cư của hậu duệ các nô lệ cũ). Chỉ chưa đầy 1 triệu người sống ở những nơi ấy, tách biệt khỏi Brazil thực sự, bị các NGO (tổ chức phi chính phủ) bóc lột và thao túng.

Chúng ta sẽ cùng nhau giúp các công dân này hội nhập". Cũng như Trump, Bolsonaro coi biến đổi khí hậu là chuyện hoang đường. Khi hầu hết các nước đang cùng nhau quyết tâm giảm thải carbon để đảm bảo cho Trái đất chỉ nóng lên từ 1,5 tới 2 độ C thì Bolsonaro muốn rút Brazil ra khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, với lý lẽ nếu thỏa thuận đó mà hay thì Mỹ đã không rút ra, sau đó lại bảo Brazil sẽ không rút nhưng kèm đủ thứ điều kiện.

Cháy rừng Amazon: Chẳng lẽ chỉ vì miếng bít-tết? - Ảnh 2.

Tình trạng phá rừng để khai thác gỗ và phát triển nông nghiệp là mối đe dọa lớn nhất với rừng Amazon - Ảnh: Getty Images

Trận hỏa hoạn lịch sử

Khi các bức không ảnh được tung ra vào tháng 8-2019, người ta mới thấy rừng Amazon đang cháy bừng bừng mà có vẻ không ai biết.

Đây là con thuyền Noah, là nơi trú ẩn an toàn của các loài sinh vật đang mất dần chỗ trên Trái đất. Thông tin từ vệ tinh cho thấy rừng cháy ngùn ngụt, đến ngoài vũ trụ cũng thấy khói. Trong năm ngày mà đã có 7.746 vụ cháy ở Brazil. Khói mịt mù các thành phố.

Nhà nghiên cứu Carlos Nobre của Đại học São Paulo bảo cứ cháy ồ ạt và hầu như không có cứu hỏa thế này sẽ đưa rừng Amazon đến "điểm bùng phát": qua khỏi điểm đó, những đầm lầy của khu rừng vốn ẩm ướt sẽ trở thành hoang mạc.

Mọi sinh vật sẽ không còn chỗ trốn lánh. Theo Nobre, rừng Amazon sẽ bước vào giai đoạn tổn hại không thể đảo ngược một khi

20-25% diện tích rừng mất đi. Với tốc độ cháy như hiện nay thì mốc đó có lẽ chỉ chừng 5 năm nữa.

Tính đến ngày 18-8, số lượng vụ cháy/đốt rừng đã tăng thêm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng có 66.900 điểm cháy so với 39.350 vụ cả năm ngoái. Thật ra từ lúc ông Bolsonaro lên nắm quyền, nhiều nhà vận động môi trường đã thấy trước cái chết của rừng nhiệt đới Amazon.

Chính sách phát triển nông nghiệp bằng mọi giá, kể cả "cắt phổi để nuôi bò" của chính quyền Brazil bị một nhà khoa học đáng kính ở nước này gọi là con đường "tự sát". Carlos Nobre nói với The Guardian: "Rất nhiều đám cháy là do sự thúc ép phải trồng trọt từ chính quyền. Họ đang thúc phá rừng để phát triển kinh tế. Những kẻ phá rừng bất hợp pháp cảm thấy như được chắp cánh".

Không phải là thiếu những tiếng nói phản đối ở Brazil. Tổ chức Avaaz chuyên về môi trường đã gửi thỉnh nguyện thư có 1,1 triệu chữ ký yêu cầu chính phủ ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp.

Các công tố viên liên bang ở bang Pará, bắc Brazil, cũng đã mở điều tra lý do của tình trạng suy giảm các cuộc thanh tra môi trường và vì sao cảnh sát, quân đội biến đâu mất trong các chiến dịch thanh tra mà họ vẫn thường đi theo để bảo vệ.

Nhưng những tiếng nói đấy khá yếu ớt với một nguyên thủ "mặt sắt" như Bolsonaro và nhóm lợi ích khổng lồ của ngành nông nghiệp. Thậm chí khi cả thế giới đã lên tiếng, ông Bolsonaro vẫn nói "đừng can thiệp".

Vào lúc những đám cháy càng dữ dội và lan đi rất nhanh, ông Bolsonaro đối phó bằng cách… sa thải người đứng đầu cơ quan không gian với lý do dữ liệu vệ tinh là dối trá. Nội các của ông tuyên bố đây là âm mưu của châu Âu nhằm kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Brazil. Bộ trưởng ngoại giao thì nghi ngờ đó là chiến thuật của phe cánh tả thế giới.

Cuối cùng, ông Bolsonaro nói hoàn toàn vô bằng rằng rất có thể các nhóm môi trường đã đốt rừng để "phá hoại chính sách phát triển nông nghiệp" của ông!

Dẫu vậy, sức ép quốc tế có vẻ vẫn là giải pháp duy nhất. "Các chính trị gia Brazil quan tâm tới áp lực quốc tế hơn là tiếng nói người dân - nhà nghiên cứu Nobre nói - Ngành nông nghiệp ở Brazil sẽ rất lo lắng nếu người tiêu dùng châu Âu không mua sản phẩm Brazil nữa. Chỉ còn cách đó mới ngăn được người ta bức tử rừng Amazon…".

Miếng thịt là miếng nhục!

Các nước chỉ còn cách gây sức ép để Brazil phải hành động. Bộ trưởng tài chính Phần Lan kêu gọi châu Âu gấp rút xem xét việc cấm nhập thịt bò Brazil. Ireland nói sẽ dừng thỏa thuận mua thịt bò nếu Brazil không làm gì cả để cứu rừng.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết ông sẽ theo dõi sát các động thái của Brazil rồi mới tính có mua thịt bò tiếp hay không. Ông bảo các chính quyền châu Âu sẽ không thể khiến nông dân ở đó bớt dùng thuốc trừ sâu và tôn trọng đa dạng sinh học khi mà chính phủ lại buôn bán với các nước không tôn trọng môi trường.

Cắt hay không cắt, nền công nghiệp thịt bò của Brazil vẫn tiếp tục mở rộng vì như đã nói, châu Á mới là thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Người châu Á có lẽ thấy mình là quá xa rừng Amazon, nó cháy hết rồi nó cũng phải tắt, nhưng thịt bò là thứ phải ăn hằng tuần.

Dù người ta có biết mười mươi là việc sản xuất thịt bò gây ra 41% lượng khí thải nhà kính trong chăn nuôi: trong hơi ợ và phân bò chứa lượng methane là chất gây hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần CO2; dù Ủy ban Chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, và cả các bác sĩ, có khuyến cáo người ta thay đổi khẩu phần, bớt ăn thịt, để góp phần giữ cho Trái đất bớt nóng lên, thì tâm lý "trời sinh voi sinh cỏ" và chuộng ăn thịt ở mỗi người bình thường vẫn bao trùm, nhất là tại các nước "mới giàu đây" (bao năm rồi mới thấy được miếng thịt trên bàn ăn) ở châu Á.

Ai lại ngồi trong phòng máy lạnh lạnh đến nỗi phải khoác thêm áo sợi mà gõ những dòng cảm thán môi trường đang chết, Trái đất đang nóng lên chứ!

Đó cũng là lý lẽ của Bolsonaro, vị tổng thống coi các sinh vật đa dạng của "con tàu Noah" Amazon vĩ đại không quan trọng bằng miếng thịt bò và nghĩ đơn giản rừng chỉ là đất cộng với cây, tôi phá phần tôi, các anh thích rừng thì trồng ở nhà các anh ấy.

Bạn thân ông Bolsonaro, nhà truyền giáo nhiều ảnh hưởng của Brazil Silas Malafaia, nói thẳng: nhiều thế kỷ trước các quốc gia phát triển đã chặt rừng của họ, giờ muốn Brazil bảo tồn Amazon thì phải xùy tiền ra đây!

"Chúng tôi phải gìn giữ mọi thứ chỉ vì bọn họ đã phá hết những gì họ có sao?" - Silas vặn vẹo. Nói chung là sẽ cãi nhau còn dài, chỉ có điều nếu ai đó có tiền thì không phải là mẹ thiên nhiên!

Quảng cáo không mong muốn

Việc tìm kiếm "cháy rừng Amazon" (tiếng Anh: "Amazon fire") trên Googlemấy ngày qua dễ hiểu là một trong những "trend" đông đúc nhất.

Tuy nhiên,nhiều người dùng Internet đã bày tỏ bất bình khi thay vì nhìn thấy các tin tứcvề vụ cháy rừng, các kết quả tìm kiếm họ thấy được xen lẫn, và phần đầu làáp đảo, các tin tức liên quan tới sản phẩm máy tính bảng của Hãng bán lẻ trựctuyến Amazon: Fire.

"Nếu thực sự muốn thấy con người coi trọng thiên nhiêntới mức nào, hãy Google "Amazon Fire" và bạn sẽ thấy máy tính bảng Fire củaAmazon nhiều hơn là vụ cháy rừng Amazon… Thật đáng buồn" - tài khoảnattributemusic ở Anh viết, theo The Daily Mirror.

L.P.

Kinh tế học của cháy rừng

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể đã đổ thêm dầu vào trận cháy rừng Amazon tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Thoạt tiên thì cánh rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh có vẻ không dính dáng gì tới cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng thực ra chúng liên hệ chặt chẽ hơn là bạn tưởng.

Một trong những động thái đáp trả chính của Trung Quốc trong cuộc chiến là việc ngưng mua 30-40 triệu tấn đậu nành mà họ nhập từ Mỹ mỗi năm. Điều đó khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung đậu nành lớn tiếp theo của thế giới: Brazil.

Nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc từ Brazil trong 12 tháng tới tháng 4-2019 đã lên tới 71 triệu tấn. Điều đó dẫn tới bùng nổ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Brazil, với những hãng nông nghiệp lớn như Nutrien và Mosaic tập trung vào sản xuất ở Nam Mỹ để tận dụng mong muốn đa dạng hóa nguồn cung của Trung Quốc.

Điều này lẽ ra không có tác động trực tiếp lên Amazon. Phần lớn đậu nành của Brazil được trồng ở vùng thảo nguyên rộng lớn phía nam và đông, bên ngoài rừng Amazon. Vấn đề là ở chỗ, như mọi quốc gia khác, diện tích đất canh tác của Brazil là hữu hạn, muốn phình ra chỗ này thì ắt phải bóp chỗ kia.

Phần lớn việc mở rộng đất canh tác ở Brazil trong thập niên qua tới từ việc phá rừng trồng lại, vốn được bảo vệ kém hơn so với rừng nguyên sinh Amazon. Việc mở rộng đất trồng đậu nành vào trong đất chăn nuôi sẽ dẫn tới phải mở rộng đất chăn nuôi vào rừng. Đó là chưa kể nhu cầu đất chăn nuôi ở Brazil cũng đang tăng vì nhu cầu thịt bò, cũng từ Trung Quốc, tăng mạnh (xem bài trước).

L.P

Thêm hơn 1.600 đám cháy mới tại Amazon, Brazil cấm đốt rẫy 2 tháng Thêm hơn 1.600 đám cháy mới tại Amazon, Brazil cấm đốt rẫy 2 tháng

TTO - Chính quyền Brazil vừa ban hành lệnh cấm đốt nương rẫy trong bối cảnh các đám cháy tại rừng Amazon lan rộng. Lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức.


T.L. (dịch và tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên